Vi Thùy Linh:
“Nếu để chồng là nhà tài trợ, nghĩa là tôi mua danh”
(Dân trí) - Vi Thùy Linh chia sẻ với phóng viên Dân trí về sự nhọc nhằn, “vật vã” của văn thơ đương đại, về đêm diễn sắp tới, về cả lễ cưới vừa diễn ra và vẫn đang khiến dư luận đồn thổi ồn ào...
“Hộ chiếu tâm hồn sẽ đóng dấu hộ chiếu... Vi Thùy Linh là nhà văn”
Là cây bút tiêu biểu của thế hệ văn chương 8X, sự vắng bóng của Vi Thùy Linh tại Ngày hội Thơ lớn nhất Việt Nam khiến không ít người chờ đợi và thắc mắc. Chị vắng mặt là vì muốn dồn sức cho kế hoạch ra mắt tùy bút và đêm trình diễn “Hộ chiếu tâm hồn” hay vì lý do nào khác?
Tôi không đến sân thơ vì bị ốm một trận nặng vào dịp Tết. Đôi khi, tôi cần vắng mặt vì “tiết kiệm mặt”, và những người quan tâm thì biết Vi Thùy Linh đang tập trung vào một sự kiện lớn hơn, đó là ra mắt tác phẩm văn xuôi. Hơn nữa, Vi Thùy Linh không cho phép bản thân xuất hiện mà không có thời gian viết và tập.
"Những người thích chuyện ái tình, nâng mũi, bơm ngực, dư luận lá cải không phải là đối tượng của tôi" (Ảnh: Mai Xuân Dương)
Vi Thùy Linh có được “đóng dấu” cấp thị thực thành… nhà văn hay không e là phải đợi phản hồi từ độc giả?
Đúng thế!Tuy nhiên bạn đọc sẽ không…hẹp hòi với Vi Thùy Linh. Phần lớn độc giả hiện nay quá dễ dãi, dễ chấp nhận những kẻ chỉ viết một vài bài chưa thành tác phẩm, chất lượng kém, đã gọi họ là nhà văn, nhạc sỹ. Thậm chí, một bộ phận háo danh viết chưa đâu vào đâu cũng tự phong mình là nhà thơ, nhà văn. Vậy thì đối với tác giả lao động chuyên nghiệp, đầy nhiệt huyết như Vi Thùy Linh, độc giả hiểu biết sẽ không hẹp hòi gì mà không chấp nhận.
Cần khẳng định, độc giả tôi hướng tới là sinh viên và trí thức. Những người thích chuyện ái tình, nâng mũi, bơm ngực, dư luận lá cải không phải là đối tượng của tôi.
Đọc tôi, là độc giả được cảm nhận cảm xúc, chiêm nghiệm, khái niệm mới từ các cuộc thẩm du văn hóa, không biên độ trong ngôn ngữ Việt trong trẻo, giàu hình ảnh, duy mỹ. Vi Thùy Linh không bao giờ sử dụng những ngôn từ dung tục mà một thời bị những kẻ không hề đọc quy chụp cùng “hội thuyền” với mấy nhóm ngụy danh thơ để tung rác vào văn chương ở Sài Gòn…
“Khi tôi làm việc là phi giới tính”
Nhìn sắc mặt chị nhợt nhạt, thậm chí hơi tiều tụy. Có thể thấy Vi Thùy Linh vừa trải qua một khoảng thời gian dài làm việc với cường độ cao, căng thẳng và chịu nhiều áp lực?
Có lẽ tôi là người đầu tiên công khai về sức khỏe suy yếu của mình. Cách đây một ngày, tôi đã ngất vì tụt huyết áp, cũng bởi vì chịu nhiều lo lắng.
Khi tôi làm việc là phi giới tính.Tôi làm việc điên cuồng với nỗ lực muốn cống hiến vì nghệ thuật, vì độc giả. Tôi luôn trong tình trạng thức viết đến 2 giờ sáng, ăn trưa lúc 14h, thường xuyên bị tụt huyết áp.
"Tôi cầu toàn, đến tắm nhanh cũng mất 40 phút huống hồ để có tác phẩm hay xuất hiện trước công chúng, tôi đã bạc đãi cơ thể mình" (Ảnh:Mai Xuân Dương)
“Cơm áo không đùa với khách thơ” nhất là trong hoàn cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, điều này đã và đang “vận” vào trường hợp của Vi Thùy Linh. Đây không phải là lần đầu tiên, chị gặp khó khăn trong hành trình vận động tài trợ cho những sản phẩm sáng tạo của mình. Từ thuở “Khát”, “Linh”… chị đã đề cập đến chuyện “tiền- bạc- bẽo” này?
Tối 25/2, tôi có đến Nhà hát Lớn một mình nghe hòa nhạc để thư giãn. Trên đường đi, tôi đã bật khóc nức nở vì quá tủi thân, mệt mỏi. Có ca sỹ hát một bài hét cát- sê 100 triệu, tổ chức đêm nhạc thu về tiền tỷ. Trong khi đó, cuốn sách sáng tạo đầy ải và nhọc nhằn được trao tác quyền cho NXB ấn hành, tôi thu về nhuận bút không bằng nửa bài hát của các “sao” kia.
Bức minh họa của tầm cỡ như Đặng Xuân Hòa, nhuận bút chỉ 100 ngàn/bức. Thời gian, mọi thứ đều leo thang, riêng nhuận bút… mãi không thay đổi. Thước đo vật chất như thế này khiến giá trị nghệ sỹ hèn đi, thấp đi. Không thể cứ nói mãi về vấn đề kinh tế khó khăn mà là do nhận thức xã hội, người ta bỏ ra vài triệu mua vé xem ca nhạc, nhưng lại tiếc bỏ 100 ngàn thưởng thức văn chương. Nghệ thuật sáng tác vốn cao hơn nghệ thuật biểu diễn, song lực lượng biểu diễn vẫn sống tốt hơn. Những người quen đòi tặng sách là không trân trọng tác phẩm sáng tạo mà nhà văn phải trải nghiệm bằng những đau đớn.
Tôi đã thuyết trình cả tiếng để nhận…5 triệu đồng của một vị tổng giám đốc, dù đã hứa tài trợ gấp 10 lần. Có doanh nhân hứa tài trợ mấy chục triệu đồng từ cách đây 4 tháng, giờ cũng… lờ đi luôn. 5 ngàn tờ rơi của Trung tâm Văn hóa Pháp đã phát hành, vé cũng bán trước một tháng, kế hoạch đã định, tôi không có đường lùi. Và không bao giờ bỏ cuộc.
“Chồng tôi là người độ lượng, dũng cảm”
Được biết chị đã kết hôn, sao vẫn một mình vất vả xoay xở mà không nhờ sự “tài trợ” từ ông xã như nhiều nữ nghệ sỹ khác?
Tôi không thích dùng từ “chồng là nhà tài trợ”. Tôi không thích kiểu chồng tổ chức đêm nhạc cho vợ hay chồng làm đạo diễn thì cứ nhất định vợ tham gia diễn xuất.
Không muốn nhận sự giúp đỡ về tài chính từ phía người chồng mới cưới, vậy anh giúp đỡ chị về mặt tinh thần thế nào?
Chồng tôi xót lắm. Thấy vợ vất vả, đến bữa mang đồ ăn cho vợ, tôi chỉ uống một chút không ăn nổi.
Tôi nghĩ, mình là người mẹ nặng lỗi khi trì hoãn sự ra đời của con. Càng trì hoãn việc sinh con, càng khiến thời gian ở bên con ít hơn. Tôi đã kết hôn và sẽ không trì hoãn việc sinh con thêm nữa, sau Hội sách TPHCM (24-30/3) mà tôi có mặt để giao lưu, ký sách. Vợ chồng tôi dự tính sang năm sẽ có em bé.
Tại tôi tham nghề, muốn tranh thủ sức viết đang tốt để dồn hết tâm sức vào lần sáng tạo này mà chậm kết hôn, sinh con hết lần này đến lần khác mà chúng tôi nhiều lần tranh cãi kịch liệt. Có lần cáu quá, chồng tôi nói tôi không yêu bản thân, cũng không yêu con nhiều. Tôi cố nốt lần này vì nghĩ sinh con nhỏ sẽ không toàn tâm vào sáng tác được. Thực ra, tôi yêu con vô cùng và muốn có chút sự nghiệp để con tự hào.
Chị đã kết hôn, dường như là một đám cưới bí mật với giới truyền thông. Được biết, người bạn đời hơn chị khá nhiều tuổi?
Chồng tôi là người đàn ông dũng cảm và độ lượng. Anh xuất thân từ gia đình làm nghệ thuật và hơn tôi gần 20 tuổi.Vì công việc, anh khi ở Việt Nam, khi ở nước ngoài. Chúng tôi sống rất tôn trọng nhau, trong đó hàm chứa hi sinh và chịu đựng.
Đám cưới chúng tôi 600 khách mời, đa số là người nổi tiếng, thì làm sao gọi là “bí mật”?
Tôi coi sự biết tôn trọng những gì riêng tư của người khác, kể cả sống cùng nhà, là nếp sống văn minh. Tôi cực đoan, trong đó có nguyên tắc: không tò mò đời tư người khác và chỉ nói về sáng tạo, chỉ xuất hiện khi có tác phẩm mới. Mình đâu bất tài mà mang đời tư làm mồi cho thiên hạ bàn luận vì sợ họ… “quên mình”!
Vi Thuỳ Linh sinh năm 1980, sống và làm việc tại Hà Nội, là cây bút tiêu biểu nhất của thế hệ văn chương 8X của Việt Nam với 2 tập thơ Khát, Linh. Không như nhiều hiện tượng nhất thời ngắn ngủi, Vi Thuỳ Linh đã lao động văn chương liên tục 17 năm, với những tác phẩm mang phong cách riêng đặc sắc được công chúng cả nước ghi nhận. Sau lần đầu tiên làm chương trình riêng tại Hà Nội vào tháng 10/2005, Vi Thùy Linh sẽ trở lại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội bằng đêm trình diễn Hộ chiếu tâm hồn, ra mắt tập tùy bút cùng tên vào tối ngày 6/3/2014. |