Khánh Hòa:

Một người dân công bố sở hữu bộ tượng “tam thế Phật” từ thời nhà Trần?

(Dân trí) - Một người dân ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) vừa công bố “độc quyền” với PV Dân trí về việc mình sở hữu bộ tượng “tam thế Phật” chất liệu bằng đồng có niên đại từ thời nhà Trần.

Một người dân công bố sở hữu bộ tượng “tam thế phật” từ trời nhà Trần?

Theo đó, người sở hữu bộ tượng nói trên là anh Huỳnh Hữu Lộc, sống ở xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang. Đây là bộ tượng gồm có 3 pho tượng, trong đó có 2 pho tượng kích thước nhỏ hơn bằng nhau và một pho tượng kích thước lớn hơn nên có tên gọi là “tam thế Phật”.

Theo công bố, pho tượng lớn có chiều cao 46cm (từ đế tượng đến đỉnh đầu), rộng 28cm và nặng 22kg. Hai pho tượng nhỏ mỗi pho có chiều cao 27cm, rộng 12cm và nặng 2,8kg/pho.

Theo anh Huỳnh Hữu Lộc, 3 pho tượng được chế tác cùng một mô típ, đặc điểm bên ngoài, gồm: tượng trong tư thế ngồi tọa thiền, chân phải đặt lên chân trái, 2 lòng bàn chân đối xứng nhau, khuôn mặt trái xoan, cặp chân mày cong giao nhau, mắt phượng khép hờ nhìn xuống, sống mũi dọc dừa, miệng cười tủm tỉm, cổ cao 3 ngấn, bàn tay búp măng, dáng người thon nhỏ…

Theo chủ sở hữu, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã đánh giá bộ tượng này có niên đại từ thời nhà Trần. Tuy nhiên, một số chi tiết hoa văn, nghệ thuật tạc tượng… có tiếp nối nghệ thuật từ trước đó.

Bộ tượng tam thế phật được cho có niên đại từ thời nhà Trần
Bộ tượng "tam thế phật" được cho có niên đại từ thời nhà Trần

“Mặc dù như vậy nhưng tôi công bố bộ tượng là mong muốn các nhà nghiên cứu có thể nhìn nhận một cách chuẩn mực, khái quát hơn nhằm góp phần tìm hiểu văn hóa, lịch sử phật giáo nước ta”, anh Lộc bộc bạch. Hiện bộ tượng này đang được trưng bày trong một ngôi nhà cổ kiểu Huế (5 gian, 2 chái) của anh Lộc ở xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, Khánh Hòa.

Qua tìm hiểu được biết, anh Lộc là đời thứ 4 trong dòng họ tiếp nhận bộ tượng này. Anh kể, từ đời ông cố của anh đã sở hữu, lưu giữ bộ tượng này và sau đó đến đời ông nội, bố anh gìn giữ.

“Trước khi lâm chung vài ngày, ba tôi gọi mọi người trong đình đến để nói lời cuối cùng. Trong giây phút ấy, ba tôi chỉ nơi cất giấu bộ tượng và trao lại cho tôi là người con út trong gia đình, nói rằng là cố gắng gìn giữ số đồ, thờ phụng, gieo việc tốt, chứ không bán”, anh Lộc kể.

“Ba tôi đã cất giữ và gia đình cũng không ai hay biết, cũng không quan tâm điều đó. Thời đó sau giải phóng đói khổ nên ba tôi không cho vợ, con biết vì sợ bị bán đi”, anh chia sẻ thêm.

Anh Lộc đang giới thiệu về bộ tượng cho PV Dân trí trong một ngôi nhà cổ kiểu Huế 5 gian 2 chái
Anh Lộc đang giới thiệu về bộ tượng cho PV Dân trí trong một ngôi nhà cổ kiểu Huế 5 gian 2 chái

Hiện thông tin về bộ tượng “tam thế phật” mới chỉ là thông tin từ người sở hữu. Hi vọng với những thông tin nói trên, rất mong các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, xác minh giá trị chân thực của bộ tượng. Được biết, trước đó, anh Lộc cũng từng công bố pho tượng “đổi màu đổi sắc”...

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc (TP Nha Trang), cho biết, từ nhiều năm qua, anh Lộc là người đam mê, sưu tầm chơi đồ cổ có tiếng ở địa phương, trong đó cả những pho tượng ít người có. Chủ tịch xã Vĩnh Ngọc cho biết, cách đây chưa lâu, anh Lộc được cả đài truyền hình quốc gia tìm đến làm chương trình phóng sự về các hiện vật của anh.

Thủy Nguyên