Nghệ sĩ Ngọc Trinh khóc nức nở tại tòa
(Dân trí) - Khi trả lời câu hỏi của HĐXX, nghệ sĩ Ngọc Trinh đã không kìm chế được cảm xúc và bật khóc nức nở.
Ngày 4/7, TAND Quận 1 tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp hợp đồng hợp tác giữa nguyên đơn là bà Phạm Thị Ngọc Trinh và bị đơn là Nhà hát kịch TPHCM.
Nhóm kịch của Ngọc Trinh về hoạt động tại Nhà hát kịch TPHCM theo chủ trương xã hội hóa từ tháng 4/2014. Thỏa thuận hợp tác giữa Ngọc Trinh và nhà hát dựa trên mối quan hệ đồng nghiệp của chị và nghệ sĩ Khánh Hoàng - giám đốc nhà hát lúc bấy giờ.
Tháng 10/2014, ông Khánh Hoàng nghỉ ốm thì ông Quý Bình đã sửa lại nội dung thoả thuận hợp tác bằng bản hợp đồng thứ hai thay đổi tỷ lệ phân chia lợi nhuận, thay đổi lại điều khoản nhà hát thanh toán một phần các chi phí may trang phục, trả diễn viên.
Ngày 20/10/2014, bà Trinh nhận được Thông báo số 81/NHKTP của Nhà hát yêu cầu bà Ngọc Trinh phải nộp thêm 2% thuế thu nhập doanh nghiệp, 5% thuế VAT, tổng cộng là 7% tiền thuế.
Sau đó, bà Ngọc Trinh yêu cầu Nhà hát kịch kiểm tra lại mức thuế suất và công bố số tiền bán vé qua mạng thì ngày 1/11/2014, ông Quý Bình và kế toán trưởng Nhà hát bà Võ Thuỳ Như Nga có buổi làm việc với bà Ngọc Trinh, khẳng định đã làm đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, ông Bình đã chính thức xác nhận bằng văn bản việc chấm dứt hợp tác với bà Ngọc Trinh.
Bà Trinh bị nhà hát đột ngột đơn phương chấm dứt hợp đồng nên bà Trinh đã bị thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Ngoài các thiệt hại về vật chất nêu trên, bà Trinh còn các thiệt hại về tinh thần như phải hoàn trả toàn bộ số tiền bán vé cho khách hàng, cáo lỗi với toàn thể khán giả và ê kíp thực hiện các vở kịch, bị ảnh hưởng nặng nề về uy tín…
Tại phiên tòa hôm nay, nghệ sĩ Ngọc Trinh cho rằng việc ông Bình và bà Nga đại diện cho Nhà hát ra văn bản chấm dứt hợp tác với bà Trinh là không có căn cứ, trái pháp luật, trái thoả thuận ban đầu về thời gian hợp tác là 2 năm và xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích chính đáng của bà Trinh.
Vì theo như điều 7 Biên bản thoả thuận hợp tác trong trường hợp một trong hai bên đơn phương chấm dứt Hợp đồng, cũng như không thực hiện đúng nội dung Hợp đồng thì phải bồi thường, thanh toán mọi chi phí cho bên còn lại căn cứ vào theo giá trị Hợp đồng từng chương trình.
Ngoài ra, căn cứ vào quy định tại khoản 4 Điều 426 của Bộ luật dân sự năm 2005 về việc Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự thì “Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại”.
Phía bị đơn không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn vì trong quá trình các bên thương thảo thì bị đơn có đưa ra đề xuất hỗ trợ nguyên đơn trong việc may phục trang và chi phí phát hành vé nhưng nguyên đơn không đồng ý.
Theo bị đơn, trong quá trình hợp tác, nguyên đơn nhiều lần yêu cầu bị đơn giao việc bán vé, kiểm soát vé và thu tiền lại cho nguyên đơn. Tuy nhiên, phía nhà hát không đồng ý vì ngay từ đầu bị đơn đã nói rõ việc bán vé, kiểm soát và thu tiền theo quy định của pháp luật là phải do bị đơn chịu trách nhiệm quản lý, bị đơn phải kiểm soát và tổng hợp để nộp thuế nên bị đơn không thể giao toàn quyền kiểm soát vé cho nguyên đơn.
Theo đại diện nhà hát, qua những lần họp nhưng không thống nhất được với nhau nên xảy ra mâu thuẫn không thể giải quyết nên ngày 1/11/2014, nguyên đơn đã dừng các buổi biểu diễn tại Nhà hát kịch TPHCM. Vì vậy, theo vị đại diện này thì đó không phải là lỗi của Nhà hát.
Ngày 7/7 , phiên tòa tiếp tục tranh luận.
Xuân Duy