Nghề làm “tượng sống” trên đường phố Châu Âu
(Dân trí) - Trở thành một “pho tượng sống” nghĩa là bạn phải đứng yên tuyệt đối ở nơi công cộng, thở thật khẽ và hầu như không có dấu hiệu nào của sự sống, càng giống một bức tượng vô tri càng tốt, đôi khi, còn phải tảng lờ những khán giả khó ưa.
Suốt 8 tiếng một ngày, trong 5 ngày một tuần, anh Paul Edmeades hóa thân thành “pho tượng sống” trên đường phố London, Anh. Paul chịu đựng sự đau nhức của cơ thể và thái độ khiếm nhã của khách qua đường như một phần tất yếu, bởi công việc của anh là làm một “pho tượng sống” tô điểm cho đường phố. Đó là cách mưu sinh của Paul.
Công việc của một “pho tượng sống” không đơn giản. Có những quy tắc mà một “pho tượng” chuyên nghiệp buộc phải tuân thủ. Anh có thể bị những người qua đường huých vào, xô đẩy, nhưng không được phản ứng lại, thậm chí, buộc phải đứng yên khi những chú chó chạy lại hít hửi (thậm chí “tè bậy”), phải chấp nhận làm chỗ đậu cho những chú chim bồ câu (và chịu vài cú mổ của chúng)… Đó là một phần công việc!
Dù là một công việc tự do, không có người kiểm soát, nhưng những nghệ sĩ trình diễn trên đường phố như Paul vẫn luôn phải tuân thủ những tiêu chí nghiêm ngặt đặt ra trong nghề, có như vậy, họ mới được người xem nhìn nhận như những người biểu diễn chuyên nghiệp, nhận được sự chú ý, tán thưởng và “thù lao” từ đám đông.
Paul Edmeades đang trình diễn trên đường phố London, Anh. Nhờ vào một cấu trúc bằng thép được giấu khéo léo bên trong bộ đồ, Paul có thể ngồi nghỉ ngơi mà vẫn trông như thể đang thách thức những bài toán về trọng lực.
Công việc của Paul, nếu nói một cách hoa mĩ - là nghệ sĩ biểu diễn trên đường phố. Hàng ngày, Paul phải tiếp xúc với đủ hạng người và vì vậy, anh cũng buộc phải chấp nhận nhiều cung cách ứng xử khác nhau, có khi anh còn bị gây sự và bị đánh vô cớ.
Trở thành những “pho tượng sống” nghĩa là bạn phải đứng yên tuyệt đối ở nơi công cộng, thở thật khẽ và hầu như không có dấu hiệu nào của sự sống, càng giống một bức tượng vô tri càng tốt. Đôi khi, bạn còn phải cố gắng tảng lờ những khán giả khó ưa. Bên cạnh những “pho tượng sống” này luôn là một chiếc lon để xin tiền khách qua đường.
Một “pho tượng sống” khác trên đường phố.
Paul cũng như những người “đồng nghiệp” của mình luôn có những ngón nghề riêng để gây ấn tượng với khách qua đường, chẳng hạn như biết cách giả tiếng động vật, đôi khi, họ cũng chuyển tư thế để “giãn gân” nhưng điều này chỉ được phép tiến hành trong tíc tắc.
Paul đã làm “pho tượng sống” suốt 16 năm nay. Anh là một trong hàng ngàn “pho tượng sống” xuất hiện rải rác trên khắp nước Anh. “Đứng yên không đơn giản như bạn nghĩ. Một người giàu kinh nghiệm làm tượng sống cùng lắm cũng chỉ có thể đứng yên trong khoảng một tiếng rưỡi”, Paul chia sẻ.
Những người hành nghề làm “tượng sống” chuyên nghiệp không thích những người “đồng nghiệp’ đeo mặt nạ như thế này, bởi như vậy bị cho là cách làm nghề quá dễ dãi.
Để có được những vị trí tốt nhất, họ phải cạnh tranh nhau từ lúc 1h sáng.
Để có thể làm một “pho tượng sống” chuyên nghiệp đòi hỏi phải có sự tập trung, tận tâm với công việc và hàng ngàn tiếng đồng hồ hành nghề. Ngoài ra, bất cứ ai trong nghề cũng đều hiểu rằng họ phải rèn luyện thể chất thật tốt để có thể chống chọi với mọi loại hình thời tiết và nhất là để bù lại những giờ hành xác khi đứng yên một chỗ.
Nghề làm “tượng sống” cũng phải chấp nhận những “bệnh nghề nghiệp”. Phần lớn những người đã làm nghề lâu năm đều có vấn đề về tuần hoàn, tim mạch vì họ đã đứng yên suốt nhiều tiếng đồng hồ trong ngày và kéo dài trong suốt nhiều năm.
Một điều tuyệt đối tránh đối với những “pho tượng sống”, đó là làm khách qua đường hoảng sợ, đặc biệt là đối với trẻ em. Không một “pho tượng” nào muốn thấy trẻ em đứng khóc ở nơi “kiếm cơm” của mình.
“Nghề này đòi hỏi rất nhiều kỷ luật. Người mới luôn xuất hiện mỗi ngày và tự tin rằng họ có thể làm tốt, nhưng rồi họ sẽ hiểu mọi thứ không dễ dàng chút nào. Thực tế, đây là một trong những lựa chọn nghề nghiệp vất vả nhất”, Paul cho biết.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail