Nghệ sĩ Tuấn Nam, Quyền Văn Minh, Tùng Dương “chơi jazz không thoả hiệp”

Hoàng Anh

(Dân trí) - Khi các tài năng trẻ của Việt Nam “đã có đường băng để cất cánh”, như lời chia sẻ của nghệ sĩ gạo cội Quyền Văn Minh, họ có thể mang đến cho khán giả những màn trình diễn đáng nhớ như Nam Jazz Night.

Chương trình đã diễn ra tối qua (16/8) tại Nhà hát lớn Hà Nội - để tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê và khát vọng lan tỏa dòng nhạc rất kén chọn này đến với công chúng cả nước.

Nghệ sĩ Tuấn Nam, Quyền Văn Minh, Tùng Dương “chơi jazz không thoả hiệp” - 1

Khán giả đeo khẩu trang đi nghe nhạc jazz giữa dịch Covid-19.

Trước đó, pianist Tuấn Nam, “nhân vật chính” của liveshow từng nói, anh sẽ hòa âm và chơi jazz theo cách mình thích, có biến tấu cho phù hợp nhất với thị hiếu của người nghe. Nhưng, xuyên suốt cả đêm diễn, có thể nhận ra Tuấn Nam và bạn bè đã chơi jazz với một tinh thần “không thỏa hiệp”.

Nghệ sĩ Tuấn Nam, Quyền Văn Minh, Tùng Dương “chơi jazz không thoả hiệp” - 2

Pianist Tuấn Nam chơi jazz với một tinh thần “không thỏa hiệp”.

Nghĩa là, không thiên về kiểu smooth jazz êm ái, dịu dàng và dễ lọt tai, pha trộn với nhạc pop đương đại, không chọn biểu diễn lại các ca khúc “hot” “hit” phối theo kiểu jazz.

Các nghệ sĩ đã đưa cả khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội vào hành trình đến với nhạc jazz nguyên bản và thuần chất hơn rất nhiều, có thể khó “ngấm” ngay với những ai ít được trải nghiệm, nhưng lại mang đến nhiều phấn khích cho những người thực sự yêu thích dòng nhạc này.

Nghệ sĩ Tuấn Nam, Quyền Văn Minh, Tùng Dương “chơi jazz không thoả hiệp” - 3

Các nghệ sĩ đã đưa cả khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội vào hành trình đến với nhạc jazz nguyên bản và thuần chất.

Mở đầu bằng màn hòa tấu bản “Feel Like Home”, ban nhạc với cơ cấu big band thu nhỏ đã lập tức gây ấn tượng cho người nghe bằng màn thể hiện thoải mái, tự nhiên, ngẫu hứng nhưng rất ăn ý giữa các nghệ sĩ, đặc biệt là phần diễn tấu đầy ngẫu hứng của dàn kèn với saxophone, trumpet và trombone.

Nghệ sĩ Tuấn Nam, Quyền Văn Minh, Tùng Dương “chơi jazz không thoả hiệp” - 4

Tiếng piano của Tuấn Nam như bay lượn trên tiếng các nhạc cụ khác, nhưng vẫn rất thanh thoát, mạch lạc và uyển chuyển. Chắc chắn đây là một thứ jazz mà công chúng hiếm khi được nghe trực tiếp, lại do chính các nghệ sĩ Việt Nam trình bày.

Cái tên “Feel Like Home” hẳn có nhiều ý nghĩa. “Cảm thấy như ở nhà”, đó chính là “nỗi lòng” của Tuấn Nam khi trở về với dòng nhạc mà anh đã theo đuổi từ những ngày đầu theo học tại nhạc viện, dòng nhạc anh luôn khát khao được biểu diễn.

Nét dịu dàng, lắng đọng cũng đến rất nhanh trong bản hòa tấu thứ hai, “You Are So Beautiful”, được mở đầu bằng cây trumpet rải những nốt nhạc xa vắng để rồi sau đó, tiếng piano nhẹ nhàng của Tuấn Nam nhẹ nhàng lan tỏa chút phong vị jazz Bắc Âu trong một tối Hà Nội bỗng nhiên se lạnh đón thu sang.

Sự mộc mạc, giản dị của classic jazz cũng được thể hiện không thể trọn vẹn hơn trong bản ballad "Searching And Finding", trong một màn trình diễn phải nói là mẫu mực của tam tấu piano, contrabass và trống.

Với đại đa số khán thính giả trong khán phòng, Thủy Bùi không phải cái tên quá quen thuộc. Nhưng chắc chắn, cô là một jazz vocalist (người hát jazz) chính hiệu.

Giọng nữ trung có độ vang tốt, nhuốm một chút khê khàn gợi cảm, nhấn nhả khéo léo, Thủy Bùi dễ dàng dẫn dắt cảm xúc của người nghe khiến bất kỳ ai cũng muốn đu đưa và nhịp chân theo tiếng nhạc.

Còn Hà Lê, anh chỉ như một người qua đường dạo chơi cùng dòng nhạc này, dù màn đọc rap trên nền nhạc đệm của dàn kèn trong ca khúc “Ở Trọ” cũng nhận được rất nhiều tán thưởng.

Nghệ sĩ Tuấn Nam, Quyền Văn Minh, Tùng Dương “chơi jazz không thoả hiệp” - 5

Tùng Dương mạnh mẽ và đầy máu lửa.

Nghệ sĩ Tuấn Nam, Quyền Văn Minh, Tùng Dương “chơi jazz không thoả hiệp” - 6

Tùng Dương, người bạn thân nhất của Tuấn Nam từ thời Nhạc viện lại hát jazz theo một tinh thần khác: mạnh mẽ, khỏe khoắn và “đầy máu lửa”.

Màn trình diễn của anh, đặc biệt là ca khúc “Lullaby Of Birdland” đã thực sự khuấy động được khán phòng, rất hợp với phần nhạc đệm sôi động và cực kỳ dần dặn của “small big band”.

Nghệ sĩ Tuấn Nam, Quyền Văn Minh, Tùng Dương “chơi jazz không thoả hiệp” - 7

Tuy nhiên, những người yêu jazz có thể sẽ muốn một chút gì đó tự nhiên, nhẹ nhõm và tiết chế hơn, mang tinh thần đối thoại nhiều hơn, nhất là giữa ca sĩ và các nghệ sĩ trong ban nhạc.

Nghệ sĩ Tuấn Nam, Quyền Văn Minh, Tùng Dương “chơi jazz không thoả hiệp” - 8

Nghệ sĩ gạo cội Quyền Văn Minh làm người nghe nức lòng với tiếng saxophone mượt mà.

Xuất hiện trong vai trò khách mời và chỉ chơi đúng một bản, nghệ sĩ gạo cội Quyền Văn Minh vẫn làm người nghe nức lòng với tiếng saxophone mượt mà, êm ái và đầy khoáng đạt trong bản hòa tấu “Sông Nước Hậu Giang” theo phong cách contemporary, gợi nhớ rất nhiều đến nhóm tứ tấu Fourplay, nhất là ở màu sắc điện tử qua tiếng organ khá “ma mị” của Tuấn Nam.

Nghệ sĩ Tuấn Nam, Quyền Văn Minh, Tùng Dương “chơi jazz không thoả hiệp” - 9

Sau bản "Nét Huế", một sáng tác của nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc với màn song tấu piano - tenor saxophone, khúc dân ca “Bắc bộ Hoa Thơm Bướm Lượn” được chơi theo đúng kiểu big band dầy dặn của thập niên 1940, điểm xuyết bằng những đoạn solo rất hiện đại của Tuấn Nam.

Nét giai điệu chính chỉ còn thoáng qua, làm nền cho các nghệ sĩ thăng hoa trong phần trình diễn có thể xem là đặc sắc nhất trong cả liveshow.

Nghệ sĩ Tuấn Nam, Quyền Văn Minh, Tùng Dương “chơi jazz không thoả hiệp” - 10

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh: "Các tài năng trẻ của Việt Nam “đã có đường băng để cất cánh".

Khi được hỏi jazz liệu có đất sống ở Việt Nam không, nghệ sĩ Quyền Văn Minh đã trả lời, sự tồn tại của câu lạc bộ do ông cầm trịch trong ngần ấy năm là minh chứng rõ rệt nhất, tuy nhiên, thế hệ của ông - những người “mở đường mòn cho jazz” đã qua, giờ là lúc để thế hệ tiếp theo tiếp tục lan tỏa tình yêu jazz đến với mọi người.

Vẫn biết đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhưng như lời Tuấn Nam, cái gì cũng cần một sự khởi đầu.

Nghệ sĩ Tuấn Nam, Quyền Văn Minh, Tùng Dương “chơi jazz không thoả hiệp” - 11

Sự tiếp nối của hai thế hệ.