Mướt mắt với khu vườn rộng trồng hơn 4000 cây ăn quả ở Sơn La
(Dân trí) - Mỗi năm vườn cây ăn quả của gia đình Lò Thanh Minh (sinh năm 1999) cho thu hoạch hàng tấn hoa quả. Nhờ khu vườn, bố mẹ đã có điều kiện kinh tế tốt để nuôi 3 anh em Minh ăn học.
Lò Thanh Minh (Sinh năm 1999) là một người con sinh ra và lớn lên ở xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Khác với nhiều bạn trẻ, ngay từ khi mới xuống Hà Nội học Đại học, Lò Thanh Minh đã đặt ra mục tiêu sau khi học xong sẽ trở về quê hương cống hiến, đặc biệt phụ giúp bố mẹ và cả bà con ở quê hương gia tăng giá trị nông sản bằng những kiến thức đã được học về truyền thông.
Trước những năm 2014, người dân ở bản Nhạp, xã Cò Nòi chủ yếu trồng các loại nông sản như ngô, sắn, mía,... Tuy nhiên hiệu quả kinh tế đem lại không cao, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn.
Từ cuối năm 2014, sau khi được các cán bộ địa phương tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Lò Văn Hồm (Bố của Lò Thanh Minh) đã tiên phong thay đổi cây trồng trên đất nông nghiệp, từ trồng cây lương thực sang trồng cây ăn quả. Từ đó đến nay nhờ hiệu quả kinh tế mang lại mà bà con trong bản cũng đã tin tưởng và học tập theo mô hình kinh tế mới của gia đình ông Hồm.
Thanh Minh cho biết, ban đầu khu vườn của nhà cậu chỉ có 1000 cây nhãn, xoài trồng với diện tích khoảng 1ha, hiện nay vườn cây ăn quả đã đạt diện tích lên tới 6ha với hơn 4000 cây ăn quả và các giống cây đa dạng như nhãn, xoài, bưởi, cam, mít, chanh, ổi,...
Sau khi đã trừ đi chi phí phân bón, thuốc thang, mỗi năm vườn cây đem lại thu nhập cho gia đình Minh hơn 120 triệu đồng. Nhờ vườn cây ăn quả mà đời sống kinh tế gia đình Minh thay đổi rất nhiều, bố mẹ đã có của ăn của để và lo được cho 3 anh em Minh ăn học.
Mọi quy trình chăm bón vườn cây chủ yếu là do bố mẹ Minh tự làm, lợi thế là vườn cây gần nhà nên việc chăm bón rất tiện lợi. Tuy nhiên, vào vụ thu hoạch hoa trái gia đình Minh vẫn cần huy động thêm lao động trong bản phụ giúp.
"Công việc nghề nông vất vả nhưng so với việc trồng ngô khoai sắn trước đó thì đã đỡ hơn rất nhiều, bà con có tinh thần làm việc hơn, đặc biệt là những năm hoa quả được giá.
Hiện nay, cây ăn quả đang là một hướng đi mới cho bà con nông dân trên địa bàn xã Cò Nòi nơi mình đang sinh sống. Đây vừa nâng cao thu nhập vừa giải quyết việc làm cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, giá trị sản phẩm mà bà con làm ra chưa được như mong muốn, một phần là do bà con trồng ngày càng nhiều, nguồn cung lớn đi đôi với giá thành giảm. Một phần là vì là vùng trồng mới phát triển nên chưa có thương hiệu và chưa được nhiều người biết đến nên giá sản phẩm xuất ra thấp, mặc dù chất lượng cũng rất cao, không kém cạnh nhiều vùng khác...", Minh chia sẻ.
Chàng trai 9x luôn canh cánh nỗi lòng về việc làm sao có thể đem kiến thức đã học về truyền thông để đem thương hiệu hoa quả trong bản đến thị trường. Vì lý do ấy mà ngay sau khi học xong chương trình Đại học và hoàn thiện các chứng chỉ để xét tốt nghiệp Thanh Minh đã lên xe rời Hà Nội về Sơn La.
"Khi rời Thủ đô mình cũng có một chút vương vấn nhưng suy cho cùng đó là lẽ thường tình thôi vì mình đã gắn bó với nơi này gần 4 năm trời, cảm giác hơi nặng lòng. Nhưng rồi khi chuyến xe cập bến quê hương, một chặng đường mới dường như mở ra với mình.
Mình sẽ lại bắt quen với cuộc sống tại gia như những năm tháng tuổi thơ mình đã từng. Và mình nghĩ, với 4 năm Đại học ấy, mình đã có đủ kiến thức, và có một chút kinh nghiệm để phát triển bản thân tại quê nhà", Minh chia sẻ.
Bản thân Thanh Minh vẫn muốn theo nghề báo, vì bố mẹ đã lo, chu cấp cho 4 năm ăn học, Minh không muốn phụ lòng bố mẹ và phần quan trọng hơn nữa cũng vì đây là nghề mà cậu đam mê, yêu thích.
"Hiện mình đang đợi bằng tốt nghiệp để xin vào học việc tại các đài, các báo ở huyện, tỉnh Sơn La. Sau này đi làm nếu có cơ hội, nhất định mình sẽ làm những sản phẩm truyền thông về quê hương của mình, quảng bá nông sản, giúp nông sản được nhiều người biết đến và dễ dàng tiêu thụ hơn", Thanh Minh bộc bạch.