Nghệ sỹ cao kều
(Dân trí) - Bắt nguồn từ thực tế cuộc sống của ngư dân ven biển, nghệ thuật cà kheo đã ra đời không chỉ phục vụ lợi ích cho ngư dân mà còn là nét đẹp của văn hóa dân gian truyền thồng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân vùng biển Nghĩa Hưng.
Nhắc đến làng Quần Vinh, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, nhiều người nghĩ ngay đến làng cà kheo - niềm tự hào của người dân nơi đây. Từ thời xa xưa, ngư dân đã biết sử dụng cà kheo để đi biển đánh bắt tôm, moi gần bờ… rồi cứ đời này qua đời khác, họ truyền lại cho nhau kinh nghiệm đi cà kheo để phục vụ cho cuộc sống vật chất cũng như văn hóa tinh thần.
Cụ Nguyễn Văn Luận (88 tuổi) - người đội trưởng đầu tiên và cũng là người thành lập ra đội cà kheo Quần Vinh cho biết: “Khoảng sau năm 1945, lúc đấy cụ là Tương hệu tống giáo xứ Quần Vinh, thời gian ấy văn hóa xã hội ở xã chưa có tiết mục gì vui, nên cụ đã huy động thành lập đội kheo gồm 20 hội viên. Cũng từ đấy đội của cụ đã được quần chúng nhân dân và lãnh đạo địa phương ghi nhận, rồi được đi biểu diễn, giao lưu các nơi trong nước…".
Khi hỏi về công việc làm ra đôi kheo cụ Luận chia sẻ: “Cà kheo được làm bằng tre góa trồng ở đất thịt đường kính từ 4 - 6cm thân tre thẳng, có sức chịu lực tốt, dài từ 3 - 5m có chỗ đặt chân và nén kheo. Sau khi kiếm được thân kheo ưng ý về phải ủ bùn ngâm ao hơn 1 tháng và treo gác bếp cho mồng hóng bám vào khi gõ nghe tiếng kêu dòn là được. Nén kheo đeo ở đầu gối để giữ kheo và phải có độ co giãn, người đi kheo phải dựa vào nước để lấy thăng bằng. Cà kheo lên bờ khó đi hơn ở dưới nước vì nền đất cứng, độ nguy hiểm cao hơn, đòi hỏi phải khổ công luyện tập”.
Cụ Luận có 10 người con thì 5 người con trai đều nằm trong hội kheo của làng. Các con rể, cháu cụ đều biết đi kheo, đội kheo bây giờ gần 30 hội viên trong đó con cháu cụ chiếm hơn 10 người.
Ông Nguyễn Văn Ngự, con trai cụ Luận, người từng giữ cương vị đội trưởng hội kheo cho biết: “Dùng cà kheo đi bể lợi lắm, đánh được nhiều tôm, moi, cá…lúc đầu tôm, moi gần bờ thì dùng chân không để đẩy te, sau tôm ra xa thì dùng cà kheo thay cho đôi chân, tùy theo mức độ gần xa của tôm, moi mà chọn kheo cho phù hợp, ngắn nhất là 1,5m ra xa hơn thì hơn 2m, rồi cứ như thế họ nâng mức kheo lên 3- 4m”.
Trên biển họ là những ngư dân ăn sóng, nói gió, còn trên sân khấu họ là những diễn viên điêu luyện thực thụ. Vượt qua lũy tre làng thanh bình yên ấm, nghệ thuật cà kheo làng Quần Vinh đã biễu diễn tại nhiều lễ hội trong cả nước: Biểu diễn tại Chương trình nghệ thuật chào đón thiên niên kỷ ngày 31/12/2000, năm 2001 Liên hoan du lịch quốc tế Hà Nội, Lễ hội dân ca, dân vũ thành phố Hồ Chí Minh năm 2003, Liên hoan du lịch Tuần Châu - Quảng Ninh năm 2004, Lễ khai mạc SEA Game 22, Liên hoan du lịch quốc tế Hà Nội năm 2005, Lễ hội du lịch Hạ Long năm 2010,(CARNAVAL Hạ Long 2010)…
Trên “đôi chân” dài từ 3- 4m, các nghệ sĩ biểu diễn các tích trò, các môn thể thao như: Cầu lông, đánh đu, đấu kiếm, hát quan họ, đá bóng, chơi xà đơn, xà kép, đấu vật…
Xuất phát là công cụ gắn liền với cuộc sống lao động và sản xuất hàng ngày của ngư dân, cà kheo đã trở thành một môn nghệ thuật trong đời sống của các ngư dân. Sau những giờ lao động vất vả, các hội viên trong hội kheo xã Nghĩa Thắng lại tụ họp trên bãi biển để cùng nhau luyện tập, sáng tạo ra trò chơi mới vừa luyện tập sức khỏe, vừa giải trí và điêu luyện hơn khi đi bằng “đôi chân” 3 - 4m. Đến nay đội kheo xã Nghĩa Thắng có gần 30 người với hơn 20 tiết mục, trò diễn đặc sắc.
Ngoài đội cà kheo xã Nghĩa Thắng, Nam Định còn nổi tiếng với các đội cà kheo xã Hải Triều, Hải LÝ, Hải Đông (Hải Hậu). Mỗi đội đều có tích trò, thế mạnh, nét độc đáo riêng nhưng đều mang đậm đặc trưng của cư dân vùng đầu sóng ngọn gió. Từ công cụ phục vụ cho lao động sản xuất, bà con nơi đây đã biến thành môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc đáp ứng như cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.
K. Đức - Đ. Đức