Mùa thu chưa đủ buồn, nếu Murakami chưa… trượt giải Nobel

(Dân trí) - Mỗi độ thu về, người Nhật chờ ngắm lá vàng, và người Nhật chờ… Haruki Murakami trượt giải Nobel, bởi như cách họ tự “hài tếu” sau quá nhiều lần chờ đợi và thất vọng, thì: Mùa thu chưa đủ buồn, nếu Murakami chưa… trượt giải Nobel Văn học.

Mùa thu, lá vàng và Murakami… trượt giải Nobel Văn học

Ở Nhật, có một từ dành để miêu tả cảnh vật khi lá dần chuyển màu mỗi độ thu về - “ko-yo”, và cũng mỗi độ thu về, người Nhật lại một lần nín thở chờ đợi cái tên được xướng lên tại giải Nobel Văn học. Năm nay, lại thêm một lần những người yêu mến nhà văn Nhật Haruki Murakami cảm thấy thất vọng.

Nhiều fan của ông - các “Harukist” (danh từ dành để chỉ những người hâm mộ nhà văn Haruki Murakami) - đã lên mạng than thở hài hước rằng “ko-yo” sẽ còn chưa đủ độ vàng úa, mùa thu còn chưa đủ buồn, cho tới khi Haruki Murakami thêm một lần tuột mất cơ hội bén duyên với Nobel Văn học.

Nhà văn Nhật Haruki Murakami
Nhà văn Nhật Haruki Murakami

Thực tế, mỗi năm, trước thời khắc trao giải Nobel, các hội nhóm văn chương hâm mộ Haruki Murakami đều tập trung lại để chờ thời khắc xướng tên chủ nhân giải Nobel Văn học. Năm nay cũng không ngoại lệ. Phóng viên của tờ tin tức Mainichi Shimbun (Nhật) đã có mặt bên một hội nhóm khoảng 200 “Harukist”, theo dõi họ chờ đợi giây phút một cái tên được xướng lên.

Khi cái tên Kazuo Ishiguro được đọc lên, những tiếng thở dài đồng loạt xuất hiện, sau đó là một tràng vỗ tay lịch thiệp dành cho chủ nhân Nobel Văn học 2017. Mặc dù đã nhiều năm các “Harukist” phải thất vọng, nhưng họ vẫn luôn lạc quan vào năm sau, bởi tình cảm dành cho nhà văn là quá lớn.

Như chính Murakami từng chia sẻ với tờ The New Yorker (Mỹ): “Mỗi cuốn sách tôi xuất bản, cho dù là trước khi nó được quảng bá hay nhận được các bài bình luận, thì chắc chắn nó đã bán được 300.000 cuốn cho độc giả trung thành của tôi tại Nhật”.

Trong văn đàn thế giới hiện nay, không có nhiều cây bút có hấp lực mãnh liệt đến thế. Ngay chính nhà văn Kazuo Ishiguro - chủ nhân Nobel Văn học 2017 - cũng bị hấp dẫn bởi Murakami. Ishiguro từng trả lời tờ Telegraph (Anh) rằng: “Haruki là một trong 3 hay 4 nhà văn thú vị và quan trọng nhất trong văn đàn thế giới hiện nay. Và rất khó để giải thích tại sao”.

Mùa thu chưa đủ buồn, nếu Murakami chưa… trượt giải Nobel - 2

Mỗi năm, khi cái tên được xướng lên không phải Haruki Murakami, không biết bản thân nhà văn thất vọng thế nào, nhưng các “Harukist” của ông thì không giấu nổi sự buồn bã và giờ đây là cả hài tếu sau quá nhiều năm “quen với nỗi buồn”.

Sau sự kiện xướng tên, bao giờ các trang tin văn hóa của Nhật và quốc tế cũng đều đề cập tới câu chuyện bên lề này, trên thế giới hiện nay, không có nhà văn nào được độc giả kỳ vọng nhận giải một cách tha thiết và bền bỉ như Haruki Murakami.

Haruki Murakami - “mãi mãi là phù dâu, mãi chẳng là cô dâu”

Vốn được biết tới với những cuốn tiểu thuyết sâu sắc, giàu tính triết lý, Haruki Murakami hiện là nhà văn Nhật nổi tiếng nhất trên văn đàn thế giới. Trước mỗi lễ trao giải Nobel Văn học, các hiệu sách ở Nhật thường trưng bày các cuốn sách của Murakami ở vị trí đặc biệt, chỉ đề rồi rất nhanh chóng, sau khi tên người nhận giải được xướng lên, họ lại phải đem cất các cuốn sách.

