Nghệ thuật đương đại xuất hiện những biểu hiện lệch lạc
(Dân trí) - Hội thảo khoa học toàn quốc - Văn học, nghệ thuật 15 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) diễn ra ở TPHCM trong hai ngày 27 và 28/11/2013 đã bàn đến những vấn đề tồn đọng trong các lĩnh vực nghệ thuật như văn học, điện ảnh, âm nhạc...
Văn học, nghệ thuật xuất hiện những biểu hiện lệch lạc…
Trước đó, trong buổi sáng đầu tiên của cuộc hội thảo, Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã có một bài tham luận khá dài và phân tích khá sâu sắc những biến động của đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam trong suốt 15 năm qua. Ngoài việc nhìn nhận những đóng góp tích cực của các văn nghệ sỹ trong việc sáng tác và cống hiến những tác phẩm có giá trị cho công chúng thì một thực trạng đáng được quan tâm là sự xuất hiện của những biểu hiện lệch lạc vẫn đang tồn tại song song với xu hướng lành mạnh, tích cực trong đời sống văn hóa nghệ thuật hiện nay.
Nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng nhấn mạnh tác dụng to lớn của văn học, nghệ thuật đối với đời sống xã hội. Tuy nhiên, tác dụng càng to lớn thì kèm theo đó phải là trách nhiệm của văn nghệ sỹ càng nặng nề. Và một thực tế cũng đáng suy ngẫm là, trong thời gian qua đã xuất hiện xu hướng đề cao quá mức chức năng giải trí mà coi nhẹ chức năng giáo dục. Bên cạnh đó, một số trào lưu lý luận ở nước ngoài được truyền bá vào Việt Nam mà chưa có sự phân tích rõ ràng, thấu đáo cũng như chưa chỉ ra được cái nào hay, cái gì dở để tiếp thu một cách có chọn lọc.
Cũng với nội dung tương tự, GS,TS. Hồ Sĩ Vịnh, tác giả của đề tài “Nhà văn và quyền không được viết dở” cũng có nêu lên quan điểm của mình như sau: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn học, nghệ thuật đang đứng trước những nghịch cảnh: văn hóa đọc bị thu hẹp, giá trị truyền thống bị lãng quên, tâm lý bắt chước “cái mới” mà không chọn lọc… Tình thế đó đòi hỏi các nhà văn, các nghệ sỹ phải giữ vững lòng tự trọng, bản lĩnh để vừa tự tin học hỏi cái hay, vừa không a dua, bắt chước đua đòi vô cớ những cái phi giá trị bên ngoài”.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương chia sẻ trong đề tài tham luận rằng: “Một điều đáng lưu tâm là, người ta đã nhân danh cái mới, nhân danh cách tân để nhập vào không gian văn chương chúng ta những khuynh hướng lập dị, phá vỡ sự trong sáng của ngôn ngữ, lấy chửi bậy, văng tục là tiêu chí của độc đáo…”. Ông Phương còn bày tỏ sự bức xúc trước việc có một tạp chí thơ hải ngoại đã phát động các tác giả thơ văn trong nước chụp ảnh vùng bụng để gửi cho cuộc thi hình ảnh rốn Lạc Hồng.
Nên chăng học hỏi kinh nghiệm “Làn sóng phim Hàn”?
Tham gia hội thảo lần này, một trong những lĩnh vực nghệ thuật cũng thu hút rất lớn sự quan tâm của các đại biểu chính là điện ảnh. Phản ánh khái quát tình hình điện ảnh Việt Nam trong một thập kỷ trở lại đây, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát có nêu lên trăn trở: “Những mươi, mười lăm năm trở lại đây, phim truyện của chúng ta chưa thực sự có nhiều nhân vật để lại ấn tượng đậm nét và điển hình trong lòng khán giả như giai đoạn trước”.
Đồng thời tác giả cũng đưa ra một vài dẫn chứng cụ thể cho các nhân vật từng để lại dấu ấn trong lòng công chúng như vai Dịu trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm và Tư Hậu trong phim cùng tên của NSND Trà Giang, vai Nết của NSND Như Quỳnh trong Đến hẹn lại lên hay vai trung úy Phương của NSND Thế Anh trong Nổi gió… Đó có thể được xem là những vai diễn “để đời” trong sự nghiệp điện ảnh của các diễn viên và cả bộ phim mà họ tham gia. Bởi lẽ, một bộ phim được khán giả nhớ đến hầu hết thông qua nhân vật trong phim hay ngược lại, chính tài năng diễn xuất của diễn viên cũng làm cho nhân vật sống mãi trong lòng công chúng.
Phải chăng, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến một thực trạng khác của điện ảnh Việt Nam hiện nay là, giới trẻ đang bị cuốn hút vào các bộ phim Hàn quá mạnh mẽ. Nhận định về vấn đề này khi nhìn lại điện ảnh nước nhà, PGS,TS. Nguyễn Hữu Thức đã đưa ra quan điểm của mình kèm theo một số kiến nghị đối với các nhà xây dựng chính sách phát triển điện ảnh Việt. Theo ông, điện ảnh Việt nên học hỏi từ những kinh nghiệm mà ngành điện ảnh của xứ sở kim chi đã làm được.
