Muốn có những bức ảnh “đẹp, chất”… không hề khó

(Dân trí) - 6 nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới đã chia sẻ những bí kíp bỏ túi để những khoảnh khắc đời thường trở thành tác phẩm nghệ thuật.

Muốn có những bức ảnh “đẹp, chất”… không hề khó - 1

Theo chiều kim đồng hồ từ góc trên cùng bên trái: Liz Johnson Artur, Ellen Von Unwerth, Nadav Kander, Rineke Dijkstra và Joel Meyerowitz.

Dự đoán được thời điểm

Nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới Joel Meyerowitz (sinh năm 1938) bắt đầu chụp ảnh cuộc sống đô thị ở New York từ những năm 1960 và dần tạo nên ảnh hưởng lớn trong nhiếp ảnh. Ông chia sẻ về điều tâm niệm của mình trong bộ môn nhiếp ảnh như sau:

“Một trong những niềm vui lớn nhất khi ra đường là khả năng gặp những những điều bất ngờ. Tôi lớn lên ở Bronx, trong một khu phố của những người lao động nghèo. Cha tôi đã dạy tôi quan sát cuộc sống đang diễn ra trước mắt. Mỗi khi ông thì thầm, “Joel, nhìn này”, quả nhiên điều gì đó sẽ xảy ra. Ai đó sẽ trượt vỏ chuối hoặc va vào cột hoặc hai người sẽ cãi vã nhau. Từ những chuyện đơn giản, ông đã dạy cho tôi cách quan sát và dự đoán kết quả của một chuỗi các hành động. Bằng cách đó, bạn sẽ có được một không gian và thời điểm phù hợp.

Muốn có những bức ảnh “đẹp, chất”… không hề khó - 2
New York City, 1975. Ảnh: Joel Meyerowitz

“Với bức ảnh trên, tôi đang đi bộ dọc một con phố ở New York và nhìn thấy một luồng hơi nước bốc ra từ một lỗ thông hơi. Đó là một tín hiệu. Khi bạn nhận được tín hiệu, hãy chú ý. Sự chú ý chính là điều quan trọng của nhiếp ảnh.

“Ngay lập tức tôi di chuyển về phía đó, rồi một cặp đôi mặc áo khoác màu be xuất hiện. Sau đó, hai người khác mặc áo khoác cùng màu xuất hiện, in trên lưng họ là bóng người. Tất cả chỉ diễn ra trong tích tắc, thời gian cần thiết để một bức ảnh ra đời chỉ có thế. Như một trò ảo thuật hiện ra trong một làn khói. Khói tan, mọi thứ sẽ biến mất”.

Tin vào sức mạnh của cơ hội

Rineke Dijkstra (sinh năm 1959) là một nhiếp ảnh gia người Hà Lan nổi tiếng với những bức chân dung ấn tượng. Ông chia sẻ về nghệ thuật nhiếp ảnh:

“Đối với tôi, nhiếp ảnh là sự quan sát, nhưng bạn không thể tự mình nghĩ ra mọi thứ. Bạn hãy tin vào những cơ hội sẽ xảy ra trong công việc của mình. Tôi sử dụng máy ảnh phim kiểu cũ, tức là phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu bố cục, ánh sáng và màu sắc, phải cố gắng kiểm soát mọi thứ. Sự căng thẳng giữa những gì bạn có thể và không thể kiểm soát sẽ quyết định sức mạnh của bức ảnh.

Muốn có những bức ảnh “đẹp, chất”… không hề khó - 3
Parque de la Ciutadella, Barcelona, tháng 6 năm 2005. Ảnh: Rineke Dijkstra

“Trên đây là một bức ảnh của sự tình cờ. Tôi đã quyết định chụp ảnh ngang để thay đổi vì tôi đã chụp rất nhiều ảnh dọc. Tôi chụp cô bé này trong công viên. Biểu cảm của cô bé tỏa ra sức mạnh và sự bộc trực. Cô bé như tự hỏi: “Người phụ nữ này đang làm gì vậy?” Lúc đó, tôi không nhận ra rằng chiếc áo màu cam lại hòa hợp với màu xanh của hồ nước đến vậy. Hoặc sợi dây trên chiếc quần soóc, thẳng tắp như một quyết tâm.

“Tôi chỉ mơ hồ thấy có một chiếc thuyền phía sau. Tôi đã rất tập trung và hòa vào dòng chảy hình ảnh này. Tôi tin rằng khi bạn làm như vậy, bạn sẽ đưa ra quyết định đúng bằng trực giác. Không phải mọi thứ đều có thể nằm trong tầm kiểm soát của mình. Một bức ảnh hoàn hảo sẽ kết hợp cả sự sắp đặt và yếu tố tự nhiên”.

Hãy thoải mái nhất có thể

Ellen Von Unwerth (sinh năm 1954) là nhiếp ảnh gia thời trang nổi tiếng người Đức, đã từng đoạt nhiều giải thưởng.

“Tôi thường chụp cận cảnh, làm cho các nhân vật của mình trông thật lớn trong các bức ảnh. Tôi theo phong cách phóng đại nhưng điều quan trọng nhất là tạo không khí vui vẻ. Ngoài việc mô tả hình dáng nhân vật, bức ảnh cần phải làm nổi bật tính cách. Do đó, nhiếp ảnh gia cần tạo không khí thoải mái, vui vẻ, để mọi người không cần cố gắng tạo dáng thái quá.