Những đầu sách của tác giả vừa được xướng tên nhanh chóng thế chỗ vào vị trí đặc biệt, nhà sách liền đặt thêm các đầu sách của tác giả này. Những điều đó lặp đi lặp lại qua từng mùa trao giải. Hãng tin BBC thậm chí mới đây đã bình luận hài hước về Murakami rằng: “Mãi mãi là phù dâu, mãi chẳng là cô dâu”.

Mùa thu chưa đủ buồn, nếu Murakami chưa… trượt giải Nobel - 3

Haruki Murakami thuộc vào một nhóm tác giả mà BBC đánh giá là “chinh phục cả thế giới”, nhưng… không thể chinh phục nổi ủy ban trao giải Nobel. Ông thuộc vào nhóm những tác giả có sách bán chạy nhất, được khen ngợi, tán dương không ít, nhưng dù danh tiếng có lớn tới mức nào thì vẫn cứ “vô duyên” với giải thưởng đáng khao khát nhất trong văn đàn.

Người ta thường so sánh sự “vô duyên” của Murakami với giải Nobel Văn học, cũng giống như Katy Perry với giải Grammy (dù là ca sĩ nổi tiếng và ăn khách cấp độ thế giới, nhưng Katy Perry chưa từng có trong tay một giải Grammy nào) hay như Leonardo DiCaprio với giải Oscar (sau 23 năm chờ đợi, cuối cùng, mãi tới năm ngoái, tài tử Leo mới có được giải Oscar đầu tiên).

“Những điều kỳ lạ xảy ra trong thế giới này. Bạn không biết tại sao, nhưng chuyện kỳ lạ thì vẫn cứ xảy ra”, đó là cách Murakami giải thích về sự bí ẩn trong những cuốn tiểu thuyết của mình và cả về những điều khó đoán khác trong cuộc sống. Có những chuyện xảy đến với nhân vật, mà chính ông - cha đẻ của nhân vật - cũng… chẳng hiểu tại sao.

“Nếu một bí mật quan trọng trong tác phẩm không được mở ra khi trang sách cuối cùng đã khép lại, độc giả sẽ rất khổ tâm. Đó không phải điều tôi muốn. Nhưng có những bí mật có thể vẫn cứ để nó là điều bí ẩn, nghe có vẻ kích thích tò mò. Tôi nghĩ độc giả cần điều đó”.

Mùa thu chưa đủ buồn, nếu Murakami chưa… trượt giải Nobel - 4

Không như các nhân vật và cốt truyện huyền hoặc, bí ẩn, Murakami ngoài đời thực là một con người thư thái, dễ chịu, nhã nhặn và thân thiện. “Tôi không hề bí ẩn tí nào!”, ông nói.

“Khi tôi viết sách, các nhân vật của tôi thường đến trò chuyện với tôi, họ bảo cho tôi biết điều cần làm. Cuốn tiểu thuyết được viết tới đâu, các trải nghiệm của tôi với nhân vật xảy ra tới đó, song song với nhau. Đó chính là tiểu thuyết”.

Tác phẩm của Murakami thường có hai chiều, một chiều thực tế, một chiều hư ảo; đôi khi, giấc mơ trở thành cánh cổng kết nối hai chiều thế giới. Dù vậy, bản thân Murakami cho biết ông không bao giờ nhớ nổi những giấc mơ của mình.

“Có lần tôi nói chuyện với một chuyên gia tâm lý nổi tiếng tại Nhật. Tôi hỏi ông ấy tại sao tôi không mơ mộng gì nhiều trong khi ngủ, gần như không mơ bao giờ. Ông ấy trả lời rằng: Điều đó có ý nghĩa của nó đấy. Tôi hỏi: Ý nghĩa gì vậy?.

“Nhưng cuộc gặp chóng vánh của chúng tôi không có đủ thời gian để ông ấy giải thích. Tôi chờ đợi được gặp lại ông ấy để lắng nghe câu trả lời, nhưng ông ấy mất cách đây 3-4 năm rồi. Tệ thật”, Murakami cười buồn kể lại.

Còn tiếp…

Bích Ngọc
Theo Guardian/Telegraph