Mối quan hệ Việt- Lào là hiếm có trên thế giới

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu.

Trong bài viết về quan hệ Việt Nam- Lào nhân kỷ niệm Kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào năm 2012, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh một lần nữa khẳng định: Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào là mối quan hệ thủy chung, trong sáng, hiếm có trên thế giới, là tài sản vô giá, nhân tố quan trọng trong sự phát triển của hai nước Việt Nam và Lào.

Mối quan hệ đó thể hiện rõ trong vần thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt - Lào hai nước chúng ta - Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Chủ tịch Kaysone Phomvihane cũng từng nói: “Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt lâu dài và toàn diện như vậy”.

Trân trọng, gìn giữ và xây đắp cho muôn đời

Mối tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kaysone Phomvihane kính yêu gây dựng đã và đang được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, ngày càng củng cố và phát triển mạnh mẽ.

Nhân dân hai nước Việt Nam và Lào đang vui mừng, phấn khởi tổ chức các hoạt động phong phú, trọng thị để thiết thực kỷ niệm hai sự kiện trọng đại trong quan hệ hai nước là 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị Hợp tác (18/7/1977 – 18/7/2012) và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 – 5/9/2012).

Nhân dân Việt Nam và nhân dân các bộ tộc Lào luôn trân trọng, gìn giữ và xây đắp cho mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước từ bao đời nay.

Kể từ khi Đảng Cộng sản Đông dương ra đời năm 1930, mối quan hệ đó ngày càng được tăng cường và phát triển. Từ khi Việt Nam và Lào thiết lập quan hệ ngoại giao, và nhất là sau khi hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị Hợp tác, quan hệ hai nước không ngừng được tăng cường và củng cố vững chắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước của hai dân tộc Việt-Lào anh em.

Ngày nay, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu, trên tất cả các lĩnh vực.

Quan hệ chính trị, đối ngoại Việt Nam – Lào tiếp tục được củng cố vững chắc. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, đặc biệt sau khi cả hai nước vừa tiến hành xong Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội của mỗi nước. Hai nước đều đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào 2012 và đang tích phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động kỷ niệm với nội dung phong phú và thiết thực. Các cơ chế hợp tác giữa Việt Nam với Lào tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả.

Tại Kỳ họp lần thứ 34 Uỷ ban Liên Chính phủ hai nước (6-8/01/2012), hai bên đã khẳng định tập trung triển khai thực hiện tốt các thỏa thuận cấp cao giữa Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước; phối hợp tổ chức thành công Năm đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào 2012; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước, đặc biệt về kinh tế đầu tư có trọng tâm trọng điểm của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào; kiện toàn củng cố hoạt động của bộ máy Phân ban hợp tác Việt – Lào theo hướng thống nhất về quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của Phân ban.

Hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước không ngừng tăng cường và triển khai tốt trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về huấn luyện, đào tạo. Công tác xây dựng hệ thống bảo vệ an ninh quốc phòng toàn dân đạt nhiều kết quả. Hai bên đã ký Hiệp định Hợp tác hàng năm và 5 năm, phối hợp đảm bảo vững chắc ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu và hoạt động chống phá của các lực lượng thù địch.

Tình hình biên giới Việt Nam-Lào cơ bản ổn định, an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội. Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới được triển khai theo đúng kế hoạch, phấn đấu từ nay đến hết năm 2012 sẽ xác định và xây dựng xong tất cả số mốc còn lại trên toàn tuyến biên giới và hoàn thành dự án vào năm 2014.
 
Thắm thiết tình hữu nghị Việt-Lào (ảnh TVplus)
Thắm thiết tình hữu nghị Việt-Lào (ảnh TVplus)

Hợp tác kinh tế giữa hai nước tiếp tục được tăng cường. Về đầu tư, Việt Nam là nước đứng thứ hai trong số các nước đầu tư vào Lào với hơn 200 dự án, trị giá 3,57 tỷ USD. Một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam triển khai nhanh, bước đầu có hiệu quả tích cực.

Về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt-Lào tăng trưởng tương đối tốt, cả năm 2011 đạt 734 triệu USD, tăng 49,8% so với năm 2010. Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 1 tỷ USD năm 2012 và đạt 2 tỷ USD năm 2015.

Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục cũng đạt nhiều thành tựu lớn. Hai nước đã ký kết và triển khai “Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt – Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 – 2020”. Hợp tác hai nước trong các lĩnh vực khác như giao thông vận tải, văn hóa, thể thao, du lịch … cũng được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu.

Một điểm nổi bật nữa là hợp tác giữa các địa phương hai nước được chú trọng thúc đẩy. Trong thời gian qua, các địa phương biên giới hai nước đã tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác gắn bó, đảm bảo an ninh trật tự vùng biên, ổn định và phát triển.

Hợp tác giữa các địa phương và các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Viêng chăn, Chăm-pa-xắc, Khăm-muộn cũng được mở rộng và phát triển, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, phần nào đáp ứng được nhu cầu phát triển của các địa phương và khai thác được tiềm năng và thế mạnh sẵn có về đất đai và nguồn tài nguyên, nhân lực của mỗi bên.

Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên cũng đã đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ khu vực và quốc tế.

Việt Nam tích cực hỗ trợ Lào tổ chức Hội nghị cấp cao ASEM 9, Hội nghị đối tác nghị viện Á – Âu lần thứ 7 (ASEP 7) vào cuối năm 2012, tăng cường hợp tác trong Ủy hội sông Mê Công và các cơ chế hợp tác tiểu vùng.

Phấn đấu phối hợp làm tốt nhiều trọng tâm

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, trong thời gian tới, trước những biến động phức tạp và khó lường của tình hình thế giới và yêu cầu phát triển của mỗi nước, hai nước tiếp tục khẳng định quyết tâm phấn đấu duy trì và nâng quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt-Lào lên tầm cao mới, theo phương châm chất lượng và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.

Để đạt được mục tiêu này, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí quyết tâm và thoả thuận chỉ đạo các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương hai nước phấn đấu phối hợp làm tốt nhiều trọng trọng tâm.

Theo đó, hai bên tiếp tục duy trì trao đổi thường xuyên đoàn cấp cao và các cấp nhằm tăng cường sự gắn bó và tin cậy lẫn nhau; triển khai tốt việc phổ biến, tuyên truyền Bộ lịch sử quan hệ đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt-Lào giai đoạn 1930-2007.

Hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ, chú trọng xây dựng tuyến biên giới Việt-Lào ổn định và phát triển toàn diện; đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào vào năm 2014; nhân rộng trên toàn tuyến một số mô hình hợp tác tốt và hiệu quả như hợp tác tuần tra chung của lực lượng biên phòng, giải quyết dứt điểm tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú tại khu vực biên giới hai nước; phát triển và nâng cao đời sống nhân dân vùng biên giới thông qua phát triển các cụm kinh tế dọc biên như khai khoáng, nông trường…

Phát huy vai trò của Phân ban Hợp tác Việt Nam – Lào; Lào - Việt Nam; kiện toàn tổ chức, bộ máy, đổi mới cơ chế và nâng cao hiệu quả hoạt động của Phân ban Hợp tác. Phối hợp triển khai thực hiện có kết quả “Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật Việt Nam – Lào giai đoạn 2011- 2020” và “Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học- kỹ thuật giữa Chính phủ Việt Nam – Lào giai đoạn 2011- 2012”; “Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Lào giai đoạn 2011 – 2020” và các thỏa thuận hợp tác khác.

Khuyến khích quan hệ hợp tác trực tiếp, toàn diện giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới, các địa phương có điều kiện của Việt Nam với các tỉnh, thành phố của Lào.

Tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động tại diễn đàn đa phương, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN, phối hợp và hợp tác trong khuôn khổ hợp tác ASEAN và khu vực như Tiểu vùng Mekông mở rộng (GMS), Chiến lược hợp tác phát triển kinh tế khu vực 3 dòng sông Ayeyawady-Chao Praya - Mekông (ACMECS), hợp tác 3 nước Việt Nam – Lào - Campuchia (CLV), hợp tác Hành lang Đông Tây và các diễn đàn quốc tế khác. Việt Nam tích cực hỗ trợ để Lào tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEM 9 và ASEP 7 cuối năm 2012.

Luôn tự hào có người bạn thủy chung

Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định: Là nước láng giềng anh em gần gũi, nhân dân Việt Nam luôn tự hào có nhân dân Lào là người bạn thuỷ chung trong sáng trong suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Chúng ta vui mừng chứng kiến những đổi thay nhanh chóng đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên đất nước hoa Chăm-pa tươi đẹp và chân thành mong muốn nhân dân Lào anh em, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào sẽ xây dựng thành công một nước Lào phồn vinh và vững mạnh, có quan hệ đối ngoại rộng mở, có vai trò và vị thế không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.

Trong không khí tưng bừng kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào 2012, chúng ta cùng khẳng định quyết tâm phấn đấu kế thừa và vun đắp tình đoàn kết đặc biệt, quan hệ hữu nghị thủy chung gắn bó và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam và Lào, cũng như vào hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới./.

Theo VOV