Mùa hè nhìn ngắm lại bức tranh thiếu nữ ngủ trong “Tháng 6 rực lửa”
(Dân trí) - Bức tranh “Tháng 6 rực lửa” từng rơi vào cảnh vô giá trị, khi khung tranh còn “được giá” hơn cả bức tranh. Bức tranh đẹp đẽ rực rỡ là vậy, nhưng nàng thơ trong tranh có cuộc đời buồn bã, bi kịch.
Giờ đây, tác phẩm có giá vào khoảng 14 triệu bảng (407 tỷ đồng) và là một tác phẩm đã đi vào văn hóa đại chúng. Có thể bạn đã gặp “nàng thơ váy cam” này trên một tấm thiệp, một bức tranh chép, một miếng nam châm gắn tủ lạnh, trên bộ xếp hình hay ốp điện thoại...
Bức tranh đẹp gợi cảm này là một trong những minh chứng cho sự “thăng thiên biến động” trong thế giới hội họa, khi tác phẩm từng có giá chưa đầy 200 bảng thì nay có giá lên tới 14 triệu bảng. Họa sĩ thực hiện bức tranh “Flaming June” (Tháng 6 rực lửa) là Lord Leighton (1830-1896), một họa sĩ người Anh.
Câu chuyện về hành trình lưu lạc của bức tranh nổi tiếng đã từng được nhiều tác phẩm đề cập. Mới đây, lại có thêm một đầu sách viết về bức họa này, cuốn “Flaming Dene” (Nàng Dene rực lửa) của hai tác giả Eilat Negev và Yehuda Koren vừa được xuất bản tại Anh, một lần nữa đề cập tới tác phẩm hội họa rất được yêu thích này…
Vào một buổi chiều mùa xuân năm 1962, hai người đàn ông trong trang phục bảo hộ lao động khiêng một bức tranh lớn vào phòng triển lãm Ingo Fincke ở London. Chủ triển lãm quan sát bức tranh và không lấy gì làm ấn tượng. Hai người công nhân xây dựng đã tìm thấy bức tranh này bị bỏ lại trong một ngôi nhà mà họ đang có nhiệm vụ dọn dẹp, sửa chữa.
Chủ nhà không còn cần bức tranh đó nữa nên hai người thợ mang tranh đi bán, mong kiếm được một chút. Thông tin đề sau khung tranh cho biết rằng đó là tác phẩm “Flaming June” được thực hiện bởi họa sĩ sống ở thế kỷ 19 Lord Leighton.
Một bức chân dung tự họa của họa sĩ Lord Leighton (thực hiện năm 1880)
Hội họa thế kỷ 19 khi ấy không được xem là thời thượng nên chủ triển lãm chỉ trả cho hai người thợ một khoản tiền nhỏ, rồi ông yêu cầu tháo khung tranh mạ vàng ra khỏi bức tranh bởi ước tính bộ khung đáng giá, quả vậy, người chủ triển lãm bán được bộ khung với giá 65 bảng, còn bức tranh bán được... 50 bảng. “Flaming June” đã từng bị “thất sủng” như thế.
Giờ đây mọi chuyện đã khác, bức tranh hiện có giá 14 triệu bảng. Câu chuyện đằng sau tác phẩm này cũng ấn tượng không kém. Đó là mối quan hệ giữa một họa sĩ giàu có, thành đạt và một người mẫu thông minh, tham vọng. Người họa sĩ đã giúp cho cô người mẫu trở nên nổi tiếng, giúp cho vẻ đẹp của nàng được người ta tôn sùng, nàng là Dorothy Dene.
Nàng Dorothy Dene tên thật là Ada Alice Pullen, nàng vốn thuộc lớp dân nghèo thành thị, thế rồi nàng được họa sĩ Leighton biết tới và được ông “phù phép”.
Sinh ra trong một gia đình có cha là kỹ sư động cơ hơi nước và mẹ từng là người giúp việc trong những gia đình thượng lưu, nàng Dene tuy không phải con nhà giàu, nhưng nàng có nhan sắc, có học thức và hiểu biết về đời sống xã hội thượng lưu.
Bức "Memories" (Những ký ức - 1883, họa sĩ Lord Leighton)
Dù nhà không giàu nhưng cha mẹ nàng hết lòng với việc học của con, khuyến khích con theo đuổi nghệ thuật. Tuổi thơ êm đềm của nàng kết thúc khi người cha bị mất việc hồi năm 1876.
