Michelangelo đã sáng tác trong sự đau đớn, tuyệt vọng
(Dân trí) - Những dòng chữ nguệch ngoạc mà Michelangelo thường viết bên lề các bức phác họa cho thấy những xúc cảm riêng tư đầy đau đớn, vừa thể hiện khát vọng, vừa thể hiện sự tuyệt vọng mà Michelangelo luôn cố gắng che giấu.
Chân dung tự họa của thiên tài hội họa - điêu khắc Michelangelo (1475-1564)
Sinh thời, danh họa - nhà điêu khắc - kiến trúc sư người Ý Michelangelo có thói quen viết những mẩu chuyện diễn ra hàng ngày, những tâm sự và cả danh sách những thứ cần ra chợ mua… bên lề giấy vẽ.
Những bản vẽ phác họa còn lại tới ngày nay, đã lưu giữ hoàn hảo những bút tích “nguệch ngoạc” của ông. Những bút tích này đã cho các nhà nghiên cứu một góc nhìn cận cảnh vào tâm trạng, cảm xúc của thiên tài hội họa.
Thiên tài hội họa thời kỳ Phục hưng Ý đã để lại khoảng 600 bản vẽ phác họa. Khoảng 1/3 trong số này có bút tích của ông, thường là những dòng thơ ông bất chợt nghĩ ra, một vài dòng ghi chú về sự việc xảy ra trong ngày, hay một số giải thích về ý tưởng ông vừa sáng tạo…
Một số bức phác họa lưu lại bút tích của Michelangelo
Hơn tất cả, đằng sau những ghi chú này cho thấy những xúc cảm riêng tư đầy đau đớn, vừa thể hiện khát vọng, vừa thể hiện sự tuyệt vọng mà Michelangelo luôn dày công che giấu. Những nét tâm lý này chỉ được phát hiện dưới sự phân tích tâm lý của các chuyên gia.
Những ghi chú của Michelangelo rất đa dạng, từ những sự việc nhỏ nhặt thường ngày tới những triết lý sâu sắc. Chẳng hạn, trên lề của một bức phác họa, Michelangelo ghi ra số tiền ông đã chi cho việc mua thực phẩm và trang trải lễ tang của cha.
Có lúc những suy nghĩ của ông trở nên khó hiểu, đầy ẩn ức, chẳng hạn bên cạnh bức phác họa Đức Mẹ và Chúa hài đồng, ông viết: “Đức Mẹ có khuôn mặt còn ngọt ngào hơn cả nước nho chín, và rồi một con ốc sên chợt bò qua đó”.
Bức tượng “Pieta” nổi tiếng của Michelangelo hiện đang trưng bày tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican.
“Tượng David” trứ danh của Michelangelo hiện đang trưng bày tại Viện bảo tàng Nghệ thuật Galleria dell'Accademia ở thành phố Florence, Ý.
Các nhà nghiên cứu đã dành ra nhiều năm để lật lại những bút tích mà Michelangelo từng viết lên các bản vẽ để hiểu hơn về suy nghĩ, nội tâm của thiên tài hội họa.
Trên một bản vẽ khác, Michelangelo vẽ một bàn tay lớn bên cạnh hình ảnh hai con người bé nhỏ. Sau đó, ông chú thích về sự chờ đợi, về nỗi buồn, sự hối tiếc, trong đó có những câu như: “Cái chết là sự kết thúc của tù ngục đen tối… Khát vọng sinh ra khát vọng, cuối cùng, nó để lại nỗi đau…”.
Những thành tựu quá lớn của Michelangelo trong lĩnh vực điêu khắc và hội họa đã làm lu mờ thực tế ông còn là một nhà thơ, từng viết khoảng 300 bài thơ.
Bức vẽ “Lời phán xét cuối cùng” trên bệ thờ của nhà nguyện Sistine ở Vatican do Michelangelo thực hiện.
Tâm hồn Michelangelo rất mong manh. Trong một bài thơ, ông viết về nỗi đau trong tình yêu của mình, người ta cảm thấy sự đuối dần trong câu chữ, đến mức tưởng như ông quá đau đớn và không còn chịu đựng được việc tiếp tục viết ra những cảm xúc của mình.
Để nhấn mạnh tâm trạng bi lụy đó, ông liền xoay tờ giấy 90o và vẽ một bức phác họa chính bàn tay của mình với ngón tay trỏ chỉ vào chữ “người yêu dấu”.
Những bút tích này đã cho phép các nhà nghiên cứu bước vào thế giới nội tâm sâu kín của Michelangelo và nhận ra rằng thực tế vị thiên tài này có một đời sống tinh thần không hề yên ả. Ông là một con người khổ hạnh, cố gắng che giấu những “nỗi sầu nhân thế”, không để ai nhìn thấy, chỉ cho phép họ được thấy những tác phẩm tinh hoa do ông sáng tạo ra.
Bích Ngọc
Theo Telegraph