Nghệ thuật Xòe Thái được lập hồ sơ đệ trình UNESCO

(Dân trí) - Bộ VHTTDL vừa ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Thanh Hóa về việc triển khai xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái đệ trình UNESCO.

Theo đó, triển khai việc xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thế đại diện của nhân loại hoặc Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khấn cấp theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ VH,TT&DL đã họp triển khai việc chuẩn bị lập hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” với các địa phương Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái và Thanh Hóa.

Nghệ thuật Xòe Thái trước kia chỉ được biểu diễn phục vụ trong gia đình thổ ty Hoàng A Tưởng, quan khách và thống lý các vùng lân cận. Theo phong tục, vào đêm 30 Tết, khi tiếng gà gáy đầu tiên của năm mới vang lên, người làm ở nhà thổ ty ra suối lấy nước mới thì đó cũng là lúc điệu xòe bắt đầu được biểu diễn. Xòe Thái có sự giao thoa, tiếp biến với điệu valse của Pháp. Trong thời gian giúp xây dựng dinh Hoàng A Tưởng (từ năm 1914 đến năm 1921) và ủng hộ sự trị vì của gia đình họ Hoàng, người Pháp đã đưa nhịp điệu của valse vào xòe khiến cho điệu múa này càng tăng thêm tính sôi động, vui tươi. Điều này đã tạo nên nét độc đáo và đặc sắc riêng cho điệu xòe Thái, khác với xòe Mường, xòe Tày.


Nghệ thuật Xoè Thái là sợi dây kết nối của cộng đồng người Thái ở nhiều tỉnh thành. Ảnh: TL.

Nghệ thuật Xoè Thái là sợi dây kết nối của cộng đồng người Thái ở nhiều tỉnh thành. Ảnh: TL.

Ngày 5/4 vừa qua, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã tổ chức Lễ công bố và trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Nghệ thuật xòe Thái. Xòe Thái được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Điện Biên, là sân chơi cho người dân giải trí sau những ngày lao động vất vả, đồng thời được coi là phương tiện giao tiếp để kết nối mọi người xích lại gần nhau. Đây cũng là nét đẹp văn hóa được nhân dân các dân tộc gửi gắm tâm tư tình cảm và lấy làm hãnh diện, tự hào về văn hóa truyền thống mà cha ông đã gây dựng và trao truyền. Không những thế, Xòe Thái còn là nơi khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa, những đôi trai gái có thể tìm hiểu và gửi gắm tâm tình, trải lòng qua ánh mắt nụ cười, cùng nắm tay nhau để xòe, sau đó là kết tình hạnh phúc.

Nghệ thuật Xòe Thái còn mang đậm tính dân tộc sâu sắc bởi đã khẳng định được bản sắc riêng có không lẫn với dân tộc nào đồng thời có tính lan tỏa rất lớn bởi đã trở thành sản phẩm nghệ thuật chung của toàn xã hội.

Di sản Nghệ thuật Xòe là tài sản vô giá của đồng bào dân tộc Thái, là sợi dây gắn kết cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc và là cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới. Ngày nay Nghệ thuật Xòe còn góp phần phát triển kinh tế của địa phương thông qua các dịch vụ du lịch cộng đồng phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.

Nghệ thuật Xòe Thái hiện vẫn đang được duy trì và phát triển, không chỉ trong cộng đồng dân tộc Thái mà còn có sức sống mãnh liệt và lan tỏa tới nhiều dân tộc khác tại các tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, trong trong xu thế hội nhập của đất nước có sự giao thoa, ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài nên Nghệ thuật Xòe truyền thống đang có nguy cơ bị mai một. Thế hệ trẻ không thể hiện được động tác nhịp nhàng, tinh tế như những người cao tuổi.

Hiện nay, Nghệ thuật Xòe Thái đã được các cấp, các ngành quan tâm và bảo vệ, tiếp tục duy trì theo truyền thống. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương có Nghệ thuật Xòe tham mưu với tỉnh tổ chức múa xòe trong các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống của địa phương, lồng ghép chương trình nghệ thuật trình diễn dân gian, trong đó có Nghệ thuật Xòe Thái vào các chương trình ngoại khóa trong trường học.

Điệu múa xòe mang đậm bản sắc dân tộc nhưng cũng là tiếng nói của những người dân trong lao động, sản xuất. Ảnh: TL.
Điệu múa xòe mang đậm bản sắc dân tộc nhưng cũng là tiếng nói của những người dân trong lao động, sản xuất. Ảnh: TL.

Các đội văn nghệ thuộc các bản, đặc biệt là các bản văn hóa du lịch đã góp phần bảo vệ và phát triển Nghệ thuật Xòe Thái. Tại các bản văn hóa du lịch Thái của tỉnh Điện Biên, múa Xòe đang là một “sản phẩm du lịch” thu hút khách tham quan trong và ngoài nước không những làm phong phú thêm đời sống văn hóa Thái mà còn góp phần mang lại nguồn thu nhập cho bà con trong dịch vụ du lịch cộng đồng.

Hàng năm, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, sự tài trợ của Quỹ Đan Mạch, đã có nhiều dự án về bảo tồn dân ca, dân vũ và truyền dạy nhạc cụ dân tộc, trong đó có nghệ thuật Xòe Thái. Từ nguốn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia, ngành VH,TT&DL đã đầu tư, hỗ trợ cho nhà văn hóa bản những phương tiện như tăng âm, loa đài, trống... phục vụ sinh hoạt của đồng bào.

Để việc lập hồ sơ đảm bảo theo quy định của UNESCO, Bộ VH,TT&DL đề nghị UBND các tỉnh có ý kiến bằng văn bản về hai nội dung: Chủ trương triển khai lập hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái”; Đề xuất đăng ký nhận nhiệm vụ chủ trì, đăng cai lập hồ sơ.

Văn bản trả lời của Ủy ban nhân dân các tỉnh đề nghị gửi về Bộ VH,TT&DL (qua Cục Di sản văn hóa) trước ngày 13/6/2016 để tổng hợp và hoàn thiện.

Hà Tùng Long