Một sinh viên phát hiện lỗi sai lịch sử ngớ ngẩn khắc trên bia đá

Theo nội dung khắc rõ trên tấm bia đá dựng sừng sững trước cổng đình Quán La (P.Xuân La, Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội), thì 2 vị vua sống cách nhau tới gần 200 năm đã bị nhầm lẫn. Đáng chú ý, suốt nhiều năm trôi qua, sự cố không bị ai phát hiện cho đến khi một sinh viên tình cờ nhìn thấy.

Một sinh viên phát hiện lỗi sai lịch sử ngớ ngẩn khắc trên bia đá - 1

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Tr., "tác giả" của phát hiện kể trên cho biết mình là sinh viên ngành quản lý văn hóa, rất yêu thích bộ môn lịch sử. “Ở đoạn viết về 18 sắc phong quý mà Thành hoàng làng Quán La được phong có ghi “sắc đầu tiên là sắc Thịnh Đức Nguyên niên (1653) đời vua Lê Thánh Tông. Thực tế, Thịnh Đức Nguyên là niên hiệu dưới thời vua Lê Thần Tông. Đây là một sự nhầm lẫn nghiêm trọng khiến thế hệ con cháu hiểu sai về lịch sử phong kiến”, anh Tr. diễn giải.

Thế nhưng, điều khiến anh Tr. cảm thấy buồn nhất không phải là việc người viết đã sai, mà là bởi tấm bia đã ở đó đã hơn 4 năm, lại nằm ở vị trí rất thuận tiện cho quan sát, vậy mà không một ai phát hiện ra lỗi ngớ ngẩn ấy.

Theo tìm hiểu của PV, ngôi đình để xảy ra sự cố đáng tiếc này nằm trong tổ hợp chùa Xuân La, tên chữ Khai Nguyên tự, có từ cuối thế kỷ 17. Năm 1984, chùa được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa - nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia. Còn tấm bia đá được nhắc tới cao khoảng 1,7m, rộng 1m với nội dung chủ yếu viết về 18 sắc phong quý, xuất hiện từ hơn 4 năm nay.

Quang cảnh phía bên ngoài đình Quán La (Ảnh: Văn Thanh)
Quang cảnh phía bên ngoài đình Quán La (Ảnh: Văn Thanh)
Để tìm xác định kỹ hơn về nhận định này, PV cũng gửi thông tin tới GS Trần Lâm Biền, một chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu văn hóa Việt Nam. GS Biền cho biết Thịnh Đức Nguyên niên 1653 là niên hiệu dưới thời vua Lê Thần Tông; sống 1607 -1662; là vị vua thứ 6 của nhà Lê trung hưng. Còn vua Lê Thánh Tông sinh năm 1442 - 1497; là hoàng đế thứ 5 của nhà Lê sơ. Như vậy, giữa vua Lê Thánh Tông và vua Lê Thần Tông sống và trị vì cách nhau gần 200 năm.

"Tôi không hiểu vì sao người ta có thể viết và dựng một tấm bia đá có sự nhầm lẫn nghiêm trọng đến vậy. Thực trạng này nói lên sự thiếu quan tâm đến di tích lịch sử văn hoá, thiếu trách nhiệm với nhân dân của nhà quản lý di tích”, GS Biền đưa quan điểm.

Cũng liên quan đến nhầm lẫn đáng tiếc này, ông Nguyễn Văn Ngư, trưởng ban di tích đình chùa Quán La đã tỏ ra khá lúng túng khi nhận được phản ánh. Ông phân trần, do không hiểu biết cặn kẽ về lịch sử nên khi lập tấm bia giới thiệu, ông đã nhờ một lãnh đạo UBND phường Xuân La biên soạn. “Chúng tôi sẽ họp bàn để kiểm tra lại. Nếu đúng có nhầm lẫn chúng tôi sẽ sớm chỉnh sửa lại cho đúng”, ông Ngư nói.

Theo Long Nguyễn - Văn Thanh
Báo Lao động