Ngay năm sau, người mẹ rơi vào cảnh liệt giường vì di chứng từ ca sinh khó. Lúc này, gia đình đông con rơi vào cảnh túng quẫn, trong nhà có người em gái mắc bệnh, vì không có tiền chạy chữa mà sớm qua đời.
Chỉ hai năm sau khi mất việc, người cha rơi phá sản và rời bỏ gia đình, người mẹ bệnh tật cùng với đàn con phải rời khỏi ngôi nhà mà họ vẫn sống trước nay, để cùng chen chúc trong một căn hộ nghèo nàn, chật chội.
Không còn cha lo toan kinh tế, người mẹ bệnh tật không thể kiếm ra tiền, những đứa trẻ nhà Pullen nhanh chóng rơi vào cảnh thất học và phải cố kiếm cho ra việc để có cái ăn. Lúc này, những người anh chị lớn trong gia đình nhanh chóng tìm công việc phù hợp với mình, họ tới các nhà máy, công xưởng.
Về phần mình, nàng Dene biết rằng bản thân có một diện mạo ưa nhìn, ở tuổi 18, nàng quyết định trở thành người mẫu, nghề này cho phép nàng có nhiều thời gian để dành cho gia đình, chăm sóc mẹ và các em, đồng thời mức lương cũng không tệ.
Chỉ trong vòng một năm vào nghề, Dene đã được họa sĩ Leighton mời làm người mẫu, khi ấy ông đã là một họa sĩ có tiếng ở London. Ở tuổi 48, Leighton vẫn là một người đàn ông độc thân, ông rất được quý chuộng trong giới thượng lưu London lúc bấy giờ.
Bức "After Vespers" (Sau buổi cầu nguyện - 1871, họa sĩ Lord Leighton)
Leighton nổi tiếng hào phóng với các người mẫu và nghệ sĩ trẻ. Dù vậy, ở Leighton, người ta cảm nhận thấy một sự xa cách, lãnh đạm. Thực tế, suốt một thời tuổi trẻ, Leighton từng theo đuổi một nữ ca sĩ hơn ông 15 tuổi. Leighton tôn thờ vẻ đẹp cổ điển, các tác phẩm của ông đương thời bán rất chạy và được giá cao.
Dene đưa lại cho Leighton một vẻ đẹp cổ điển đúng theo thị hiếu của ông. Mối quan hệ giữa vị họa sĩ và cô người mẫu không được biết rõ bởi các thư từ giữa họ về sau đã bị người thân đem đốt, nhưng có một điều chắc chắn, Dene đã trở thành nàng thơ chiếm vị trí quan trọng trong cảm hứng hội họa của Leighton.
Ông khuyến khích, cổ vũ và hỗ trợ cô theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật, giúp cô có được một sự nghiệp diễn xuất trên sân khấu kịch và chu cấp cho gia đình của cô thoát khỏi cảnh bần cùng.
Sau nàng Dorothy Dene, những người em gái của nàng cũng nối gót chị trở thành người mẫu cho họa sĩ Leighton, rồi họ cũng trở thành diễn viên kịch và bắt đầu có những giao tế rộng rãi hơn để tự lực cánh sinh.
Về phần họa sĩ, ông qua đời vì một cơn đau tim ở tuổi 65 hồi năm 1896. Bức tranh chân dung cuối cùng của ông còn đang thực hiện dang dở, khắc họa nàng Dene trong hình ảnh tiên nữ Clytie của thần thoại Hy Lạp. Bức chân dung đã được đặt trong quan tài của họa sĩ với hàm ý khi sang thế giới bên kia, ông sẽ hoàn tất nốt tác phẩm của mình.
Bức "The Garden of the Hesperides" (Khu vườn của các tiên nữ Hesperides - 1892, họa sĩ Lord Leighton)
Dene cũng qua đời không lâu sau đó, ở tuổi 39, hồi năm 1899 vì những vấn đề sức khỏe. Cho tới hôm nay, nàng vẫn tiếp tục mê hoặc công chúng.
Những gì từng hấp dẫn công chúng cách đây hơn 100 năm cho tới giờ vẫn hấp dẫn công chúng đương đại, vẻ đẹp của nàng Dene trong “Tháng 6 rực lửa” khắc họa một vẻ đẹp thiên thần, thoát ly thực tế, một khát khao về sự hòa bình, tĩnh lặng trong cuộc sống.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail