Nghệ sĩ Việt: Vì sao bị chặn cát-sê phim?

Câu chuyện diễn viên bị quịt tiền, ăn chặn tiền cát-sê không xa lạ gì với nghề diễn và ngày càng nóng khi thỉnh thoảng trên facebook cá nhân của một nghệ sĩ lại tố nhà sản xuất quịt tiền cát-sê. Hay đôi lúc một nghệ sĩ ta thán với nhà báo mình bị xù tiền. Hoặc lúc là nhà sản xuất, lúc là đạo diễn trả tiền cho diễn viên mà mặt nặng như đeo đá hoặc nghệ sĩ đến lúc lấy tiền cứ như đi xin ăn.

Ở giữa và cuối thập niên 90, phim truyền hình nào dài tập nhất cũng chỉ 10 tập, còn trung bình là từ 4 đến 6 tập. Nhưng khoảng dăm năm trở lại đây, do nhu cầu tăng thời lượng giờ chiếu phim Việt, do học tập các phim truyền hình nước ngoài, phim truyền hình Việt kéo dài vài chục tập. Nhiều phim truyền hình Việt ra đời điều đó đồng nghĩa với việc diễn viên có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, nhưng sự thực đằng sau câu chuyện cát-sê của diễn viên lại khác.

Nếu như trước đây, nhà đài trực tiếp sản xuất phim, chuyện quịt cát-sê gần như không có, nhưng nay với phương thức sản xuất khác, nhiều hãng phim hoạt động theo kiểu chân rết, nhà đài ký hợp đồng với một công ty để sản xuất ra một bộ phim, công ty lại ký hợp đồng với một hãng phim khác để sản xuất. Thế là tiền từ tay nhà đài chuyển xuống công ty, rồi từ công ty chuyển qua hãng phim, từ hãng phim lại chuyển tới tay đạo diễn, từ đạo diễn đến tay trợ lý, từ trợ lý đến diễn viên qua nhiều lớp lang như vậy và con số cứ tụt dần đều.

Đạo diễn, diễn viên Minh Béo cho biết: "Với cách làm phim hiện giờ tiền đến tay diễn viên, đạo diễn là con số thấp nhất vì tiền nhà đài giao xuống qua quá nhiều khâu rồi giá tiền nào thấp nhất thì người ta để sản xuất phim. Ví dụ như nhà đài trả 180 triệu đồng/ tập thì đến khi sản xuất phim còn 120 triệu/ tập. Nhận phim với số tiền ít nên nhiều phim kém chất lượng. Và để giảm thu bù chi, hay để có lãi nhiều nhà sản xuất quịt luôn cả tiền diễn viên. Diễn viên khi đi đóng phim cũng không được ký hợp đồng trên giấy trắng mực đen mà chủ yếu là hợp đồng miệng. Mà, lời nói gió bay, cũng không có gì để làm bằng chứng, đến khi xảy ra chuyện họ khó đòi được tiền cát-sê”.


Cảnh trong phim “Vết dầu loang”.

Cảnh trong phim “Vết dầu loang”.

Chưa kể nếu như trước đây, theo cách làm việc cũ ngay sau khi làm phim xong diễn viên nhận được tiền cát-sê hoặc muộn lắm là phim phát sóng, nhưng nay nhà đài với phương thức thanh toán khác trước. Nhà đài ký hợp đồng với nhà sản xuất phim lên sóng có thu hút được khán giả, có rating cao, có câu được nhiều hợp đồng quảng cáo sau đó mới trả hết tiền cho nhà sản xuất, còn không thì chỉ trả theo phần trăm, phim chiếu đến đâu trả tiền đến đấy. Còn một cách làm mạo hiểm của nhà sản xuất nữa là làm liều, cứ bỏ vốn làm phim xong rồi bán lại cho nhà đài, hứa hẹn khi phim lên sóng sẽ được nhận cát-sê nhưng phim làm xong chưa bán được thì xếp kho, và diễn viên cứ chờ dài để nhận tiền cát-sê. Hoặc phim đang chiếu trên truyền hình nhưng lại bị dừng chiếu, cấm chiếu, nhà sản xuất không có tiền trả nên đành ngó lơ luôn diễn viên.

Với cách làm việc mới của nhà đài, công ty tư nhân có thể bao thầu trọn gói phim rồi "bán cái" lại cho hãng phim. Không ít trong số đó có nhà sản xuất “đầu gấu” và hành xử theo lối xã hội đen. Nhiều trường hợp diễn viên đã phải tự đi tìm công lý cho mình. Tháng 3 năm nay, diễn viên Thanh Tuấn bị Công ty K.L Film quịt tiền và có lời lẽ đe dọa hành hung. Chuyện là trước Tết Ất Mùi 2015, Công ty K.L Film mời Thanh Tuấn vào phim “Bác Ba Phi kén dâu”. Bộ phim hoàn thành và được phát sóng trên HTV9 từ ngày mồng 1 đến mồng 6 Tết Ất Mùi. Nhưng đến giữa tháng 3, diễn viên Thanh Tuấn đến hãng phim này để nhận tiền cát-sê như đã ký trong hợp đồng thì giám đốc sản xuất nạt nộ và nói rằng nếu cứ tiếp tục đòi thì không chắc diễn viên này liệu còn cơ thể lành lặn để tiếp tục đóng phim nữa hay không?!.


Diễn viên Huy Khánh.

Diễn viên Huy Khánh.

 

 

Tương tự, diễn viên Huy Khánh phải công bố vụ chặn tiền trắng trợn từ nhà sản xuất phim "Like - Tình yêu - Thời trang - Khăn rằn" do Công ty cổ phần Nghệ thuật quảng cáo Hải Sơn Lâm. Theo Huy Khánh thì bộ phim bấm máy vào tháng 9/2014, và phim đóng máy trước Tết Ất Mùi sau đó phim được phát sóng trên kênh SCTV1. Khi bộ phim phát sóng, diễn viên Huy Khánh chỉ nhận được 50% tiền thù lao.

Sau đó, anh có liên lạc với nhà sản xuất nhưng họ viện đủ các lý do chưa thanh toán nốt số tiền hợp đồng cho anh. Sau nhiều lần thất hẹn từ nhà sản xuất, Huy Khánh kể: "Ngay sau khi sự việc được công khai thì một người xưng là kế toán bên nhà sản xuất gọi điện bảo sẽ làm giấy xác nhận ngày 10/8/2015 trả đủ. Nhưng tôi không đồng ý và bảo rằng ngay cả cái hợp đồng làm việc ban đầu còn không làm được gì thì đừng nói gì tờ giấy do một nhân viên bình thường ký. Và 5 phút sau, có một người đàn ông gọi điện dọa đánh tôi”. Anh còn cho biết: "Lúc đó tôi bị sốc, vì đây là lần thứ hai công ty này có những hành động vượt quá mức cho phép. Trước đây, tôi gọi điện đến để đòi tiền thù lao thì họ chửi tôi rất nặng lời và bảo tôi là: "Đồ mất dạy, đừng làm phiền..!". Không chỉ với riêng Huy Khánh mà những diễn viên khác trong phim như Dương Yến Ngọc, Dương Cẩm Lynh, Lê Thúy, Đức Long và các bộ phận hóa trang, phục trang, âm thanh, ánh sáng cũng chịu cảnh tương tự.

Một diễn viên kỳ cựu từng đóng hàng trăm tập phim truyền hình cho Đài truyền hình Việt Nam - diễn viên Thanh Hiền kể, chị chưa bao giờ bị chửi bới, đe dọa vì tiền cát-sê nhưng chuyện ăn chặn tiền của diễn viên không phải không xảy ra. Ví dụ như trong một hãng phim có nhiều đạo diễn, mà mỗi đạo diễn thì mỗi người một tính. Người phóng khoáng với anh em, người chặt chẽ hoặc "có vấn đề về tiền" nên diễn viên nào may mắn làm việc với đạo diễn tốt thì sẽ được trả tiền cát-sê theo đúng quy định, gặp đạo diễn tồi thì coi như làm 10 mà chỉ nhận được 1. Chẳng vậy mà diễn viên khi đi làm phim vẫn thường rỉ tai nhau, chuyện đạo diễn này làm việc có đàng hoàng đứng đắn, hay ông đạo diễn kia nhỏ mọn, ăn chặn.


Ca sĩ Phương Thanh.

Ca sĩ Phương Thanh.

Bộ phim "Hương Ga" do đạo diễn Việt kiều Cường Ngô đình đám ra rạp, được truyền thông hết lời ca ngợi, với doanh thu cao ngất ngưởng nhưng ca sĩ Phương Thanh đóng một vai trong phim cũng ta thán rằng chị không nhận được một đồng cát-sê nào trong phim này. Ngay cả lúc làm chiến dịch quảng bá cho phim tại các tụ điểm, nữ ca sĩ này hát cũng không được nhà sản xuất trả thù lao.

Câu chuyện của Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Trần Hạnh đáng để người ta suy ngẫm về nhân tình thế thái ở đời. Năm nay ông đã ngoài 80 tuổi, hơn 40 năm gắn bó với sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội, là gương mặt quen thuộc của khán giả cả nước, ông luôn vào vai ông bố tốt tính, lành hiền, nghèo khó, tử tế, nói đến việc trả cát-sê cho phim, ông nhớ lại: "Nước Nhật sang đây làm phim, đạo diễn Tất Bình gọi tôi đi làm phim 7 hôm, tính ra giá trung bình là 1 triệu đồng/ 1 ngày quay. Nhưng chú ấy đưa cho tôi 20 triệu. Tôi cứ sợ mãi. Tôi hỏi: "Sao mày đưa tao nhiều thế này, tao không dám lấy đâu". Chú ấy bảo: "Vì tình nghĩa anh em bấy lâu, vì em vào nghề thì anh đã thành danh, nên anh cứ cầm lấy không phải áy náy".


NSƯT Trần Hạnh.

NSƯT Trần Hạnh.

Nhưng không phải đạo diễn nào sống cũng có tình người như Tất Bình. Nói về dòng phim mà nhiều diễn viên mơ ước đóng, phim sang, phim nhựa là loại phim để chiếu rạp với vốn kinh phí khủng, NSƯT Trần Hạnh trầm ngâm kể: "Tôi làm phim "Chuyện cổ tích tuổi 17" của một ông đạo diễn có tiếng. Phim được giải, tôi đạp xe lên Hãng Phim truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê, thấy ông ấy ngồi ở hàng nước vỉa hè, tôi bảo: "Ông làm đạo diễn, phim được giải ông chẳng báo cho anh em, chẳng cho anh em cái gì”. Ông ta hỏi tôi: "Cậu muốn gì?" Tôi nói: "Ít nhất là chén nước điếu thuốc". Vị đạo diễn liền gọi bà chủ cho tôi điếu thuốc. Tôi đáp: "Ông vớ vẩn, tôi hỏi thuốc không phải tôi xin thuốc mà tôi muốn hỏi tấm lòng của ông đối xử với diễn viên như thế nào?".

Người nghệ sĩ già nhớ lại một câu chuyện buồn về nghề với việc cát-sê, hồi làm phim "Rừng đen", sau 3 ngày quay ở Hà Tĩnh, khi chuẩn bị ra về thì đạo diễn gọi ông và mấy người thiếu cảnh lại. Trong tâm trí của NSƯT Trần Hạnh vẫn nhớ như in chuyện đó, ông kể: "Chúng tôi đi như thế có đồng tiền nào bồi dưỡng cho anh em diễn viên không?", vị đạo diễn nói dứt khoát: "Không có". Ông kể tôi đã già cả, đi đóng phim nhiều lên rừng xuống biển khắp nơi từ Hà Nội đến đây cũng không quá xa xôi, nhưng có diễn viên từ trong kia ra (TP HCM) cũng không có tiền. Cô bé đó buồn lắm. Đáng lý đạo diễn nên nói: "Cũng chẳng có nhiều, mỗi người cầm tạm một chút gọi là tấm lòng. Ít nhất cũng nên có lời với anh em…".

M.H. - một diễn viên khá nổi tiếng sau nhiều năm giải nghệ đã quay trở lại phim trường, cô cho biết vào những năm cuối của thập niên 90, một bộ phim quay cả tháng tiền nhận được khoảng 800 nghìn đồng. Số tiền đó chỉ đủ trang trải tiền ăn uống, quần áo phục trang là hết. Bây giờ tiền cát sê nhỉnh hơn nhiều nếu diễn viên nào đắt sô thì sống no đủ bằng nghề, trung bình với một ngày quay là 1 triệu đồng cho NSƯT có tên, có tuổi; 2 triệu đồng cho nghệ sĩ nhân dân (NSND). Nhưng thường thì đạo diễn mời NSƯT để đỡ tiền hơn khi mời NSND cho phim. Nhưng có những đoàn làm phim thì đạo diễn trả cho diễn viên, cũng có đoàn làm phim trợ lý trả cho diễn viên, nhiều khi diễn viên không nhận được tiền cát-sê ngay mà sau khi đóng xong mới nhận được, đến lúc nhận lại bị thiếu một ít so với giá cả chung nhưng việc tế nhị nên không phải ai cũng dám nói.

Còn một vấn đề khác mà diễn viên biết mười mươi mình bị chặn tiền cũng không dám ho he gì vì nếu như lên tiếng chuyện cát-sê thì lần sau có phim khác, "anh sẽ không gọi chú". Bởi vậy, đành ngậm bồ hòn làm ngọt, tặc lưỡi cho qua, thiệt thòi một tí còn hơn là mất mối làm ăn. Diễn viên MH kể: "Lớp trẻ nhiều em muốn nổi tiếng, muốn lên sóng truyền hình, nên có những em đóng không cần cát-sê, chỉ cần có một vai be bé xuất hiện trên truyền hình vài giây vài phút đã là thích lắm rồi”. Câu chuyện về nữ diễn viên K.O. - Trường đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, trong khi các bạn khác đang tấp nập vào vai chính ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, có người trở thành sao thì nữ diễn viên này chưa được giao vai. Vai đầu tiên cô đóng lại xuất hiện rất ít trên sóng và bị một cái tát trời giáng từ bạn diễn. Cát-sê vai phụ nhớ đời của cô còn có vị mặn của nước mắt.

Nắm bắt được tâm lý của diễn viên trẻ muốn có vai diễn, muốn xuất hiện trên phim nên các đạo diễn, trợ lý, nhà sản xuất tha hồ bóp hầu bóp họng diễn viên cấm có dám ho he gì. Đòi tiền diễn xuất ư, thế "bé" có còn muốn đóng phim nữa hay thôi?! Mà diễn viên không diễn là coi như mất vai, hàng ế. Có nhiều diễn viên mang tâm lý, đóng phim cát-sê ít cũng được, bị ăn chặn cũng không hề gì, bị trả chậm cũng không sao miễn sao khi phim công chiếu trên sóng truyền hình được mọi người biết đến, được nhiều công ty săn đón làm gương mặt đại diện quảng cáo lúc đó tha hồ mà hốt tiền.

Diễn viên Thanh Hiền kể: Làm nghề diễn lâu cũng có kinh nghiệm, nhiều khi đạo diễn gọi diễn viên đi đóng phim vì hợp vai, hợp cạ hoặc diễn viên này "biết điều" không đòi hỏi gì nhiều, đưa bằng nào biết bằng nấy. Có những vị đạo diễn chỉ làm việc được một lần rồi thôi, vì biết "chất" của nhau rồi. Chị bảo nói chung là diễn viên thì ai cũng bị vướng vào ít nhất một lần phiền lòng về chuyện cát sê.

Theo Mỹ Trân
Công An Nhân Dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm