Nghệ thuật đương đại Việt mới chỉ mang tính hình thức
“Đa số tác phẩm nghệ thuật đương đại Việt Nam do các nghệ sỹ 8X sáng tác mới chỉ mang tính hình thức”- đó là nhận xét của Đào Mai Trang, người sẽ cho ra mắt cuốn sách “Tài năng và nghệ thuật” viết về bối cảnh sáng tác nghệ thuật đương đại của thế hệ 8X.
Rất ít các tác phẩm đương đại Việt Nam đúng nghĩa như sắp đặt “Hà Nội” của Bàng Nhất Linh
Nhiều nghệ sĩ 8X chưa bền bỉ
Chị có quá khắt khe khi đưa ra nhận xét mang tính phản biện như vậy?
Tác giả Đào Mai Trang: Tôi cũng muốn mình dễ tính hơn khi đánh giá về thế hệ 8X làm đương đại bởi đây là một thế hệ tài năng. Nhưng nhiều tác phẩm được ra mắt không thể làm tôi thấy yên tâm. Đa số các tác phẩm trình diễn, sắp đặt, video art mới chỉ mượn cái danh “nghệ thuật đương đại” (NTĐĐ) để thử xem sao, còn tiếng nói xã hội, cái cốt lõi của NTĐĐ thì chưa giải quyết được.
Chị có thể ví dụ cụ thể?
Trong Festival Mỹ thuật trẻ 2014, đa phần các tác phẩm sắp đặt và video art hoặc hời hợt, ngô nghê hoặc rườm rà, ướt át. Ví dụ, có tác giả đã để một đống bột mỳ trắng trên một cài ghế băng dài màu đỏ, kèm một tờ giấy ghi chú về giá tiền của 20kg bột mỳ với 0,01g heroin. Có những màn trình diễn được thực hiện như một màn biểu diễn hình thể, cố gây lạ, gây chú ý của khán giả hơn là một thông điệp sâu sắc. Nhưng cũng có những tác phẩm thật sự đã làm được theo lối đương đại. Tuy vậy, số lượng này không nhiều và nghệ sỹ đã không theo đuổi NTĐĐ một cách liên tục mà có sự đứt đoạn khiến người xem băn khoăn, đặt ra nhiều câu hỏi.
Vì thế mà chị đã hoài nghi, thất vọng về thế hệ 8X làm đương đại?
Tôi thấy tiếc nhiều hơn khi nhiều nghệ sỹ 8X rất có khả năng song còn chưa quyết liệt, chưa bền bỉ với NTĐĐ. Họ có điều kiện thuận lợi hơn các thế hệ nghệ sỹ trước rất nhiều trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên, dường như họ vẫn bị lệ thuộc vào hoàn cảnh sống, chưa thoát ra khỏi những ràng buộc thực tiễn trong hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam để kiên nhẫn hơn với nghệ thuật của mình. Tôi chỉ mong là các nghệ sĩ thế hệ này nên xem xét một cách trung thực nhất rằng sáng tạo nghệ thuật có thực sự là nhu cầu của mình hay không.
Trình diễn kiểu này thì… quá dễ
Tác phẩm cần lôi cuốn công chúng
Những rào cản từ sự quản lý loại hình nghệ thuật này đã gây ra không ít phiền hà cho các nghệ sỹ trẻ?
Điều đó đúng. Có một sự nhập nhằng trong cách đánh giá NTĐĐ và các loại hình nghệ thuật khác. Cục Nghệ thuật biểu diễn thì quản lý nghệ thuật trình diễn trong nghệ thuật sắp đặt. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm lại quản lý nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art. Chưa nói tới, hiện nay, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm và Hội Mỹ thuật Việt Nam đang tổ chức cho các nghệ sỹ đương đại tham gia thi tài với mô hình tổ chức còn nặng tính phong trào như hàng chục năm trước. Ngay việc trưng bày NTĐĐ trong cùng một không gian với hội họa giá vẽ, điêu khắc, đồ họa đã làm khó cho chính người xem rồi. Bạn ngắm tranh thế nào khi bên tai ồn ào, ri rỉ âm thanh từ một sáng tác NTĐĐ? Không phải tự dưng mà nhiều người làm nghệ thuật đương đại vẫn trong độ tuổi 35, có tên tuổi, không tham gia Festival Mỹ thuật trẻ.
Nên quản lý NTĐĐ theo cách nào để tạo điều kiện cho các nghệ sỹ 8X phát triển?
Ở một số nước, họ đã thành lập Hội đồng nghệ thuật quốc gia và cơ quan này có nhiều hoạt động bảo trợ cho NTĐĐ. Đồng thời, tại các nước này, có nhiều bảo tàng NTĐĐ để đứng ra mua, sưu tập, tổ chức triển lãm NTĐĐ. Như vậy, nghệ sĩ có nhiều cơ hội đưa nghệ thuật của mình ra công chúng và cũng có thể có nguồn thu nhập từ đó, mặt dù nghệ sĩ làm NTĐĐ vốn thấu hiểu đây là nghệ thuật hoàn toàn phi lợi nhuận.
Một tác phẩm NTĐĐ đúng nghĩa thì cần đảm bảo được những tiêu chí nào, thưa chị?
“Nghệ thuật đương đại” vốn được mặc định là một thuật ngữ chỉ những hình thức nghệ thuật thị giác (visual art), mang tính ý niệm cao, được hình thành trong bối cảnh hậu công nghiệp ở phương Tây. Các hình thức của nó đa dạng, như sắp đặt, video art, trình diễn và có thể là nhiều hình thức trong một tác phẩm. Nhưng dù ở hình thức nghệ thuật nào đi nữa thì một tác phẩm NTĐĐ cũng cần thể hiện được tiếng nói xã hội mạnh mẽ, hấp dẫn thị giác, lôi cuốn công chúng vào câu chuyện và cùng nghệ sĩ hoàn thiện tác phẩm ấy bằng những thay đổi trong nhận thức và cảm xúc của mỗi người.
Xin cảm ơn tác giả Đào Mai Trang!
Theo Phạm Thu Hương
An ninh thủ đô