Nghệ sĩ Thành Lộc từng ngại mặc áo dài vì nhìn "yếu yếu"

(Dân trí) - "Nghiện" mặc áo dài, là một trong những đại sứ của Lễ hội áo dài TPHCM đang diễn ra, ít ai biết trước đây NSƯT Thành Lộc từng rất ngại khi hình dung đến việc đàn ông mặc áo dài cứ thấy yếu yếu làm sao. Thay đổi quan điểm, cách nhìn nên anh rất muốn truyền cảm hứng để cho cánh đàn ông yêu áo dài Việt.

Chia sẻ tại diễn dàn Áo dài trong đời sống hiện đại diễn ra tại Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM sáng 15/3, nghệ sĩ Thành Lộc, đại sứ Lễ hội áo dài TPHCM 2018 tiết lộ anh từng ngại mặc áo dài vì cảm thấy đàn ông mặc vào trông yếu yếu, nữ tính. Sau đó, thông qua các tư liệu, bức ảnh xưa, anh thấy người đàn ông thời trước mặc áo dài rất đẹp. Gần đây, các nguyên thủ quốc gia các nước về dự Hội nghị cấp cao APEC ở Việt Nam mặc áo dài rất đẹp, lịch lãm, nam tính. Vậy tại sao mình lại ngại? Tất cả đều do mình tự lập rào cản mà thôi.

Nghệ sĩ Thành Lộc từng ngại mặc áo dài vì nhìn "yếu yếu" - 1

Theo NSƯT Thành Lộc, hai phương tiện giúp cho nhân loại dịch gần với nhau hơn, hiểu nền văn hóa, con người gói gọn trong từ "ăn mặc" - ẩm thực và trang phục. Áo dài Việt không phải là thứ gì đó xa xỉ mà nó gần gũi với tất cả mọi người, đi vào đời sống sinh hoạt, lao động thường nhật áo dài không phải chỉ dừng lại lễ phục, quốc phục mà là thường phục. Từng thiết kế, phối hợp khác nhau, kết hợp cho quần tây, quần jean... rất thoải mái chứ không hề gò bó.

"Nhiều người có suy nghĩ áo dài là thứ gì đó cao xa, lễ nghi đến mức đó là thứ cao xa mình không chạm tới được. Với trang phục dân tộc mà có suy nghĩ như vậy thì đáng tiếc vô cùng", NSƯT Thành Lộc nói và cho biết thêm so với trang phục truyền thống cả nhiều nước, áo dài Việt mang tính cách mạng rất lớn, luôn luôn cập nhật mình để hòa nhập vào đời sống cộng đồng và cả trên thế giới. Trên tà dài của chúng ta, có thể chuyển tải tất cả các trường phái mỹ thuật trên cuộc đời này. Thứ gì cũng có thể trang trí lên áo dài, không có rào cản gì cả.

Nghệ sĩ Thành Lộc chia sẻ nhiều điều thú vị quanh chiếc áo dài Việt
Nghệ sĩ Thành Lộc chia sẻ nhiều điều thú vị quanh chiếc áo dài Việt

Trong nhiều sự kiện văn hóa, anh tự nhận mình là nghệ sĩ nam hiếm hoi thường xuyên mặc áo dài. Khi nhìn vào sự kiện có mọi người mặc áo dài, người nước ngoài sẽ nhận ra được ngay đó là sự kiện của người Việt. Ý nghĩa, giá trị như vậy nên theo NS Thành Lộc, chiếc áo dài cổ cao, cổ thấp, cổ thuyền không phải là vấn đề lớn. Những biến tướng, cách tân không phù hợp với văn hóa, thẩm mỹ, đời sống sẽ tự đào thải.

NSƯT Thành Lộc cũng kể thêm, mới đây xuống các trường phổ thông truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về áo dài, anh đặt câu hỏi: "Các bạn nghĩ sao nếu nam sinh cũng mặc đồng phục là áo dài?" vì được các em vô cùng tán thưởng. Một nam sinh ở Hóc Môn đưa ra câu trả lời mà anh thấy mình và những nhà thiết kế, văn hóa cần lưu tâm. Em nói nếu các nhà thiết kế có thể tạo nên chiếc áo dài khiến tụi con cảm thấy thoải mái khi đi học, khi sinh hoạt vui chơi mà vẫn nhận ra đó là áo dài, thì tụi con nghĩ việc mặc áo dài sẽ làm cho nam sinh trở nên sang trọng hơn.

Bản thân Thành Lộc rất tâm đắc với câu "Áo dài còn, hồn Việt còn". Với vai trò của một nghệ sĩ, một đại sứ anh thấy mình có trách nhiệm truyền cảm hứng về tình yêu áo dài đến với phái nam. Nhất là để họ thấy được nét đẹp, giá trị của áo dài. Thấy thoải mái, tự hào, sang trọng hơn khi khoác lên mình bộ áo dài.

"Tôi nghĩ chúng ta có thể tổ chức một cuộc thi thiết kế áo dài đồng phục cho học sinh trong các trường, không chỉ nữ sinh mà cho cả nam sinh", Thành Lộc đưa ra đề xuất.

Nhiều năm gần đây, áo dài được nhiều người dân ở TPHCM mặc như một thường phục (Ảnh: Võ Nam Sơn)
Nhiều năm gần đây, áo dài được nhiều người dân ở TPHCM mặc như một thường phục (Ảnh: Võ Nam Sơn)

Cũng là khách mời tại diễn đàn, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đánh giá áo dài là một trang phục nhưng lại có khả năng, nội lựng điều chỉnh hành vi của người mặc lẫn người tiếp xúc. Khi một người mặc áo dài tự nhiên sẽ điều chỉnh lời ăn tiếng nói, dáng đi… của mình, còn người đối diện cũng cần ứng xử một cách nhẹ nhàng, ý tứ, lịch thiệp hơn. Việc truyền cảm hứng cho các bạn trẻ mặc áo dài không chỉ là giữ gìn giá trị dân tộc mà còn hỗ trợ rất nhiều trong việc giáo dục các em về nhân cách, cách ứng xử lịch thiệp, tế nhị.

Lễ hội Áo dài TPHCM 2018 kéo dài 3 tuần, từ ngày 3/3 đến ngày 25/3 diễn ra ở quy mô lớn tại nhiều địa điểm với hàng loạt các sự kiện, hoạt động như triển lãm, thi duyên dáng áo dài, tặng áo dài, giảm giá vào bảo tàng cho du khách mặc áo dài...

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm