Múa Tắc Xình được công nhận di sản phi vật thể quốc gia

Tối 16/10, tại Trung tâm Văn hóa huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã diễn ra lễ công bố quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với loại hình nghệ thuật múa Tắc Xình của đồng bào dân tộc Sán Chay ở huyện Phú Lương.

Múa Tắc Xình được công nhận di sản phi vật thể quốc gia

Điệu múa “Chim gâu” mô phỏng quá trình lao động, sản xuất trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Sán Chay. Ảnh: Thế Dương

Múa Tắc Xình được hình thành, phát triển cùng với tiến trình hình thành và phát triển của cộng đồng người Sán Chay ở Việt Nam nói chung và ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Múa Tắc Xình là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo được người dân tộc Sán Chay của huyện Phú Lương lưu giữ, bảo tồn và truyền lại cho nhiều thế hệ. Múa Tắc Xình thể hiện ước nguyện của con người, cầu thời tiết thuận lợi, muôn loài sinh sôi, lúa ngô được mùa, bản làng bình yên, hạnh phúc. Đó cũng là vũ điệu thể hiện đạo lý nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.

Múa Tắc Xình có 9 điệu cơ bản gồm: Thăm đường, lập làng, bắt quyết, mài dao, phát nương dọn rẫy, tra mố, hái lượm, mừng mùa vụ và chim câu. Điệu múa này được biết đến nhiều nhất ở các xã thuộc huyện Phú Lương như: Tức Tranh, Yên Lạc, Phú Đô... Từ năm 1996, điệu múa Tắc Xình đã được huyện Phú Lương lựa chọn tham gia giao lưu trong nước, quốc tế và đã nhận được sự đánh giá cao. Đặc biệt, năm 2013 huyện Phú Lương đã chọn múa Tắc Xình tham gia Liên hoan Dân ca - Dân vũ Việt Nam và xuất sắc đạt giải A toàn quốc.

Quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với "Múa Tắc Xình" của đồng bào dân tộc Sán Chay ở huyện Phú Lương sẽ góp phần thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Múa Tắc Xình được công nhận di sản phi vật thể quốc gia
Theo Lan Anh

Báo Tin Tức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm