"Ngày xửa ngày xưa ở Việt Nam" thấm đẫm văn hóa Mỹ

(Dân trí)- Dù khôn khéo đưa câu chuyện vào không gian, thời gian giả tưởng để không bị bắt bẻ, tuy nhiên, bộ phim "Lửa Phật" của Dustin Nguyễn đã chứng minh văn hóa Mỹ thấm đẫm trong anh như thế nào.

Lửa Phật là bộ phim được thai nghén trong suốt 5 năm của Dustin Nguyễn. Trước khi ra rạp, phim nhận được sự kỳ vọng lớn từ khán giả, nhưng ngay khi ra mắt, sự kỳ vọng đã chuyển sang thất vọng.  
 
Lửa Phật được xem là “bom tấn” của mùa hè 2013 khi tổng số tiền đầu tư lên tới 1,5 triệu USD cùng sự tham gia của dàn diễn viên danh tiếng như Dustin Nguyễn, ngôi sao Hollywood Roger Yuan, Ngô Thanh Vân, Thái Hoà, Hiếu Hiền... Lửa Phật được kỳ vọng như là một cứu cánh của điện ảnh Việt trong “mùa thất bát” khi các bộ phim được ra mắt gần đây đều gây thất vọng. Nhưng tất cả những gì Lửa Phật có được chỉ là một câu chuyện thiếu logic, không điểm nhấn, chưa kể những nhân vật thừa thãi, những tình tiết rườm rà đã khiến bộ phim trở nên dài lê thê.
 
Đinh Ngọc Diệp đã có một vai diễn không thể thừa thãi hơn!
Đinh Ngọc Diệp đã có một vai diễn không thể thừa thãi hơn!

Lửa Phật đặt câu chuyện của mình vào bối cảnh giả tưởng để thỏa sức sáng tạo phục trang, bối cảnh, thỏa sức thêm thắt tình tiết, thỏa sức tạo hài hước với cách tung hứng giữa chất liệu truyền thống và hiện đại. Đó là sự khôn khéo của người làm kịch bản kiêm đạo diễn. Với cách làm ấy, đạo diễn hy vọng khán giả sẽ không thể bắt bẻ anh về bối cảnh đậm chất Mỹ, trang phục đậm chất Mỹ, lời thoại đậm chất Mỹ... Nhưng, Dustin Nguyễn lại cố gắng đưa Tết trung thu, cố gắng "nhét" đàn bầu, cố gắng đưa Phật giáo vào để "Á Đông hóa", hay "Việt Nam hóa" bộ phim, đó là một sai lầm. Vì, bộ phim bỗng trở nên thô kệch, lạc lõng. Đặt tên tiếng Anh cho phim Once upon a time in Viet Nam (Tạm dịch: Ngày xửa ngày xưa ở Việt Nam), nhưng tất cả những gì diễn ra trên màn ảnh từ bối cảnh, trang phục, lời thoại, câu chuyện... đều hoàn toàn xa lạ với khán giả Việt. 
 
Có thể thấy, văn hóa Mỹ đã thấm đẫm trong Dustin Nguyễn như thế nào, từ cách dạy con, từ cách trò chuyện đến cách xây dựng câu chuyện và bối cảnh. Quán bar, bánh mỳ trở thành thực phẩm quan trọng, bồn tắm được đặt cảnh phòng ngủ, kiến trúc nhà có cầu thang... Tất cả đều xa lạ với văn hóa Việt. Cũng không thể trách được Dustin, anh đã sống quá lâu ở Mỹ. Nếu lớn lên ở Việt Nam, nếu thấm nhuần văn hóa truyền thống, chắc chắn Dustin sẽ kể Lửa Phật theo một cách khác, khi anh đã biết đưa đàn bầu, đưa Tết Trung thu với đèn ông sao vào phim, và đặt tên phim là, "Ngày xửa ngày xưa ở Việt Nam".
 
Dustin Nguyễn ấp ủ nhiều tham vọng với bộ phim này, có thể thấy được điều đó, khi bộ phim đầy ắp những câu thoại triết lý. Cùng với cách đặt tên phim và các nhân vật, Dustin Nguyễn muốn lồng ghép ý nghĩa “đạo và đời” vào trong bộ phim. Ý định này được thể hiện rõ trong việc đặt tên nhân vật chính (Đạo) và sự xuất hiện của nhà sư và các giáo lý Phật pháp trong đoạn đầu và cuối của bộ phim. Tuy nhiên, thông điệp mà Dustin Nguyễn muốn đưa tới khán giả lại không được khắc hoạ một cách rõ nét. Lẽ ra với cái tên Lửa Phật, bộ phim phải xây dựng được một biểu tượng, phải đi tìm ý nghĩa cho ngọn lửa... Nhưng, mọi cố gắng đều chưa tới, bộ phim không thể tạo được bất kỳ ý nghĩa nào cho lửa phật cũng như chẳng thể tạo được biểu tượng gì cho những ý tưởng đưa ra.

Lửa Phật chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của khán giả
Lửa Phật không được như kỳ vọng
 
Lửa Phật quá dài dòng và dư thừa các tình tiết. Cảnh Đạo áp mặt vào ngực của cô gái khờ, có lẽ ý đồ đạo diễn muốn tạo ra một cảnh hài hước, tuy nhiên lại gây phản cảm với người xem vì sự thô, vụng. Chưa kể,một bộ phim hành động nhưng Lửa Phật dành 2/3 thời lượng để các nhân vật “nói qua nói lại” như phim truyền hình về những vấn đề rườm rà.
 
Thậm chí có một vài tuyến nhân vật “có cũng được mà không có cũng không sao”. Đơn cử vai cô gái khờ của Ngọc Diệp, vai trò của cô gái không thật sự rõ ràng, cũng không đóng góp gì cho logic truyện phim. Có lẽ vì nội dung câu chuyện quá đơn giản nên Dustin Nguyễn phải “cố gắng” bồi đắp nhân vật, bồi đắp tình tiết để đủ thời lượng chăng? Phim còn gây phản cảm với những cảnh quảng cáo rượu lộ liễu.
 
Cách xử lý tình tiết chậm, đều đều từ đầu đến cuối khiến càng về sau, câu chuyện của Lửa Phật càng gây... buồn ngủ. Dustin Nguyễn đã thành công với cách tạo dựng hình ảnh nhân vật anh hùng theo cách mới: lang thang, không mục đích và cách yêu nhàn nhạt (anh vừa nói yêu Ánh (Ngô Thanh Vân) lại vừa có thể hừng hực bên một gái làng chơi (Phi Thanh Vân), ngay sau đó lại có thể tếu táo hôn ngực một cô gái câm điếc (?!).

Tuy nhiên, Lửa Phật vẫn có những màn hành động đặc sắc
Điểm cộng của Lửa Phật là những màn đấu võ

 
Ngô Thanh Vân, Thái Hoà và diễn viên nhí Ben (trong vai con trai của Ngô Thanh Vân) được xem là điểm sáng về diễn xuất của Lửa Phật. Dustin Nguyễn trình diễn võ thuật đẹp mắt, tạo hình đẹp mắt, nhưng đài từ đều đều, dễ ru ngủ người xem của anh còn thiếu cảm xúc cần thiết cho vai diễn. Điểm cộng lớn nhất của Lửa Phật là những pha hành động bắt mắt, kỹ xảo đẹp, và... nhạc phim. Có thể nói âm nhạc là một điểm cộng đặc biệt dành cho bộ phim này.
 
 
 Phan Anh- Hào Hoa