PGS, TS. Nguyễn Hữu Thức còn chia sẻ những cảm xúc của ông sau khi có chuyến đi thực tế tại Hàn Quốc và không thể phủ nhận một điều, điện ảnh Hàn đã đạt được những thành công to lớn là nhờ sự nỗ lực cũng như các chính sách phát triển điện ảnh của đất nước này được xây dựng và thực hiện một cách hiệu quả. Không phải tự nhiên mà các bộ phim Hàn luôn nhận được sự thiện cảm của khán giả nhiều nước trên thế giới. Thậm chí, cụm từ “làn sóng phim Hàn” đến nay đã quá quen thuộc với nhiều người, đặc biệt dòng phim tâm lý xã hội và cổ trang lịch sử là thế mạnh mà điện ảnh xứ Hàn đang ra sức quảng bá.
Ngoài việc đưa ra những dẫn chứng về thành tựu mà điện ảnh nước bạn đã đạt được, tác giả bài tham luận còn nêu lên một số ý kiến đề xuất đối với chính sách phát triển điện ảnh nước nhà. Trong đó, nội dung đáng chú ý là mong muốn chính phủ sớm thành lập một quỹ phát triển cho điện ảnh Việt Nam. Đồng thời, đầu tư xây dựng trường quay qui mô mang tầm quốc gia. Song song đó, cần có các chính sách lựa chọn sinh viên giỏi trong các trường điện ảnh, nghệ thuật để gửi đi đào tạo ở các nước có nền điện ảnh phát triển… Ý kiến này cũng đã nhận được sự đồng tình từ đa số các đại biểu tham gia hội thảo.
Ca khúc Việt: “hạt chắc thì ít, hạt lép thì nhiều”
Mảng âm nhạc luôn là một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều người và nhiều tầng lớp công chúng. Xuất hiện trong số các đề tài tham luận tại cuộc hội thảo lần này, tác giả Nguyễn Đăng Nghị cũng đã bày tỏ quan điểm của mình về các ca khúc nhạc Việt hiện nay. Tình trạng “hạt chắc thì ít, hạt lép thì nhiều” hay “vỏ đỏ ruột xanh” của các ca khúc xuất hiện ngày càng nhiều trên sân khấu ca nhạc. Tồn tại song song trong suốt thời gian qua còn có một vấn đề khiến nhiều nhạc sỹ chân chính bức xúc khi tình trạng sao chép, đạo nhạc, nhạc nhái hoặc các ca khúc lai tạp… vẫn đang diễn ra “nhan nhản”.
Không những vậy, một số nghịch lý khác trong âm nhạc cũng đã được các đại biểu tham gia hội thảo đưa ra thảo luận, đó chính là sự mâu thuẫn trong cách cảm nhận tác phẩm giữa những nhà chuyên môn và công chúng. Một số tác phẩm đối với các nhà chuyên môn, những người trí thức thì được cho là nghệ thuật nhưng đối với công chúng, họ lại không hưởng ứng hoặc không yêu thích. Đương nhiên, không phủ nhận, một vài năm gần đây cũng đã có các ca khúc nhận được sự đồng thuận và tình cảm từ cả giới chuyên môn và khán giả nhưng thực tế thì đó chỉ là một con số khá khiêm tốn.
Trước những thực trạng đáng lưu tâm này, hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo đều có chung quan điểm về việc chú trọng đầu tư khâu giáo dục ý thức trong nhà trường. Ngoài việc tích cực phát hiện và nuôi dưỡng các tài năng trẻ thì cần phải có những bài học định hướng khi tiếp nhận cái mới trong âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung từ bên ngoài. Điều này, cần có cả sự hợp sức từ nhiều phía, không chỉ nhà trường mà còn cả gia đình trong việc giáo dục ý thức dân tộc của mỗi người. Bởi lẽ, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin ngày nay cũng là một “con dao hai lưỡi” khiến giới trẻ sa đà vào những thể loại văn hóa phi giá trị nếu không được trang bị bản lĩnh cũng như ý thức từ bản thân.
Trong hai ngày diễn ra hội thảo, gần 70 đề tài tham luận đã được gửi đến từ các đại biểu là các nhà phê bình, các nhà văn, biên kịch, nghệ sỹ trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật như văn học, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, múa, điêu khắc, hội họa… Ông Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chia sẻ, cuộc hội thảo được diễn ra trên tinh thần nói thẳng, nói thật và tập trung lắng nghe những ý kiến đa chiều từ các đại biểu, khách mời. Tất cả vì một mục tiêu, nhiệm vụ chung đã được nêu rõ trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương (khóa VIII - tháng 7/1998) là “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Cao Trí Hòa