Nghe nhạc buồn là để tìm kiếm... niềm vui
(Dân trí) - Nếu bạn có thói quen tìm tới những bản tình ca buồn khi đang cảm thấy không vui, điều này không có nghĩa bạn muốn đắm mình trong nỗi buồn mà thực tế đó là một giải pháp vô thức giúp bạn nhanh chóng cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn.
Theo một nghiên cứu mới đây được thực hiện tại Nhật Bản, việc nghe những giai điệu chậm mà trong âm nhạc người ta thường coi là những giai điệu buồn, thực tế lại có tác dụng khơi gợi những xúc cảm tích cực.
Những nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Tokyo khẳng định rằng những giai điệu buồn sẽ khiến người nghe nhớ tới những bộ phim hoặc những tình huống lãng mạn. Những cảm xúc lãng mạn này sẽ giúp người nghe dần dần cảm thấy hạnh phúc hơn, tự giúp mình cảm thấy được an ủi, vỗ về và nguôi ngoai.
Những bản tình ca buồn có thể khơi gợi những xúc cảm lãng mạn khiến người nghe cảm thấy hưng phấn hơn.
Một bản nhạc nổi tiếng với giai điệu chậm buồn - “A Time For Us” - Biểu diễn: Andre Rieu
Điều này cũng phần nào lý giải tại sao con người vẫn luôn hứng thú với những bản tình ca buồn. Những nhà nghiên cứu ở trường Đại học Tokyo nhận ra rằng nhạc buồn làm nảy sinh những xúc cảm trái ngược, nó vừa mang lại cảm giác lãng mạn nhưng cũng vừa mang lại nỗi buồn.
Tuy vậy, không như nỗi buồn trong cuộc sống thực tế hàng ngày, nỗi buồn mà chúng ta cảm nhận thông qua các tương tác nghệ thuật giúp ta cảm thấy dễ chịu hơn. Những nỗi buồn sinh ra từ cảm nhận nghệ thuật không gây ra bất cứ mối đe dọa nào đối với cuộc sống của chúng ta, vì vậy nó hoàn toàn vô hại và xét về lợi ích tâm lý, nó còn khiến chúng ta thư thái, bình tĩnh hơn.
Chính nỗi buồn có được sau khi nghe nhạc buồn có thể giúp chúng ta xử lý tốt hơn những xúc cảm tiêu cực xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày.
Nữ ca sĩ Adele nổi tiếng với những bản tình ca buồn, sự nổi tiếng của cô có thể được lý giải một phần bởi nhiều người thường thích nghe nhạc buồn, nhờ đó họ cảm thấy cân bằng và tích cực hơn.
Nghiên cứu cũng khẳng định rằng khi chúng ta trải qua những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày, hãy nghe nhạc buồn bởi nó sẽ giúp ta cảm thấy nhẹ nhàng, khuây khỏa.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu của trường Đại học bang Missouri, Mỹ cũng vừa được công bố cho thấy mối liên hệ giữa âm nhạc và cảm xúc người nghe. Theo đó, những bản nhạc với giai điệu nhanh (thường được coi là nhạc vui) cũng có thể giúp làm tâm trạng người nghe trở nên hưng phấn hơn.
Nhưng điều này chỉ có tác dụng nều người nghe có chủ ý muốn giúp bản thân cảm thấy hạnh phúc, tích cực hơn bằng cách nghe nhạc. Ngược lại, nếu một người đang trong tâm trạng ủ rũ và vẫn chưa sẵn sàng để “xốc” lại tinh thần thì việc nghe những bản nhạc rộn ràng, tươi vui không đem lại bất cứ tác dụng nào.