Nghệ sĩ nghẹn ngào tiễn đưa nhạc sĩ Phó Đức Phương về “đỉnh Phù Vân”
(Dân trí) - Trưa nay, phía bên ngoài Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, từng đoàn người đã xếp hàng đợi đến lượt viếng nhạc sĩ Phó Đức Phương. Không khí tang thương bao trùm hòa lẫn giai điệu “Cùng một con đò”...
Sáng sớm nay, nhà báo Phó Khánh Chi, con gái của nhạc sĩ Phó Đức Phương viết những dòng tâm sự nghẹn ngào tiễn biệt bố trên facebook cá nhân: “...Thôi trút đi gánh nặng đường xa/Ngược xuôi bôn ba nay ta về nhà ta/Đường trần quá hẹp mà lắm vực nhiều khe/Nhà ta thênh thang trăng tràn bốn bề. Bố ơi. Con vĩnh biệt bố. Người cha đáng kính con vô cùng tôn thờ ngưỡng mộ vể tài năng, đức độ, sự hiền lành, bao dung, sự mạnh mẽ và bản lĩnh, nghị lực sống! Con yêu bố!”
Lễ viếng nhạc sĩ Phó Đức Phương diễn ra bắt đầu từ 11h30 đến 13h ngày 24/9/2020 (tức ngày 8/8 âm lịch) tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội. Phía bên ngoài Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội, từng đoàn người đã xếp hàng đợi đến lượt viếng nhạc sĩ Phó Đức Phương. Không khí tang thương bao trùm toàn bộ Nhà tang lễ.
"Bộ tứ sông Hồng" có Nhạc sĩ Dương Thụ, Nguyễn Cường đến Nhà tang lễ từ sớm. Thời điểm nhạc sĩ Phó Đức Phương trút hơi thở cuối cùng cũng là khoảng thời gian nhạc sĩ Trần Tiến nằm viện...
Trong số đó còn có nghệ sĩ saxophone Trần Minh Tuấn, NSND Trung Đức, ca sĩ Thanh Lam, ca sĩ Tùng Dương, nhạc sĩ Thanh Phương, ca sĩ Ngọc Khuê, Hoàng Tôn, nhà văn Trần Thị Trường, nhạc sĩ Lân Cường... Các nhạc sĩ thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...
Trước đó, nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trần Tiến, ca sĩ Thanh Lam, Tùng Dương... đều bàng hoàng khi nghe tin dữ về nhạc sĩ Phó Đức Phương. “Tôi biết nhạc sĩ Phó Đức Phương bị bạo bệnh khi được mời tham dự làm MV đêm nhạc của nhạc sĩ với tựa đề “Khúc hát phiêu ly”, lúc đó tôi như chết lặng.
Tôi cảm thấy tiếc bởi âm nhạc của Phó Đức Phương rất đồ sộ, rất cá tính. Âm nhạc của Phó Đức Phương tạo nên hiện tượng âm nhạc, trong đó các tác phẩm của Phó Đức Phương là những chất liệu dân gian vùng văn hoá Bắc Bộ được nhạc sĩ nâng tầm cho những chất liệu đó có đời sống đương đại. Chính vì thế Phó Đức Phương đã trở thành hiện tượng trong âm nhạc.
Tôi rất tiếc là nhạc sĩ Phó Đức Phương chưa đi hết, chưa làm được hết những ấp ủ, mong muốn của mình...”, nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ.
Đối với Tùng Dương, nhạc sĩ Phó Đức Phương luôn là người thầy, người bạn đáng mến và ông cũng chính là “một tầm vóc âm nhạc lớn mà các thế hệ sau luôn ngưỡng vọng và tôn kính”. Chính vì thế, sự ra đi của ông khiến nam ca sĩ không kìm được sự xúc động.
“Khi nhận được tin nhắn của chị Phó Khánh Chi, con gái của nhạc sĩ Phó Đức Phương: “Bố chị mất rồi!”, tôi đã rất bàng hoàng và cố kìm nén không khóc. Dẫu biết vòng sinh- lão- bệnh- tử không chừa một ai nhưng tôi buồn lắm!”, Tùng Dương chia sẻ.
Cũng có mặt từ sớm, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng Ban lễ tang cho rằng sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương là tổn thất lớn của nền âm nhạc nước nhà. “Mặc dù đã biết về bệnh tình của nhạc sĩ Phó Đức Phương từ đầu năm nay nhưng những người yêu quý ông vẫn không tránh khỏi sự ngậm ngùi, tiếc thương trước sự ra đi này”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ngậm ngùi chia sẻ.
Đánh giá về sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói: “Nói về sự nghiệp âm nhạc của Phó Đức Phương phải nói là đánh dấu từ bước đi đầu tiên khi ông còn rất trẻ. Những năm sơ tán chống Mỹ, anh đã cho ra đời ca khúc “Những cô gái quan họ”. Lúc ấy, anh mới học trung cấp sáng tác.
Nếu nói một cách ngắn gọn thì các tác phẩm của anh thấm đẫm dân ca vùng miền, đặc biệt là dân ca đồng bằng Bắc bộ (chèo, tuồng)... Anh cũng là người thấm đẫm đam mê sáng tạo cháy bỏng, luôn trăn trở, gắn bó với quê hương, xóm làng, ao cá... Những tác phẩm của ông đều có bóng dáng quê hương trong đó, ngày càng sâu đậm. Qua tác phẩm của ông, khán giả càng thêm yêu quê hương, tự hào về dân tộc.
Chính nguồn cảm xúc, khát khao thể hiện tinh thần dân tộc, chính vì thế tính dân tộc, tính nhân văn in đậm trong tác phẩm của ông. Dù ông viết nhiều loại hình, viết nhạc cho phim, nhạc cho sân khấu nhưng lĩnh vực chính vẫn là sáng tác ca khúc. Ông cũng hình thành ra ngôn ngữ âm nhạc dân gian đương đại hiện đại... Không chỉ ham mê tìm tòi, sáng tạo; ông cũng là một trong những nhạc sĩ chăm chút nhất cho các tác phẩm của mình, trực tiếp hướng dẫn ca sĩ hát từng câu từng chữ... ”
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Phó Trưởng Ban lễ tang chia sẻ: “Phó Đức Phương là người anh gắn bó với tôi một thời gian rất dài. Anh là người đặt nền móng đầu tiên xây dựng VCPMC và góp công rất lớn để nó đã phát triển như ngày hôm nay. Nhờ sự quyết liệt của anh, nhiều nhạc sĩ có thể sống được bằng tiền tác quyền, bớt đi gánh nặng cuộc sống để có thể cống hiến cho âm nhạc.
Với nghệ thuật, âm nhạc của Phó Đức Phương mang một màu sắc, ngôn ngữ rất riêng. Chất dân gian đưa vào đương đại rất phù hợp, những bài hát thấm dẫm chất dân tộc, hồn Việt. Không phải ai cũng hát được nhạc của Phó Đức Phương, những câu luyến láy cần kỹ thuật và cung bậc cảm xúc thể hiện không hề đơn giản. Anh cũng viết cho sân khấu, cho tuồng chèo, cho điện ảnh bằng các bản nhạc phim... Trong cuộc rong chơi ở cõi trần này, anh đã để lại những gì thăng hoa nhất cho đất nước, cho âm nhạc Việt Nam”.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đọc điếu văn vào 12h 48. Thay mặt gia đình, con trai nhạc sĩ Phó Đức Phương- anh Phó Đức Hoàng đã gửi lời cảm ơn tới sự quan tâm của những người yêu quý bố mình, các nghệ sĩ, khán giả...
Đúng 13h, trên nền nhạc “Cùng một con đò”, gia đình nhạc sĩ Phó Đức Phương cùng người thân, bạn bè đã đi vòng quanh linh cữu để tiễn biệt nhạc sĩ Phó Đức Phương lần cuối cùng.
Lễ an táng tổ chức vào buổi chiều cùng ngày tại nghĩa trang Công viên Thiên Đức - Phú Thọ.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 ở Hưng Yên. Ông nổi tiếng với nhiều ca khúc ca ngợi non nước Việt. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: “Những cô gái quan họ”, “Hồ trên núi”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Nha Trang thu”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Chảy đi sông ơi”, “Không thể và có thể”, “Về quê”... Ông từng là Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), phó chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội.
Hồi tháng 3 năm nay, ông bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tụy. Gia đình và các bác sỹ đã rất tận tình cứu chữa nhưng ông đã không qua khỏi...