Muốn có những bức ảnh “đẹp, chất”… không hề khó - 4

Easy Riders, Los Angeles, 2006. Ảnh: Ellen Von Unwerth

“Nhìn bức ảnh này, có thể thấy các người mẫu đang rất vui vẻ. Biểu cảm của họ rất quyến rũ và đầy thích thú. Tôi thường chuẩn bị kịch bản cho các buổi chụp hình thời trang và phân vai cho mọi người. Nhờ đó, chúng tôi không chỉ có những bức ảnh đẹp mà còn có những câu chuyện đằng sau bức ảnh.

“Bạn không nên quá chú trọng vào việc bản thân mình là một nhiếp ảnh gia. Đó là cách tôi làm việc. Tôi bật nhạc lớn, cố gắng để mọi người quên việc tạo dáng. Thậm chí bạn có thể mời mọi người một chút đồ uống. Tôi muốn mọi người vui vẻ, để họ giải phóng cảm xúc.

“Ngoài ra, ánh sáng rất quan trọng. Đừng để nhân vật của mình ở dưới những chiếc đèn chùm khủng khiếp. Và tôi khuyên bạn nên chụp 10 bức ảnh đẹp mỗi ngày. Điều đó rèn luyện cho con mắt của bạn”.

Luôn tích cực

Trong hơn ba thập kỷ, nhiếp ảnh gia người Nga gốc Ghana, Liz Johnson Artur (sinh năm 1964) đã ghi lại cuộc sống của những người da màu tại nhiều quốc gia.

“Tôi thường được hỏi làm cách nào để tạo ra những bức ảnh đẹp. Câu trả lời đơn giản nhất là cởi mở về những gì tôi muốn và tiếp cận trực tiếp với mọi người, không phải là cố gắng nắm bắt một khoảnh khắc, mà là ở đó, sẵn sàng khi khoảnh khắc xảy ra.

Muốn có những bức ảnh “đẹp, chất”… không hề khó - 5
Trafalgar, London, tháng 6 năm 2020. Ảnh: Liz Johnson Artur

“Mọi người hỏi tôi rất nhiều về nhiếp ảnh đường phố. Tôi không chuyên chụp ảnh cuộc sống diễn ra trên đường phố. Tôi coi đường phố cũng như một studio, tôi nghĩ xem nên sử dụng hậu cảnh, ánh sáng thế nào và vị trí của tôi nên ở đâu.

“Tôi dùng máy phim, do vậy tôi không thể lãng phí bất cứ khoảnh khắc nào. Dù không thể dàn xếp sự kiện xảy ra trong các bức ảnh nhưng tôi đã học cách di chuyển để đạt được những gì tôi muốn”.

Không vội vàng

Nhiếp ảnh gia nghệ thuật người Anh Nick Waplington (sinh năm 1965) được biết đến với những bức ảnh đặc tả cuộc sống của người lao động, ảnh đời sống đô thị và cả ảnh thời trang.

“Khi bạn hiểu rõ về một địa điểm, bạn sẽ nắm bắt được sự thay đổi của phong cảnh nơi đó, chẳng hạn như ánh sáng vào giữa trưa khiến cảnh vật trông như thế nào. Hãy lên một danh sách các địa điểm có thể chụp một bức ảnh phong cảnh đẹp và thường xuyên tới đó. Kiên nhẫn dành thời gian để chờ đợi khoảnh khắc có thể bấm máy.

Muốn có những bức ảnh “đẹp, chất”… không hề khó - 6
Những nàng tiên ở London Fields, 2001. Ảnh: Nick Waplington

“Tôi thường xuyên tới công viên London Fields ở Hackney vào các buổi chiều chủ nhật. Người dân thường tụ tập ở đó. Tại đây, tôi đã chụp được bức ảnh này: Những nàng tiên. Những cô bé chơi đùa trên bãi cỏ khiến tôi nhớ lại bức tranh về các nàng tiên”.

Chụp ảnh với tất cả sự say mê

Nhiếp ảnh gia Nadav Kander (sinh năm 1961) chuyên chụp chân dung và phong cảnh sống tại London.

Muốn có những bức ảnh “đẹp, chất”… không hề khó - 7
Tricky II, London, Anh, 2019. Ảnh: Nadav Kander

“Khi tôi chụp bức ảnh Tricky, tôi bắt đầu với những hiệu ứng ánh sáng thú vị, nhưng khi anh ấy nhìn thẳng vào tôi, có điều gì đó thật khó nói ra vào thời điểm đó, rằng đây là một người đàn ông thích tách biệt, kín đáo, phức tạp và tinh tế. Và tôi nghĩ nếu tăng thêm sự phức tạp của bóng tối trong bức ảnh có thể đưa đến một cái gì đó thực sự mang tính biểu tượng về anh ta.

“Nếu sau vài cú bấm máy, tôi chỉ chăm chăm nhìn vào màn hình để kiểm tra lại, dù những hình ảnh cũng đẹp, nhưng tôi không thể nào chạm đến được một bức ảnh giàu cảm xúc như vậy.

“Sự nhạy bén trong nhiếp ảnh đến từ tiềm thức và đó là thứ tôi muốn khai thác. Tôi muốn mọi thứ hiện ra như thể từ hư không, những thứ đó trung thực hơn nhiều so với những tính toán của bộ não”.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm