Nghi thức xoay kiệu ở ngôi Chùa được phong tặng “Đệ nhất đại danh lam”
(Dân trí) - Sáng 16/2 (Mùng 9 tháng Giêng năm Bính Thân, 2016), hội Chùa Đậu tại xã Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín, Hà Nội) chính thức khai hội.
Chùa Đậu cách trung tâm Hà Nội khoảng 24 km về phía Nam. Chùa thờ bà Đậu hay nữ thần Pháp Vũ trong hệ thống Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) nên còn gọi là Pháp Vũ Tự.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử đã ghi lại dấu ấn đậm nét của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Bởi vậy từ xa xưa ngôi chùa này đã từng có các triều đại vua, chúa lui tới lễ bái, cầu đảo, cầu cho quốc thái dân an, nên chùa còn có tên khác là Quốc Đảo.
Trong cuốn sách bằng đồng có từ thời Sĩ Nhiếp đầu thế kỷ thứ III (năm 200 - 210) hiện còn cất giữ tại Chùa, có ghi rõ sự tích nàng Man Nương và Phật giáo Ấn Độ du nhập vào Việt Nam. Vì vậy, chùa còn có tên gọi khác là chùa Vua, chùa Bà. Cũng theo "Sách đồng", chùa Đậu được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 sau công nguyên, cách đây gần 2000 năm.
Chùa đã được nhiều đời vua chúa sau đó sửa chữa, tôn tạo. Sử sách ghi lại, các bậc vua chúa khi đến đây lễ bái, cầu an đều rất linh ứng nên ngày xưa, chùa Đậu được phong tặng là "Đệ nhất đại danh lam".
Đặc biệt, chùa Đậu là nơi lưu giữ tượng táng của hai nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, đặt trong hai am thờ phía sau chùa. Ngôi am gạch nơi nhà sư Vũ Khắc Minh nhập thất vẫn còn khá nguyên vẹn.
Bài: Quỳnh Nguyên
Ảnh: Vũ Tuyên