Mở rộng diện tích khai quật khảo cổ phía Bắc thành nhà Hồ
(Dân trí) - Trung tâm Bảo tồn di sản Thế giới Thành Nhà Hồ cho biết, Bộ VH,TT&DL vừa quyết định cho phép Sở VH,TT&DL Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học mở rộng diện tích khai quật khảo cổ tại khu vực Hào thành phía Bắc của di tích Thành nhà Hồ thuộc xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
Diện tích khai quật mở rộng là 1.000m2, nâng tổng diện tích khai quật Hào thành phía Bắc lên 3.000m2.
Mục đích của việc mở rộng diện tích khai quật nhằm xác định quy mô, cấu trúc của Hào thành phía Bắc, góp phần vào việc nghiên cứu để tiến hành bảo tồn hệ thủy cổ và tôn tạo cảnh quan phục vụ phát triển du lịch tại di sản thế giới Thành nhà Hồ. Hào Thành là hạng mục công trình nằm trong chiến lược khai quật tổng thể Thành Nhà Hồ giai đoạn 2013-2020.
Sau nhiều lần tổ chức các cuộc khảo sát và tiến hành khai quật, nhiều hiện vật có giá trị đã được tìm thấy trong khu vực Thành nhà Hồ.
Tuy nhiên, những dấu tích tại đây cho thấy vẫn còn rất nhiều hiện vật đang nằm dưới lòng đất, chính vì thế việc tiến hành khai quật khảo cổ sẽ tiếp tục được thực hiện nhằm tìm ra lời giải chính xác nhất cho di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.
Trước đó, trong năm 2015, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã khai quật khảo cổ học một phần khu vực Hào Thành phía Nam với diện tích trên 2.000m2. Cuộc khai quật đã xác định được quy mô, cấu trúc và chức năng của Hào Thành phía Nam. Ngoài chức năng phòng thủ, Hào Thành còn là một công xưởng chế tác, tinh chế đá khi xây dựng Hoàng thành.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy các di vật bổ sung vào việc nghiên cứu và trưng bày tại di tích như các khối đá, gạch có chữ, gốm thời Trần-Hồ, gốm Lê sơ và đặc biệt là đục sắt, kiếm sắt… là các di vật rất hiếm khi gặp trong các di tích khảo cổ học lịch sử Việt Nam.
Theo kế hoạch dài hơi, việc khai quật khảo cổ tổng thể Thành nhà Hồ sẽ kéo dài trong 7 năm (từ 2013- 2020), với nguồn kinh phí thực hiện trên 90 tỉ đồng. Mục đích của các đợt khai quật nhằm từng bước tìm hiểu các dấu tích văn hóa, vật thể của Thành nhà Hồ qua các thời kỳ bị vùi lấp dưới lòng đất, góp phần nâng cao giá trị của di sản.
Bên cạnh đó, việc khai quật khảo cổ cũng hi vọng sẽ cung cấp thêm nhiều tư liệu lịch sử phục vụ công tác giáo dục, quảng bá di sản Thành nhà Hồ và đặc biệt giúp các chuyên gia có thêm tư liệu khi nghiên cứu về Hồ Quý Ly và giai đoạn cuối triều Trần, triều Hồ trong lịch sử đất nước.
Nhiều nhà khoa học cho rằng, việc cần thiết là khai quật khảo cổ để làm rõ giá trị, diện mạo lịch sử, văn hóa của vương triều Hồ hơn là việc phục dựng, bởi trên thực tế, không có một tài liệu khoa học nào còn tồn tại về các đền đài, kiến trúc trong khu vực Thành nhà Hồ để làm căn cứ phục dựng. Nếu cứ phục dựng thì có thể làm sai lệch lịch sử.
GS. Tống Trung Tín- nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, phục dựng là việc không nên, vì chúng ta không có tài liệu khoa học nào để căn cứ. Việc cần thiết là khảo cổ, tìm hiểu những tầng di sản còn vùi dưới lòng đất để làm rõ diện mạo văn hóa, lịch sử của triều Hồ. GS. Tín cũng cho rằng, với đặc thù là di tích bằng đá, tồn tại bền vững qua 6 thế kỷ, Thành nhà Hồ không phải là di sản khó bảo tồn. Cái khó là việc phục hồi những đoạn thành sụt lún, chống xuống cấp.
Hà Tùng Long