Nghệ thuật khắc gỗ trong thời đại kỹ thuật số
(Dân trí) - Chiều tối ngày 7/9 tại Viện Goethe Hà Nội đã khai mạc triển lãm Christiane Baumgartner– Nghệ thuật khắc gỗ trong thời đại kỹ thuật số. Triển lãm bao gồm sê-ri các tác phẩm khắc gỗ được hoàn thành từ các bức hình kỹ thuật số và hình ảnh trong video...
Chiều tối ngày 7/9 tại Viện Goethe Hà Nội đã khai mạc triển lãm Christiane Baumgartner – Nghệ thuật khắc gỗ trong thời đại kỹ thuật số. Triển lãm bao gồm sê-ri các tác phẩm khắc gỗ được hoàn thành từ các bức hình kỹ thuật số và hình ảnh trong video cùng các tác phẩm đơn khổ lớn của tác giả người Đức - Christiane Baumgartner.
Nữ nghệ sỹ đồ họa Christiane Baumgartner sinh ra và lớn lên tại Leipzig, Đức. Cô đến Hà Nội theo chương trình học bổng lưu trú do Quỹ văn hóa Sachsen và Viện Goethe Việt Nam đồng tổ chức. Thời gian lưu trú tại Hà Nội của cô kéo dài 3 tháng từ ngày 1/9. Cô là nghệ sỹ đầu tiên nhận được học bổng này vào năm đầu tiên của chương trình học bổng. Christiane Baumgartner là một nghệ sỹ nổi tiếng được quốc tế biết đến với các tác phẩm khắc gỗ sáng tạo khổ lớn. Trong lần lưu trú này, cô sáng tác các tác phẩm dựa trên khung cảnh văn hóa và nghệ thuật Việt Nam, tìm kiếm nghệ thuật khắc gỗ truyền thống và truyền đạt kinh nghiệm khắc gỗ cho các nghệ sỹ trẻ.
Ngay từ khi chưa tới Hà Nội thực hiện chuyến lưu trú này, cô đã chọn nước là đề tài sáng tác của mình bởi: “Hà Nội nằm bên sông Hồng, một con sông tải nhiều phù sa tạo ra những bãi bồi, nhưng cũng có khi gây ngập lụt. Tôi không định coi đề tài nước chỉ đơn thuần là không gian sống và môi trường sống, là tuyến đường vận tải và phụ trợ cho công nghiệp, mà còn là mặt phản chiếu – như tấm gương soi tâm hồn. Một hình soi trong nước sẽ cho thấy nhiều bình diện, bên cạnh hình phản chiếu ta còn thấy cả mặt nước, và có thể thấy cả đáy sông. Nhờ vậy mà ba bình diện đó sẽ hòa trộn với nhau thành một bức hình, và thông qua dòng nước chuyển động mà nhân tố thời gian cũng được lồng vào.”
Với 50 tác phẩm đại diện cho nghệ thuật khắc gỗ được trưng bày tại triển lãm lần này là sự chắt lọc trong suốt quá trình làm việc 10 năm qua của cô. Ngoài ra, tại đây còn trưng bày một số cuốn sách đã được bà sáng tác trước đó rất lâu, tất cả nhằm mục đích cho người xem dễ hình dung hơn về hành trình sáng tác của bà.
Chia sẻ về những tác phẩm của mình, bà cho hay, tác phẩm Quay phim tốc độ được sáng tác khi bà thấy hàng ngàn những chiếc ô tô đi qua đi lại thật vô nghĩa. Từ đó, bà nảy ra ý tưởng giữ lại những điều ấn tượng đó trên tranh khắc gỗ. Bức tranh Máy bay lại thể hiện sức mạnh của kỹ thuật công nghệ. Điểm đặc biệt của bức tranh chính là ở chỗ, con người không hề xuất hiện.
Đặc điểm của tranh khắc gỗ là bất biến, không có chuyển động, thế nhưng, bộ tranh Tuốc bin gió của cô lại làm cho chúng ta cảm thấy những cơn gió đang thổi rất mạnh. Hay cũng có những bộ tranh được sáng tác trong những lần đi du ngoạn của cô. Một chuyến đi đêm là một bộ tranh được lấy ý tưởng từ một đêm tháng 11 khi cô đang đi về phía tây châu Âu.
Màu sắc truyền thống của tranh khắc gỗ là đen và trắng, có những hình ảnh nếu chỉ sử dụng hai màu này thôi thì không đủ để lột tả được ý định của tác giả. Bà cũng đã từng nghĩ sẽ truyền tải những ý tưởng đó qua những thước phim video, nhưng video lại cho màu sắc quá sống động. Bởi vậy, bà bắt đầu làm tranh khắc gỗ với màu xám, màu sắc nhẹ nhàng này làm cho tác phẩm có tính thơ ca hơn.
Triển lãm bắt đầu từ ngày 7/9 và kết thúc ngày 30/9.