LHP Cannes 2014:
Một bộ phim về số phận “kinh hoàng” của phụ nữ đạo Hồi
(Dân trí) - Một người phụ nữ la hét trong đau đớn, cuối cùng, chị bật lên tiếng hát trong hoàn cảnh khốn cùng. Người phụ nữ đó đang bị đánh 80 roi, chịu xong hình phạt này, chị thở hắt ra như sắp chết...
Đó là những hình ảnh đầy ám ảnh trong bộ phim “Timbuktu” - một trong những bộ phim làm về cuộc sống của những tín đồ đạo Hồi ở miền bắc Mali (một quốc gia thuộc Tây Phi). “Timbuktu” cũng là một trong những ứng viên nặng ký cho giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes năm nay.
Trong buổi họp báo giới thiệu phim tại Cannes, diễn ra vào thứ 5 vừa qua, đạo diễn phim Abderrahmane Sissako đã quá xúc động đến mức bật khóc. Cả buổi họp báo là một cuộc chia sẻ đầy cảm xúc. Đạo diễn Sissako là người Mauritania (một quốc gia thuộc Tây Bắc Phi).
Bối cảnh phim được dựng lên tại thành phố Timbuktu ở đất nước Mali, thành phố này bị tàn phá bởi nạn khủng bố kể từ năm 2012 khi lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan nắm quyền kiểm soát, áp dụng những luật lệ đạo Hồi vô cùng hà khắc lên đời sống của người dân.
Thực tế, đạo diễn Sissako đã từng có thời gian lớn lên ở Mali. “Timbuktu” là những sự việc có thật từng diễn ra ở đó, là những gì mà chính ông đã từng chứng kiến. Trong một giây phút quá xúc động, đạo diễn Sissako bất ngờ rơi vào im lặng, lấy hai tay che mặt và bật khóc.
Sau đó, khi đã lấy lại bình tĩnh, vị đạo diễn 52 tuổi chia sẻ: “Tôi khóc vì tôi đã chứng kiến những con người có thật phải trải qua những cuộc hành hình đầy đau đớn như vậy. Những con người phải sống và chứng kiến những sự việc kinh hoàng ấy mỗi ngày thực sự là những con người dũng cảm. Họ đang tiến hành một cuộc chiến trong im lặng”.
Nữ diễn viên Toulou Kiki, người vào vai người phụ nữ bị hành hình cũng xúc động không cầm được nước mắt tại buổi họp báo.
“Timbuktu” xoay quanh cuộc sống của đôi vợ chồng Kidane và Satima. Họ có một cô con gái. Cuộc sống của gia đình nhỏ bắt đầu bị khủng hoảng khi thành phố Timbuktu dần rơi vào tay của những chiến binh Hồi giáo cực đoan. Cuộc sống của người dân trở nên khắc khổ, bị kìm kẹp đủ điều. Âm nhạc, thuốc lá, các loại hình thư giãn, giải trí đều bị cấm.
Người dân địa phương ban đầu phản ứng dữ dội nhưng sau khi phải chứng kiến những bi kịch xảy ra mỗi khi phản đối, dần họ chuyển sang im lặng và chấp nhận những điều chướng tai gai mắt. Chẳng hạn, người phụ nữ bán cá ngoài chợ cũng buộc phải đeo găng tay vải cho đúng thuần phong mỹ tục, hay một ông cụ xắn gấu quần lên để làm việc cũng bị cho là không đúng theo luật đạo Hồi…
Bộ phim đang được trình chiếu tại Cannes đã nhận được sự đón chào nhiệt thành của người xem.
Timbuktu là một cái tên gợi lên một chuyến hành trình xa ngái đối với những người xem phương Tây. Ngoài ra, ở thời kỳ thịnh trị của nó, Timbuktu cũng là trung tâm của việc học tập và nghiên cứu đạo Hồi. Tuy vậy, sau khi dần suy sụp, nơi đây trở thành trung tâm của những đạo luật hà khắc, độc ác, kinh hoàng nhất.
Hiện tại, khi những chiến binh Hồi giáo cực đoan không còn có địa vị thống trị ở đây nữa, bạo lực vẫn xảy ra thường xuyên. Đạo diễn Sissako quyết định thực hiện bộ phim này tại một địa điểm an toàn hơn, đó là ốc đảo Oualata của Mauritania.
Đoàn làm phim “Timbuktu” đã mang những sắc màu Phi Châu đến với Liên hoan phim Cannes.
Ông đã mời một số diễn viên người Mali đang sống trong trại tập trung Mbera ở Mauritania và một số người từng tham gia vào hàng ngũ những chiến binh Hồi giáo cực đoan đến đóng phim. Những diễn viên của “Timbuktu” đa số là những diễn viên không chuyên.
Điều đặc biệt là trong phim của đạo diễn Sissako, ông không khắc họa những chiến binh Hồi giáo như những con người khát máu, điên cuồng như người ta thường thấy trong các bộ phim khác, thay vào đó, ông đem lại cho họ nhân tính, những rung cảm của con người:
“Trong mỗi con người đều có sự đa dạng, phức tạp, sự pha trộn, đan xen giữa tốt và xấu. Cần phải nói rằng có những người từng là chiến binh Hồi giáo đã tham gia đóng phim cùng với chúng tôi. Đó là những con người mà ở một thời điểm của cuộc đời, đã có những lý do khiến họ lựa chọn một lối đi đáng lẽ không nên chọn”.
Bích Ngọc
Theo AFP