MV nhạc Việt “lạm dụng” cảnh bạo lực, bi kịch hóa chuyện tình đồng giới?

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - Trong khi gameshow truyền hình chia sẻ nhiều câu chuyện tình đồng giới xúc động thì dường như trong MV nhạc Việt lại tăng mức độ bi kịch hóa chuyện đồng giới khiến khán giả cảm thấy... ngột ngạt!

MV nhạc Việt không thiếu cảnh bạo lực, chuyện tình đồng giới...

Ca sĩ Noo Phước Thịnh vừa trở lại làng nhạc Việt sau thời gian “im hơi lặng tiếng” với MV “Em đã thương người ta hơn anh”.

Vẫn chất giọng trầm ấm, nhiều cảm xúc nhưng thu hút người xem lại chính là nội dung MV đầy tính drama với nhiều pha “bẻ cua” bất ngờ của nam ca sĩ. Nội dung câu chuyện cứ ngỡ là tình yêu tay ba, ngoại tình trai gái bình thường nhưng lại cài cắm câu chuyện đam mỹ, tới tình yêu tưởng là thật nhưng hóa ra chỉ là sự dàn dựng để tiếp cận nhau có mục đích...

Dù phần nhìn thỏa mãn người xem nhưng đoạn cuối MV, cảnh nữ chính dùng súng bắn chết nhân vật nam do bạn diễn người Hàn Quốc đóng lại gây ra ý kiến trái chiều. Không ít người cho rằng, tiếng súng nổ cùng hình ảnh máu me khiến chất trữ tình, da diết của ca khúc vơi đi ít nhiều!

Trước MV của Noo Phước Thịnh, MV “Sao em nỡ vậy?” của Khắc Việt và MV “Chuyện loài hoa dang dở” của Đàm Vĩnh Hưng cũng gây cảm giác nặng nề với những cảnh đánh đấm, cầm dao, súng... bị cho là bạo lực.

Không chỉ tạo kịch tính khi cài cắm cảnh bạo lực, nhiều giọng hát Việt còn khai thác đề tài chuyện tình đồng giới như MV “Tình nào không như tình đầu” của Trung Quân Idol, “Thật tâm em rất yêu anh” của Đào Bá Lộc, MV “Tự tâm” của Nguyễn Trần Trung Quân, MV “Nghe nói anh sắp kết hôn” của Văn Mai Hương, MV “Muộn màng” của Dương Triệu Vũ...

Có ý kiến cho rằng, hầu hết các chuyện tình đồng giới trong MV nhạc Việt đều mang màu sắc trầm buồn, ủy mị, để lại nhiều day dứt, khuất phục trước định kiến và kết thúc không tròn vẹn. Hiếm hoi mới có MV mang màu sắc tươi sáng, với cách thể hiện dí dỏm, hài hước như “Sáng mắt chưa” của Trúc Nhân.

MV nhạc Việt “lạm dụng” cảnh bạo lực, bi kịch hóa chuyện tình đồng giới? - 1

Một số cảnh trong MV của Khắc Việt nhận về ý kiến trái chiều.

Để “lọt” MV bạo lực là sự “vỡ trận” của ngành quản lý xuất bản?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng xã hội cởi mở hơn nên những năm gần đây những vấn để về giới cũng được nhìn nhận một cách khách quan và cởi mở hơn trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

“Ở góc độ nào đó chúng ta cũng có thể thấy nó tương tự kiểu dòng nhạc underground bao nhiêu năm âm thầm đi song song cùng đời sống giờ đây được “lộ thiên” tạo thành một trào lưu. Vì vậy, có nhiều sản phẩm nghệ thuật, giải trí nhắc nhiều tới vấn đề tình yêu đồng giới trong những năm gần đây là một sự phát triển tự nhiên của xã hội, xuất phát từ nhìn nhận mới của cộng đồng về vấn đề này”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đưa ra góc nhìn riêng.

Tuy nhiên, theo anh thì các MV nhạc Việt đang “tăng mức độ bi kịch hóa câu chuyện tình đồng giới” khiến khán giả cảm thấy ngột ngạt. Anh chia sẻ: “Nhiều gameshow truyền hình có nhiều câu chuyện đồng giới rất xúc động do chính những người tham gia chia sẻ khiến khán giả xúc động. Song, dường như những sản phẩm âm nhạc lại hay khai thác thiên hướng tăng mức độ bi kịch hoá câu chuyện tình đồng giới khiến không ít khán giả cảm thấy ngột ngạt.

Có thể , khi sản xuất những người thực hiện muốn tạo nên những tình huống gay cấn, đưa sản phẩm lên đến cao trào và họ đánh giá hướng bi kịch hoá như vậy sẽ thu hút được người xem.

Cảnh bạo lực xuất hiện trong các MV cũng là theo hướng bi kịch hoá câu chuyện tạo nên cao trào thu hút khán giả”.

MV nhạc Việt “lạm dụng” cảnh bạo lực, bi kịch hóa chuyện tình đồng giới? - 2

Chuyện tình đồng giới được khai thác trong MV "Tự tâm".

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, việc để những hình ảnh bạo lực hay thiên hướng nội dung hướng khán giả tới những phản ứng tiêu cực là điều hoàn toàn không nên có trong các sản phẩm nghệ thuật, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc giải trí vốn có sự lan toả mạnh mẽ và có tác động trực tiếp đến tư duy và lối sống trong giới trẻ.

“Trước đây khi mạng xã hội chưa phát triển, công tác xuất bản các sản phẩm âm nhạc vẫn dựa vào các hội đồng nghệ thuật xét duyệt thì những MV kiểu bạo lực, bi lụy, u ám sẽ rất khó “lọt lưới”. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay có những thay đổi cơ bản trong cách xuất bản tác phẩm nghệ thuật. Cho nên, ở đây cũng cần nhìn nhận việc “vỡ trận” quản lý xuất bản trên hạ tầng hệ sinh thái số”, anh nói.