“Một bộ phận giới trẻ không mặn mà với văn hóa truyền thống...”
(Dân trí) - Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại buổi tọa đàm “Chất liệu dân gian trong đời sống văn hoá nghệ thuật đương đại” chiều 8/1.
Khi được hỏi: “Theo bà, người trẻ hiện nay nên ứng xử như thế nào với di sản văn hoá mà cha ông để lại? Và cần phải làm những gì để gìn giữ, phát huy và lan toả những giá trị riêng có của văn hoá, của di sản?”
PGS.TS Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nói: “Rõ ràng có một bộ phận giới trẻ không mặn mà với văn hóa truyền thống. Có rất nhiều lý do, có thể là do sự tác động của kinh tế thị trường, do sự du nhập các dòng nhạc mới, phim ảnh mới, do công nghệ thông tin, các loại hình giải trí... khiến lớp trẻ không được tiếp xúc với văn hóa truyền thống, họ không có sự hiểu biết...
Để lớp trẻ cảm thụ được cái hay, cái đẹp của văn hóa dân gian, truyền thống, theo tôi, trước hết chúng ta đưa nhiều bài học về văn hóa truyền thống, bài hát dân ca vào trường học, hay các họa tiết hoa văn, dân gian vào trường học. Trường học cũng nên có nhiều buổi dã ngoại cho học sinh, đặc biệt cho học sinh thành phố được trải nghiệm các buổi dã ngoại.
Trong gia đình, bố mẹ nên duy trì nét văn hóa truyền thống như thờ cúng tổ tiên, về quê, tham dự lễ hội truyền thống của quê hương và nhiều hoạt động khác gắn với văn hóa truyền thống.
Ý tôi muốn nói, để cho lớp trẻ tiếp cận, hiểu và phát huy giá trị văn hóa truyền thống thì trước hết họ phải được tiếp cận, giáo dục và có sự hiểu biết.
Ngày nay, chúng ta cũng thấy nhiều ca sĩ, họa sĩ họ cũng quay về ứng dụng chất liệu truyền thống, dân gian trong sáng tạo của mình. Sản phẩm của họ đi vào đời, đi vào cuộc sống, đi vào giới trẻ. Và những các tác phẩm của họ cũng góp phần nâng cao nhận thức của giới trẻ, để hiểu biết hơn, trân trọng hơn di sản văn hóa truyền thống mà cha ông sáng tạo, gìn giữ đến ngày nay”.
Theo Nhà thiết kế Hà Minh Phúc - Mai Ly việc khai thác văn hoá dân gian để đưa vào thời trang đương đại có những thuận lợi và khó khăn riêng. “Như cô Hiền nói, thực ra những chất liệu dân gian đã ngấm từ bé rồi. Thực ra Phúc với Ly là thế hệ 8x, vẫn còn những hồ sen, những bụi tre.
Phải nói thực sự nó đã ngấm vào trong máu rồi, thành ra khi khai thác về chất liệu dân gian thì nó là một cái dễ vì nó đã ngấm vào trong máu. Tuy nhiên để đưa ra ứng dụng vào trong đời sống thì đương nhiên là hướng về thời trang nhưng vẫn phải trong khuôn khổ của dân gian thì nó cũng khó từ màu sắc đến họa tiết.
Ví dụ BST "Hơi thở thượng ngàn" của Ly & Phúc chẳng hạn, văn hóa Đạo Mẫu đã ngấm trong các câu hát khi Ly với Phúc ngồi xem các giá trầu. Nhưng đúng là ấp ủ 2 năm, rất khó. Bởi vì trong văn hóa Đạo mẫu còn có tính thiêng. Ly với Phúc phải 2 năm nghiên cứu rất nhiều, tìm đến họa sĩ Trần Tuấn Long vì rất mê mẩn những bức tranh của anh vẽ về các giá trầu. Nhưng nếu để nói chuyện, tìm hiểu và lấy cảm hứng từ những bức tranh của anh thì tính thiêng đưa ra rất khó ứng dụng trong thời trang. Hai chị em lại nghiên cứu rất nhiều sách từ thời nhà Đinh, nhà Lê. Sau đó quyết định sẽ lấy từ những cái gì đơn giản. Ví dụ như áo chị Khuê mặc chẳng hạn, là rừng trúc, là hạc. Áo của cô Hiền mặc, màu sắc mang hơi thở của núi rừng nhưng có bông sen. Tất cả đều mang đậm chất Việt Nam.
Thực ra chúng tôi rất mê văn hóa Đạo mẫu. Văn hóa Hầu đồng mang đặc trưng của Việt Nam. Từ màu sắc cho đến âm nhạc trong đó đã làm cho chúng tôi rất phiêu rồi. Đấy chính là điểm dễ nhất. Còn điểm khó chính là tính thiêng. Để đưa ra mặc hàng ngày là rất khó. Chúng tôi phải nghiên cứu để chỉ lấy cảm hứng và tiết chế nó bằng những họa tiết nhẹ nhàng hơn. Để đưa ra cho giới trẻ tiếp cận với văn hóa dân gian một cách nhẹ nhàng nhất”, nhà thiết kế Hà Minh Phúc – Mai Ly chia sẻ.
Nhà thiết kế Hà Minh Phúc – Nguyễn Mai Ly cũng nhắn nhủ tới những người sáng tạo nghệ thuật trẻ rằng: “Trước khi May’s House làm về áo dài đặc biệt là áo dài cách tân, đã có rất nhiều các NTK cùng với các thương hiệu khác cũng đã khai thác. Có thể là May’s House cũng rất may mắn khi mà dòng chảy về việc làm sống dậy các nét đẹp văn hóa đến thời điểm này bắt đầu mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy các BST được ra đời trên tiêu chí như cô Hiền nói, tức là sáng tạo trong khuôn khổ cho phép để nét đẹp đấy phù hợp với đời sống đương đại, để giúp cho giới trẻ cảm nhận và sử dụng, qua đó sẽ làm sống dậy hơn.
Mình cũng rất mong muốn các NTK khác nữa, chúng ta cùng sống & cảm nhận nền văn hóa với bề dày như vậy thì chúng ta rất cần làm ra những sản phẩm đủ sức mạnh để truyền cảm hứng cho giới trẻ. Bây giờ không nên đặt kỳ vọng vào giới trẻ từ trong vô thức các lũy tre kia hay là các nét đẹp đấy được đưa vào bạn ý. Bởi môi trường đương đại bây giờ không còn có sẵn các thứ đấy nữa. Mà chúng ta là những người mang tính chất định hướng: sản xuất, sáng tạo ra những sản phẩm để giúp cho giới trẻ cảm nhận. Đó cũng là trách nhiệm của những người làm nghề”.
Nguyễn Hằng - Quỳnh Trang
Ảnh: Quý Đoàn