Nghệ sĩ phản ứng trước Thông tư cấm hút thuốc lá trên màn ảnh, sân khấu
(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã ký ban hành Thông tư số 25 ngày 30/8/2018 quy định việc hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh. Thông tư này có hiệu lực từ 15/11, thay thế cho Thông tư số 02 ban hành năm 2014.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã ký ban hành Thông tư số 25 ngày 30/8/2018 quy định việc hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh. Thông tư này có hiệu lực từ 15/11, thay thế cho Thông tư số 02 ban hành năm 2014.
Thông tư này quy định nguyên tắc, nội dung việc hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan như tổ chức, cá nhân biểu diễn nghệ thuật, sản xuất, nhập khẩu phim, phát hành phim, phổ biến phim và tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động sân khấu, điện ảnh.
Theo đó, việc hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá áp dụng cho các trường hợp: Thể hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 và hành vi vi phạm nghĩa vụ của người hút thuốc lá quy định tại Điều 13 của Luật phòng chống, tác hại của thuốc lá, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này.
Ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh thuốc lá; Thể hiện trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em; Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật; Thể hiện trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em; Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật thì thực hiện theo quy định tại Điều 4, Điều 5 của Thông tư. Điều 4 quy định, diễn viên sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật trong tác phẩm sân khấu trong các trường hợp: Khắc hoạ hình tượng nhân vật lịch sử có thật, tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định, phê phán và lên án hành vi sử dụng thuốc lá, các trường hợp khác được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Hội đồng nghệ thuật.
Khi sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật, diễn viên không thực hiện hành vi hút thuốc thật trên sân khấu.
Đối với lĩnh vực điện ảnh, quy định sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật trong các trường hợp tương tự như tác phẩm sân khấu. Ngoài ra các trường hợp khác được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định.
Trong trường hợp phim có nhiều cảnh diễn viên sử dụng thuốc lá theo đánh giá của Hội đồng thẩm định thì việc phổ biến phim phải được phân loại phổ biến theo lứa tuổi phù hợp, có cảnh báo sức khoẻ về tác hại của thuốc lá bằng chữ hoặc bằng hình ảnh.
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho rằng, Thông tư này hơi “bất nhẫn” với những người làm nghệ thuật bởi nó sẽ hạn chế sự sáng tạo của người diễn viên lẫn đạo diễn. Nó thể hiện sự cứng nhắc và không công bằng. Vì có những dạng nhân vật và tính cách nhân vật mà không được phép sử dụng thuốc lá thật sẽ làm giảm đi màu sắc đời sống của nhân vật.
“Có những nhân vật cần phải phải xử lí điếu thuốc trên tay. Quảng cáo hay không quảng cáo là do mình định hướng... Cấm chung chung vậy làm cho phim ảnh mất đi một số màu sắc của phim và của vai diễn”, đạo diễn Nguyễn Phương Điền nói.
Còn theo đạo diễn Bùi Tiến Huy thì các đạo diễn Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) - Đài Truyền hình Việt Nam đã biết đến Thông tư này từ lâu nên trong quá trình làm phim, các đạo diễn đã cố gắng tuân thủ quy định mà Thông tư đề ra.
Nam đạo diễn này cho rằng, nên có những quy định này để nghệ sĩ ý thức được việc sử dụng thuốc lá như thế nào cho hợp lý trong một tác phẩm phim ảnh hoặc sân khấu. Tuy nhiên, Thông tư không nên quy định cứng là “diễn viên không thực hiện hành vi hút thuốc thật” mà nên được sử dụng thật đắt trong những hoàn cảnh đặc biệt.
Một đạo diễn sân khấu (xin giấu tên) cho rằng, cuộc sống như thế nào thì phim ảnh và sân khấu cũng nên phản ánh như thế. Ngoài đời sống vẫn còn nhiều người hút thuốc lá và thuốc lá vẫn chưa cấm thì không nên cấm phản ánh điều đó trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh... Điều này hoàn toàn không cần thiết.
“Tác hại của thuốc lá thì ai cũng biết nhưng đã thế thì cấm thuốc lá lưu hành ngoài thị trường luôn đi. Đời sống xã hội vẫn tồn tại thuốc lá mà lại không được phép đưa thực tế đó lên tác phẩm phim ảnh hoặc sân khấu thì khiên cưỡng quá.
Tất nhiên, với lĩnh vực sân khấu, nếu không có thuốc lá để mô tả tính cách nhân vật thì cũng không ảnh hưởng lắm. Sân khấu cũng chẳng vì thế mà xuống dốc hay tệ đi. Bản thân chúng tôi khi dựng vở cũng rất ít khi đưa thuốc lá vào vở diễn, cần thiết lắm mới đưa lên. Nhiều nghệ sĩ cũng rất ý thức trong việc này.
Tuy nhiên, nên ra văn bản khuyến cáo thôi chứ không nên đề ra thành luật như thế này, nghe nó cứ bị trầm trọng hoá vấn đề kiểu gì đó”, người này nói.
Hà Tùng Long