Nghệ sĩ Giang “còi” chia sẻ về nghề diễn và 2 cuộc hôn nhân sóng gió
(Dân trí) - Nhắc đến cuộc hôn nhân thứ 2 với người vợ kém 25 tuổi, nghệ sĩ hài Lê Hồng Giang (hay còn gọi là Giang “còi”) ngậm ngùi, “lỗi là do tôi cả…”
Ghi dấu ấn đậm nét với khán giả truyền hình bằng những vai hài đóng cặp với nghệ sĩ Quang "tèo" hay cố nghệ sĩ Văn Hiệp, nghệ sĩ Lê Hồng Giang với biệt danh Giang "còi" có buổi trò chuyện với PV Dân trí về nghiệp diễn, về cuộc đời người nghệ sĩ đầy ắp nụ cười nhưng cũng không ít nước mắt.
Gần đây nhiều báo chí thông tin anh sở hữu hẳn một cơ ngơi hoành tráng rộng đến 10.000 mét vuông ở ngoại thành Hà Nội với thiết kế nhà vườn đầy đủ. Hẳn anh là người có điều kiện với cuộc sống dư dả trong khi không ít những nghệ sĩ còn vất vả?
Cám ơn mọi người đã quan tâm đến cuộc sống của những người nghệ sĩ chúng tôi. Hiện tại mảnh đất tôi đang ở với diện tích 10.000 mét vuông là đúng nhưng không được gọi là cơ ngơi hoành tráng đâu (anh cười), nó đơn giản chỉ là ngôi nhà nhỏ có ao, có vườn như những người sống ở quê thôi. Từ nhỏ tôi đã khao khát mình được sống ở quê, buổi sáng thức dậy có cành lá xòa trước hiên, có nghe tiếng chim ríu rít và tiếng cá đớp bóng nước, nhưng thực tế tôi lại sống ở thành phố nên cái khao khát ấy càng âm ỉ trong mình.
Năm 1994, tôi mua mảnh đất này với giá 27 triệu nhưng không có tiền làm gì cả mà chỉ để đó thôi, cho đến tận năm 2001 tôi bắt đầu sang đây sống và tự tay làm dần mọi thứ, nay một ít, mai một ít. Thấm thoắt đã 14 năm rồi nhưng bạn thấy đấy, nhà tôi mới tạm tạm thôi chứ chưa đâu vào đâu cả.
Còn nếu nói tôi là người dư dả thì tôi đã làm mọi thứ xong từ lâu rồi nhưng cũng vì mình không có điều kiện nên mới chắp vá làm mỗi thứ một tí dần dần. Và cũng vì không có tiền nên tôi hạn chế thuê người làm lắm mà tự tay làm mọi việc để giảm chí phí xuống thấp nhất.
Với diện tích không hề nhỏ, mà mọi thứ từ nhỏ nhất đều tự tay anh làm, vậy thời gian đi diễn anh sắp xếp như thế nào? Liệu rằng bản thân có bỏ bê nghiệp diễn vì thú vui chăm sóc nhà vườn?
Nghiệp diễn viên là đam mê lớn nhất cuộc đời nên tôi chắc chắn một điều không bỏ bê. Bình thường ban ngày tôi vẫn đến cơ quan làm hay đi các tỉnh lưu diễn, còn những ngày nghỉ thì ở nhà chăm sóc cây cối, vườn tược nhưng vẫn tụ tập bạn bè thường xuyên nữa đấy. Thay vì việc chúng tôi ra quán nhậu, nói chuyện thì tôi mời các bạn về nhà, vừa thoải mái nói chuyện, ăn uống hay bàn công việc nữa.
Về công việc chăm sóc vườn tược tôi làm bất cứ khi nào có thể, thậm chí là cả buổi tối. Ví như buổi tối tôi bắt sâu, bắt bọ xít hay con cánh cam cắn chồi cây, đấy cũng là đang chăm sóc cho ngôi nhà của tôi. Còn bình thường tôi phải ghi ra một cái bảng nhớ các công việc phải làm trong ngày để không bị quên vì nhiều việc quá.
Vợ các con của anh chắc hẳn giúp anh nhiều trong công việc gia đình để anh có thời gian với công việc nghệ thuật của mình?
Hai con tôi đang sống ở Nghĩa Tân để tiện việc học hành của các cháu nên chỉ cuối tuần các cháu về. Còn hai vợ chồng cũng đang trục trặc nhiều vấn đề nên ít khi gặp nhau... Gia đình chúng tôi không được như trước nữa.
Vừa cách đây không lâu anh còn chia sẻ với báo giới niềm hạnh phúc bên người vợ trẻ kém anh hẳn 25 tuổi...?
Đó là chuyện của trước đây, còn giờ chúng tôi... Lí do thì nhiều lắm nhưng bạn cứ hiểu là do tôi đi, tất cả tội lỗi là ở tôi, những người phụ nữ sống cạnh tôi đều thiệt thòi cả. Còn việc trong gia đình tôi xin giữ nó cho riêng mình nhé bởi có thể cô ấy đi nhưng ngày mai cô ấy lại về với tôi, cánh cửa nhà tôi lúc nào cũng dang rộng để đón cô ấy.
Quay lại với công việc nghệ thuật, nhiều khán giả truyền hình đã quen anh với những tiểu phẩm hài đóng cùng diễn viên Quang tèo, và chắc hẳn họ nghĩ anh chỉ có thể đóng hài thôi chứ không đủ sức với những dự án phim dài hơi. Anh suy nghĩ như thế nào về điều này?
Bản thân tôi là một diễn viên chuyên nghiệp được đào tạo bài bản trước khi đến với hài. Gần đây tôi cũng tham gia 2 phim đó là “Cung đường trắng” dài 30 tập, vào vai trưởng công an xã ở vùng sâu, vùng xa cũng yêu thương, lo lắng cho dân nhưng vì trình độ hạn hẹp nên để lọt lưới nhiều vụ án. Khi xem bộ phim này khán giả sẽ thấy một Giang còi không chỉ biết đóng hài mà với những vai diễn dài hơi tôi cũng làm.
Hay như bộ phim: “Cao hơn bầu trời” dài 45 tập, tôi thủ vai một "thằng cha" thợ may dở hơi, cả Hà Nội đi sơ tán nhưng nó nhất định ở lại vì yêu Hà Nội quá. Ở tập 1 các bạn có thể à Giang còi đấy nhưng xem đến tập 2, tập 3...thì tự nhiên Giang còi của hài biến mất mà thay thế vào đó là một nhân vật khác với lối sống nội tâm, phức tạp.
Là một trong những diễn viên cũng có mấy chục năm tuổi nghề, anh đánh giá như thế nào về chất lượng của lớp diễn viên trẻ?
Không chỉ với lớp trẻ đâu mà còn ở mọi độ tuổi, bên cạnh những gương mặt sáng và tài năng thực sự thì cũng còn những bạn hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thật đấy nhưng không phải là nghệ sĩ. Các bạn đừng tưởng các bạn hát một vài bài hát mà được gọi là ca sĩ, hay được gọi là nghệ sĩ khi tham có gia nghệ thuật nhé. Tôi rất buồn khi có không ít những bạn tự xưng mình là nghệ sĩ nhưng thực chất thì có phải đâu. Đó là các bạn tự xưng cho mình như thế đấy chứ có phải nhà nước công nhận hay khán giả công nhận đâu.
Vậy theo quan điểm của anh, anh nghĩ phải có yếu tố nào để đúng là người nghệ sĩ thực thụ?
Theo quan điểm của cá nhân tôi, để xứng đáng là người nghệ sĩ (mà từ nghệ sĩ viết hoa nhé) là người phải bán được 1 chỉ vàng với giá 50 triệu.
Nghe thì có vẻ vô lí bởi cắt đồng cân vàng ra, 1 chỉ chỉ bán được 3 triệu rưỡi hoặc hơn chút theo giá thị trường chứ làm sao bán được giá 50 triệu. Nhưng người nghệ sĩ phải làm được điều đó là vì, 1 chỉ vàng đấy thôi nhưng bạn sẽ không nhìn được bằng mắt thường mà phải dùng loại kính hiển vi cấp cao để mà dõi vào mới thấy bông hoa bé tí với những cành lá tinh xảo được khắc, trong hoa còn có nhụy xoắn xuýt với nhau. Tức là 1 chỉ vàng đấy nhưng tôi phải đổ vào đó hơn 45 triệu tiền công để bán ra được 1 chỉ vàng 50 triệu.
Người nghệ sĩ là người phải có cái tài hoa chứ không cần tài năng bởi khi đào tạo diễn viên thì họ đã chọn được những người có tài rồi, còn để cái tài đó phát triển thành cái tài hoa thì là cả một quá trình rèn luyện, học hỏi, trau dồi kiến thức... và phải có cả cái duyên có sẵn nữa. Theo tôi người nghệ sĩ là người phải làm được điều đó thì mới xứng đáng, còn các bạn đừng có nghĩ cứ tham gia nghệ thuật thì ắt sẽ gọi là người nghệ sĩ, đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm.
Phạm Oanh