Mẹ đảm TPHCM chia sẻ bí kíp tập làm nông dân sở hữu vườn rau sân thượng
(Dân trí) - Bắt đầu thiết kế vườn rau sân thượng từ năm 2016, chị Bùi Thị Thương (TPHCM) đã rút được nhiều kinh nghiệm "vàng" trong việc chăm sóc vườn tược và rau quả.
Chị Bùi Thương chia sẻ: "Trồng cây thật sự chỉ lúng túng cho những người mới bước vào nghề chứ không khó, chỉ cần có đam mê và chút thời gian ta sẽ thành công. Bản thân mình cũng từng trải qua biết bao cửa ải khó khăn mới có được vườn rau xanh tốt như ngày hôm nay", chị Thương nói.
Theo chị Thương , thông thường những người mới bắt đầu trồng rau sẽ không biết bắt đầu từ đâu và cần mua những gì, nên sẽ chọn những vựa cây cảnh gần nhà là mối đầu tiên.
Có những người suy nghĩ rằng mua những bao đất từ dưới quê lên và chọn những loại phân hóa học để bón cho đất và cũng chẳng biết phân biệt đâu là phân hóa học hay phân hữu cơ.
Hay một số người được các cửa hàng cây cảnh tư vấn đất này có đầy đủ dinh dưỡng trộn sẵn chỉ việc trồng, đến vụ mới cây không lên lại chạy ra hỏi: "Anh chị ơi sao em trồng như này như kia không lên thì lại được tư vấn mua thêm loại phân khác.
"Mình nói những điều này vì bản thân mình đã từng trải qua và thấm thía lắm rồi. Thậm chí mình còn mua cả đất khác trồng lại thay cho đất cũ. Vậy nên mình hiểu rất rõ cảm giác thất vọng của những người háo hức dốc tâm sức vào vườn rau sân thượng mà chẳng thu hoạch được cọng nào. Dưới đây là một vài kinh nghiệm và lưu ý cơ bản để cả nhà cùng tập làm nông dân thành công", chị Bùi Thương chia sẻ.
Diện tích sân thượng
Trước khi bước vào nông dân sân thượng quan trọng nhất là vị trí, diện tích, nắng gió trong ngày của khu vườn. Bạn cần lên các diễn đàn hay lên mạng để tham khảo thêm thông tin. Không nên mua sắm đồ đạc tội vạ tránh lãng phí.
Thiết kế vườn rau sao cho hợp lý với nắng của sân nhà mình. Chẳng hạn, nắng cả ngày và sân thượng không có bờ tường bao xung quanh thì làm các kệ tầng. Còn bị hạn chế nắng tuyệt đối không làm kệ tầng vì những tầng dưới nắng không chiếu vào khiến cây khó lớn.
Giàn leo cũng cực kỳ quan trọng. Nếu diện tích vườn 20m2 trở lên trồng dây leo cây rau vẫn sẽ phát triển tốt. Nhưng diện tích vườn dưới 15m2 mà muốn có rau thì không nên làm giàn leo phía trên mà chỉ làm giàn leo chữ A, hay chỉ làm một góc nhỏ vừa đủ.
Đất trồng
Sau nhiều lần thất bại với việc trồng rau sân thượng bằng đất mua tại của hàng, vợ chồng chị Thương đã lên mạng tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm thì hoàn toàn bỏ qua đất và tự làm giá thể trồng bao gồm: Phân bò hoai (dinh dưỡng cho cây), trấu hun và vỏ đậu (giúp giá thể tơi xốp), mùn dừa (giữ độ ẩm cho cây).
"Như vậy trong vườn tất cả rau và cây ăn trái nhà mình hoàn toàn không sử dụng đất. Cho nên giảm tải được sự chịu đựng của nền nhà, dễ dàng cho việc bưng bê"" chị Thương chia sẻ.
Lựa chọn khay và chậu
Thông thường những người mới trồng rau sân thượng cứ thấy khay là mua không cần biết lỗ thoát nước nó được nằm ở đâu và khay có vỉ hay không. Như hiện nay một số khay trồng hay khoét lỗ thoát nước nằm dưới đít chậu, có khay thì có ốc vít bịt lại khi cây cần nước cả ngày thì những khay như vậy lại không dự trữ nước cho cây.
Cho nên khi bạn mua khay cần quan trọng nhất xem vị trí của lỗ thoát nước, nếu lỗ thoát nước nằm dưới đít chậu thì hãy hỏi người bán xem có ốc vít bịt lại hay không và lỗ thoát nước có bên hông nằm dưới vỉ hay không.
Nếu không có ốc vít mà không có sự lựa chọn cửa hàng khác thì mua về dùng keo bịt lại và dùng mỏ hàn hay khoan đục lỗ thoát nước bên hông chậu nằm phía dưới vỉ lót.
"Chậu cần có vỉ lót để tránh việc đất ngập trong nước ở dưới đáy làm cho cây bị ngập úng, đất lúc nào cũng ẩm ướt gây ra bệnh nấm hạn chế sự phát triển của cây.
Trên thị trường hiện nay đa phần bán các chậu đều lỗ thoát nước nằm ở dưới đáy, khi ta trồng cây ăn trái hay leo giàn mà không làm hệ thống nước tự động thì nước không đủ cung cấp cho cây. Ngoài ra việc làm phân bón cũng rất quan trọng. Mọi người có thể tham khảo thêm để trồng rau sân thượng thành công".
Nhờ những kinh nghiệm đã đúc rút, gia đình chị Bùi Thương đã sở hữu vườn rau sân thượng xanh tốt giúp không gian sống được gần gũi với thiên nhiên, giúp gia đình luôn chủ động thực phẩm xanh, an toàn cho sức khỏe.