Nghệ thuật hát chèo sẽ đi về đâu?

(Dân trí)- Hội thảo “Chèo với đề tài hiện đại” được tổ chức sáng 13/7. Những Giáo sư đầu ngành, những nghệ sĩ đã nhiều năm dày công nghiên cứu loại hình nghệ thuật dân gian này đã trao đổi để tìm ra hướng đi mới cho hát chèo.

Chèo cùng một số loại hình kịch hát khác là cơ sở nền tảng của Sân khấu Việt Nam. Tuy nhiên với những đặc trưng riêng, hiện nay chèo không còn được lớp trẻ yêu thích. Chính vì vậy hiện nay nhiều nhà hát, đoàn chèo đã chỉnh lý, cải biên, phục dựng nhiều tích cổ thành vở chèo mới khơi nguồn cảm hứng từ những vấn đề, con người của đời sống xã hội hiện đại. Song “hiện đại hoá” loại hình nghệ thuật hiện thân của những vấn đề hiện thực trữ tình này không thể tuỳ tiện cải biên, sáng tạo. Như vậy sẽ mất đi cái hay, cái đẹp của chèo.

Tại buổi hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra quan điểm của mình về vấn đề dựng vở chèo mang đề tài hiện đại. Mỗi ý kiến chạm đến một mặt riêng của nghệ thuật hát chèo từ âm nhạc, mỹ thuật đến đề tài và hình thức biểu diễn. Tất cả đều hướng đến mong muốn đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với khán giả trẻ song vẫn giữ được những nét đẹp vốn có của văn hoá dân gian.
 
Tự Long và Thùy Linh trong một trích đoạn Chèo hiện đại
Tự Long và Thùy Linh trong một trích đoạn Chèo hiện đại
"Anh lái xe và cô gái chống lầy"

Nhạc sỹ.NSƯT Bùi Đức Hạnh với tham luận “Hát xuôi hay hát ngược đây” cho rằng: Chèo hát xuôi cũng được mà hát ngược cũng hay, đều có giá trị thúc đẩy chèo phát triển. Đã đến lúc chèo phải nói thực, giải phóng cho người hát bởi từ trước đến giờ nghệ thuật chèo luôn tự làm khó mình. Tuy nhiên phải lựa chọn những đề tài thích hợp, nhân vật phù hợp với tính chất ước lệ của chèo tránh đi ngược những giá trị thẩm mĩ. Việc đưa hình tượng danh nhân, nguyên thủ quốc gia vào chèo hiện đại sẽ khiến chèo trở thành “kịch nói hoá” chèo.

Như vậy, có thể thấy rằng cũng như một số loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo khác, chèo không thể quay lưng lại với những yêu cầu tiếp nhận mới. Bởi chèo cổ có đặc sắc đến đâu, trong chừng mực nào đó, cũng không hoàn toàn phù hợp với thực tế cuộc sống hôm nay nữa. Tuy nhiên không nên chạy đuổi theo những đề tài nóng mà chỉ cần “hiện đại” chèo bằng những đề tài gần gũi với môi trường sống mà ở đó chính nghệ thuật chèo đã sinh ra.
 
NSƯT Quốc Trượng
NSƯT Quốc Trượng

NSƯT Quốc Trượng (Phó Giám Đốc nhà hát chèo Quân đội) khẳng định, phải đưa hơi thở cuộc sống vào hát chèo. NSƯT Quốc Trượng cho biết “Nếu cứ để nguyên hình chèo cổ thì loại hình nghệ thuật này sẽ dần mai một, không sống được trong lòng công chúng hiện đại. Vì vậy để hấp dẫn khán giả không những cần đề tài mới mà người nghệ sĩ phải “phả” hơi thở cuộc sống vào câu hát. Tuy nhiên chỉ nên đặt lời mới, phát triển lời mới trên lòng bản cổ như “Luyện năm cung”, “Hệ thống đường trường”, “Thức cẩm hồi vân”… chứ không nên sáng tác làn điệu mới. Như vậy sẽ mất chất dân tộc, không còn là hát chèo truyền thống mà thành kịch nói

Bài và ảnh: Nha Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm