Mở rộng đối tượng đủ điều kiện ra nước ngoài thi sắc đẹp
(Dân trí) - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khẳng định, phải quy định điều kiện, thủ tục cấp phép dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế và mở rộng đối tượng đủ điều kiện ra nước ngoài dự thi là 10 thí sinh (top 10) có điểm số cao nhất trong các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước. Đồng thời tiếp tục quy định thủ tục cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975.
Theo tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn mới được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn từ Trung ương đến địa phương được tăng cường chặt chẽ trong việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, duyệt chương trình trước khi cấp phép, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.
Hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trình diễn thời trang, thi người đẹp đã có những chuyển biến tích cực, các sai phạm thường xảy ra trong những năm trước như: Đơn vị tổ chức, nghệ sĩ sử dụng các phương tiện kỹ thuật để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn (hát nhép), lừa dối khán giả trong biểu diễn nghệ thuật; nghệ sĩ, người mẫu sử dụng trang phục, hóa trang không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc (trang phục, hóa trang phản cảm); nghệ sĩ, người mẫu có những phát ngôn, hành động không phù hợp phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của người Việt; một số đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ quảng cáo không đúng nội dung chương trình biểu diễn, vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo đã giảm đáng kể.
Một số vụ việc vi phạm đã bị xử lý nghiêm khắc trong thời gian qua như: Thu hồi Quyết định cho phép tổ chức cuộc thi Nữ hoàng Biển Việt Nam 2013 do Công ty TNHH Quảng cáo Truyền thông Rồng Việt tổ chức; Tạm dừng cấp phép biểu diễn nghệ thuật trên toàn quốc đối với ca sĩ Phương Trinh trong thời gian chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền.
Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử phạt đối với một số trang web trực tuyến như Nhaccuatui, Mp3.zing, Nhacso, nhacvui, chacha, nhacvietplus, omuzik; phối hợp, kiểm tra xử lý vi phạm đối với: 24 trường hợp biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; 15 đơn vị tổ chức thi người đẹp, người mẫu không có giấy phép; 14 cá nhân ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu không có giấy phép…
Cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay điều kiện và thủ tục cấp phép cho thí sinh Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế chưa phù hợp với thực tiễn đất nước trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế.
Trong thực tiễn quản lý hoạt động này, hằng năm có rất nhiều trường hợp thí sinh không tuân thủ quy định pháp luật ra nước ngoài tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế và sau đó nộp phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, phải quy định điều kiện, thủ tục cấp phép dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế và mở rộng đối tượng đủ điều kiện ra nước ngoài dự thi là 10 thí sinh (top 10) có điểm số cao nhất trong các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước
Đồng thời có cơ chế không công nhận đối với các danh hiệu đạt được do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, không có tính chất đại diện Việt Nam để làm cơ sở quy định trong các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Nghị định cũng hướng tới việc quản lý các tác phẩm âm nhạc, sân khấu được sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam đảm bảo phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước về văn hóa, nghệ thuật.
Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, quy định về việc quản lý, cấp phép đối với tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 là vấn đề phức tạp, trong đó có yếu tố lịch sử để lại. Trong thời gian trước đây, việc cấp phép, phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Toàn bộ các bài hát được cấp phép phổ biến đều của các tác giả phía Nam hoặc tác giả miền Bắc di chuyển vào phía Nam định cư.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua đã nảy sinh một số vấn đề phức tạp đối với công tác quản lý trong hoạt động này. Vì vậy đặt ra yêu cầu nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975. Giải quyết các vấn đề phức tạp đối với công tác quản lý tác phẩm âm nhạc, sân khấu.
“Đảm bảo biện pháp quản lý đối với các tác phẩm âm nhạc, sân khấu, ngăn chặn những tác phẩm có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, đi ngược lại chính sách của Đảng, trái với pháp luật Nhà nước”- tờ trình của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho hay.
Khẳng định, tiếp tục quy định thủ tục cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 và tác phẩm do người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác nhưng Bộ này cho biết cần xác định rõ những tác phẩm nào thuộc phạm vi thẩm định, cho phép phổ biến và những tác phẩm nào không là đối tượng phải thẩm định, cho phép phổ biến.
Cắt giảm thủ tục hành chính
Theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ, các biện pháp bảo vệ đối với những hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan dựa trên yêu cầu tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan (biện pháp dân sự, hải quan, hành chính, hình sự). Việc quy định thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong quá trình cấp phép biểu diễn, trước khi tác giả, chủ sở hữu quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ không phù hợp với quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ.
Chính vì vậy, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khẳng định sẽ bãi bỏ quy định “bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả” trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu.
Quy định trong đơn đề nghị nội dung cam kết của đơn vị đề nghị với cơ quan cấp giấy phép về việc tuân thủ quy định về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan để làm cơ sở xây dựng quy định xử phạt hành chính, trong đó áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động tổ chức biểu diễn của các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Thế Kha