Ngay trước khi tự sát, Van Gogh đã “suýt” trở thành danh họa

(Dân trí) - Sinh thời, Van Gogh không được giới hội họa công nhận, ông không bán được tranh và chết trong vô danh, nghèo khó, bi kịch. Nhưng số phận đã từng lóe lên một tia may mắn với ông ngay trước khi “đóng sập”.

Một phát hiện thú vị và đầy ý nghĩa về cuộc đời và sự nghiệp của Van Gogh đã vừa xuất hiện mới đây. Tờ The Telegraph (Anh) cho hay Van Gogh không phải hoàn toàn vô danh lúc sinh thời như người ta vẫn tưởng, thậm chí, danh tiếng có thể sẽ mỉm cười với ông nếu ông không từ bỏ sinh mạng của mình quá sớm ở tuổi 37.

Thực tế, danh họa người Hà Lan Vincent Van Gogh đã bắt đầu nhận được sự chú ý từ một chính khách lớn ở thời điểm đó - ngài Tổng thống Pháp Marie François Sadi Carnot (1837-1894).

Van Gogh trong bức “Tự họa với băng tai” (1889)
Van Gogh trong bức “Tự họa với băng tai” (1889)

Những thông tin này vừa được đưa ra bởi một nhà nghiên cứu hội họa, dựa trên những thư từ để lại của Theo Van Gogh - người em trai, cũng là người bảo trợ tài chính cho Vincent Van Gogh lúc sinh thời.

Theo Van Gogh làm nghề kinh doanh hội họa. Các bức tranh mà người anh trai Vincent thực hiện sẽ được gửi về cho Theo, như một cách cảm ơn sự bảo trợ tài chính. Dù tranh của Van Gogh khi ấy bị xem là không có giá trị, nhưng Theo bằng nhiều cách xoay xở đã cố gắng để đẩy giá trị tranh của anh mình lên.

Trong quá trình nghiên cứu những lá thư mà Theo Van Gogh để lại (hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Van Gogh, Amsterdam, Hà Lan), nhà nghiên cứu Martin Bailey đã đọc được một lá thư, trong đó ông Theo cho hay 10 bức tranh của Vincent đã được ông đem trưng bày giới thiệu tại triển lãm nghệ thuật “Salon des Indépendants” ở Paris hồi năm 1890.

Tại đây, một buổi xem tranh quy mô nhỏ đã được thực hiện, Tổng thống Pháp Carnot sau khi xem tranh đã chia sẻ rằng ông rất ấn tượng với các tác phẩm của Van Gogh. Bức thư được ông Theo Van Gogh viết cho anh trai vào ngày 19/3/1890, chỉ vài tháng sau, Vincent Van Gogh qua đời vì tự sát.

Bức “Những cây bách”
Bức “Những cây bách”

Các bức tranh được trưng bày triển lãm khi ấy là các tác phẩm với tông màu tươi sáng, khắc họa cảnh vật của vùng Provence (Pháp), với những bức như “Những cây bách” hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (New York, Mỹ), hay “Cánh đồng lúa mì sau bão” trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Ny Carlsberg Glyptotek (Copenhagen, Đan Mạch).

Người được giao nhiệm vụ giới thiệu tranh cho ngài Tổng thống tại sự kiện là họa sĩ người Pháp Paul Signac, ông là một người bạn của anh em nhà Van Gogh. Họa sĩ Paul Signac khi ấy là một trong số rất ít những người ngưỡng mộ tranh Van Gogh.

Nhà nghiên cứu hội họa Martin Bailey cho hay: “Các câu chữ mà ông Theo Van Gogh dùng để miêu tả cuộc xem tranh của ngài Carnot được viết ra quá bình dị, đó là lý do tại sao chi tiết này đã bị bỏ qua bởi nhiều nhà nghiên cứu hội họa trong suốt những năm tháng qua”.

Chi tiết này đã được nhà nghiên cứu Bailey đối chiếu lại với một bài báo được đăng trên tờ Le Petit Parisien (Pháp) ngày 21/3/1890 viết về triển lãm nghệ thuật, trong đó có đề cập việc ngài Carnot rất ấn tượng với “cách sử dụng màu sắc gây sửng sốt” của một số tác phẩm. Trong khi đó, cách sử dụng màu sắc chính là điểm khác biệt lớn nhất của tranh Van Gogh.

Ở thời điểm triển lãm diễn ra, Van Gogh đang ở bệnh viện tâm thần Saint-Paul-de-Mausole sau khi ông tự cắt tai mình. Van Gogh sau đó qua đời vào tháng 7/1890 vì tự sát bằng một phát súng bắn thẳng vào ngực.

Nhà nghiên cứu Martin Bailey là một chuyên gia trong lĩnh vực tranh Van Gogh, ông từng viết vài cuốn sách về Van Gogh và là người đồng phụ trách triển lãm tranh Van Gogh sẽ diễn ra tại Anh vào năm tới.

Van Gogh
Van Gogh

Trong cuộc đời của Van Gogh, có rất nhiều câu chuyện bi kịch đã trở thành “huyền thoại” khi người ta nói về vị danh họa này. Chẳng hạn, cả cuộc đời mình, Van Gogh chỉ bán được một bức tranh với giá rẻ bèo.

Trước chi tiết vừa phát hiện ra, nhà nghiên cứu Bailey đánh giá: “Van Gogh có thể không bán được tranh, nhưng tôi tin rằng ông ấy không hoàn toàn vô danh như chúng ta vẫn nhận định trước nay về sự nghiệp lúc sinh thời của ông.

“Trước lúc qua đời, tức là 7 năm sau khi cầm cọ vẽ, Van Gogh bắt đầu nhận được sự chú ý, dù có thể chưa được biết đến rộng rãi, nhưng ít nhất ông đã được giới trí thức cấp tiến ở Paris để ý, mà Paris lại là kinh đô nghệ thuật của thế giới.

“Tôi từ lâu đã luôn nghi ngờ việc Van Gogh hoàn toàn bị ngó lơ lúc sinh thời, và chi tiết lần này đã cho thấy điều tôi nghi ngờ là có cơ sở. Thực tế, Van Gogh đã nhận được sự chú ý khi tranh ông được người ta đem trưng bày và được một chính khách lớn quan tâm”.

Trong cuốn sách mới ra mắt có tên “Starry Night” (Đêm đầy sao - cũng là tên một bức họa nổi tiếng của Van Gogh), tác giả Bailey khẳng định rằng nếu cuộc đời Van Gogh không kết thúc sớm trong bi kịch ở tuổi 37, thì sự nghiệp của ông sẽ còn chứng kiến những bước tiến và người đương thời sẽ công nhận tài năng hội họa của Van Gogh.

>> Tranh Van Gogh có giá hơn… 1 nghìn tỉ đồng
>> Lý giải bí ẩn trong bức “Đêm đầy sao” của Van Gogh
>> Những giả thuyết bí ẩn về cuộc đời danh họa Van Gogh

Starry, Starry Night (Vincent) - Don McLean

Bích Ngọc
Theo Telegraph

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm