Nghệ sỹ sau ánh đèn sân khấu: Đắng lòng “buôn nghệ”, bán thân

Các quán ăn, nhà hàng có ca cổ hoặc đờn ca tài tử tại TPHCM, đến đây, người nghe (xem), không chỉ thưởng thức giọng ca ngọt ngào, mượt mà của người hát, mà còn “thưởng thức” những câu chuyện đắng lòng…

Một “ca sĩ” đang kể về thân phận của mình

Một “ca sĩ” đang kể về thân phận của mình

Ca cổ kiểu “trăm phần trăm”

Quán nhậu bình dân “Gió đồng nội” nằm ở vùng sông nước quận 8 thuộc khu Bình Xuyên xưa. Hàng đêm, từ 20h, quán này còn có thêm món “đặc sản” là các giọng ca cải lương nữ mùi mẫn, ngọt lịm từ các tài tử mặc áo bà ba, quần lãnh đen chính hiệu. Bắt đầu, người phục vụ mang đến mỗi bàn nhậu một lọ hoa (nhựa), xanh, đỏ, tím, vàng. Nhạc công ngồi trên bục so dây cây guitar phím lõm, kê dưới chân mình một bộ song loan. Mở màn, các ca sĩ, mỗi người hát 2 bản vọng cổ (hay bản khác tùy theo yêu cầu), trong sự nhộm nhoạm của người ăn kẻ uống. Dứt mỗi bản, lác đác có một vài ông khách, cuộn tròn những tờ 20, 50 hoặc 100 ngàn lên sân khấu “bo” cho các ca sĩ. Có người bạo dạn còn tranh thủ luồn tay ôm eo, và “giao lưu” với ca sĩ bằng một cái hôn ướt nhoẹt những bia và mỡ món nhậu.

Có những nhóm ca sĩ, khi thấy lượng tiền “bo” khá hẻo, thì chia ra, người đứng trên sân khấu thì hát, người đến các bàn mời chào, “giao lưu văn hóa” bằng những lần “dô trăm phần trăm”. Có “ca sĩ” chịu chơi còn kéo hẳn ghế, ghé xuống ngồi giao lưu với “anh Hai, anh Ba”. Đây là lúc mà cái nghiệp cầm ca bị rẻ rúng đến… đau lòng. Áo bà ba thì xẻ lườn thật sâu, khi các cô cúi xuống và ngửa cổ “chơi trăm phần trăm” thì cái eo của các cô hầu như trống không trước hàng chục con mắt hau háu. Và khi các cô cầm hai tay ly bia tu một hơi cũng là lúc những bàn tay của dân nhậu tự do “đi dạo” phần eo, phần ngực các cô. Ngọc Tình, nghệ danh của ca sĩ đang học năm thứ ba trường Cao đẳng nghệ thuật TP HCM, cay đắng nói: “Tụi em, đa phần là sinh viên, có ăn học đàng hoàng, chủ yếu là dân miền Tây mê ca cổ nên mới thi vào khoa nghệ thuật truyền thống. Để luyện giọng và để phụ giúp gia đình tiền ăn học, tụi em mới nhận hát các các nhà hàng, quán nhậu hàng đêm. Tiền “bo”, tụi em ăn đồng chia đủ nhau với cả nhóm và nhạc công. Có ngày cũng kiếm được 200-300 ngàn, có ngày 50-70 ngàn, rất thất thường. Nhưng tụi em cay đắng nhất, ê chề nhất là gặp những dân quậy, coi thân xác phụ nữ là trò chơi chứ thưởng thức âm nhạc cái nỗi gì”.

Ông Bùi Ngọc Long, thanh tra viên chuyên ngành văn hóa TP HCM cho biết, thực chất, có không ít các cô gái miền Tây lên đây phục vụ tại các quán ăn, nhà hàng đèn mờ. Mà gái miền Tây, cô nào ít nhiều cũng thuộc vài ba câu vọng cổ, nên dễ biến thành mại dâm trá hình. “Đây là loại hình dân ca truyền khẩu nên chúng tôi cũng khó mà… thẩm định trình độ chuyên môn của các “ca sĩ” của các quán này”, ông Long cho biết.

Ngọc Tình kể thêm, các cô ca sĩ vọng cổ sợ nhất là các nhà hàng có bố trí phòng máy lạnh riêng. Khi một nhóm 2-3 cô nào đó được yêu cầu vô phục vụ riêng thì có trời biết là các ông nhậu… “thưởng thức tụi em cái gì ở trong đó”. Thực tế, không thiếu những nhà hàng có ca cổ, cải lương tại TP HCM đã biến tướng thành những nhà hàng bia ôm trá hình, nhất là vùng quận 7, quận 8, quận 12 và Hóc Môn. Và cũng có không ít những “tài tử” đã biến mình thành gái bao, gái gọi... Với bia, rượu và những lần ăn chơi thâu đêm suốt sáng, các cô dần mất hết giọng và phải sống bằng nghề bán thân như là một tất yếu.

Vấp ngã trên chính… giọng ca

Xuất thân là một người mê đờn ca tài tử, đã từng sinh hoạt với một nhóm tại quận Thủ Đức được những 6 năm, nên Ngọc My đã thuộc được khoảng 12 bài (trong tổng số 20 bài) tổ. Kỹ năng ca cổ cộng với mái tóc buông bờ vai tròn lẳn là một lợi thế không nhỏ nên từ Long An, Ngọc My lên Thủ Đức thuê nhà trọ và làm kế toán cho một công ty tư nhân, cô luôn là một bông hoa sáng giá trong các cuộc gặp mặt, liên hoan của đồng nghiệp trong công ty. Giữa không khí chan hòa với bạn bè, cô trổ hết tài năng đờn ca của mình, giao lưu với đối tác làm ăn của công ty. Không biết từ khi nào, trưởng phòng rồi giám đốc của cô đã “đặc cách” cô phải có mặt trong các buổi giao lưu với đối tác. Cho đến khi cô lọt vào “mắt xanh” của một “anh” giám đốc mê muội với giọng hát của cô. Từ đó, cô trượt dài vào các cuộc nhậu có khi đến 3-4 giờ sáng với “anh” giám đốc đó. Cô nghiện rượu, uống cả lít mà không say và rồi mất việc, cộng thêm việc bị “chị hai” của anh giám đốc si tình đó giần cho một trận nhớ đời. Mất tất cả, Ngọc My buộc phải la cà đến những quán nhậu ở Thủ Đức để… tiếp thị giọng ca “ngọt như mía lùi” của mình. Bây giờ, nhan sắc đã tàn phai, giọng ca cũng không còn, Ngọc My đành bước vào con đường bán dâm nuôi thân, kiếm tiền uống rượu mỗi ngày.

Thầy K. dạy đàn kìm của một trường nghệ thuật sân khấu cho biết: “Tôi cũng đã nghe râm ran dư luận là có sinh viên của trường lập nhóm, đi ca tại các nhà hàng để luyện giọng và kiếm thêm tiền ăn học. Nhưng đây là sinh hoạt ngoài chương trình của nhà trường vào buổi tối nên các em phải tự chịu trách nhiệm với bản thân mình. Tôi chỉ cảnh báo, đây là môi trường đầy cám dỗ và cạm bẫy với các em”.

Theo thống kê, trên địa bàn TP HCM hiện có 118 CLB đờn ca tài tử thường xuyên sinh hoạt với hơn 2.000 thành viên. Củ Chi là huyện có phong trào đờn ca tài tử phát triển mạnh so với các địa phương khác ở TP HCM. Trước thực trạng trên, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử TP HCM Hoàng Tấn cho biết: “Về bản chất, đờn ca tài tử chỉ là… chơi, mà dân Nam bộ đã chơi là chơi… hết mình. Phải bản lĩnh lắm, mới giữ được cái lằn ranh mong manh giữa sự hết mình và giữ mình. Thành viên các CLB đờn ca tài tử thường là người lớn, họ phải biết giữ mình. Giữ cho bản thân, gia đình và xã hội”.

Theo Quốc Định
Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm