MC Diệp Chi: "Tương lai đứa trẻ không phụ thuộc vào việc đọc truyện tranh"
(Dân trí) - "Các con đi học ở trường đã áp lực rồi, nên ở nhà con nghe nhạc hay đọc truyện gì, tôi nghĩ rằng không nên kiểm soát", Diệp Chi nói thêm.
Trong buổi ra mắt bộ truyện tranh kinh điển Nhóc Maruko vào ngày 9/9 tại nhà xuất bản Kim Đồng, biên tập viên Diệp Chi tiết lộ khi 8 tuổi, cô đã có cơ hội được đọc bộ truyện này và luôn nghĩ mình là Maruko. Hơn nữa, gia đình cô cũng có 2 chị em giống với hoàn cảnh nhân vật trong truyện.
Nữ MC nhớ lại: "Tôi từng bắt chước Maruko, muốn chảy máu cam để được nghỉ học. Thậm chí, tôi từng tạo hình tóc cho em gái mình bằng nước cho giống cô bé trong truyện nhưng ngay khi ra ngoài, tóc khô luôn nên về sau, tôi vẽ mái tóc răng cưa lên trán em tôi.
Tôi còn từng nhờ mẹ may cho váy đỏ. Một cô bé lười học, nhiều mưu mẹo ấy vậy mà để lại ấn tượng mạnh cho nhiều thế hệ độc giả".
Diệp Chi cũng nói thêm: "Con của tôi hiện 12 tuổi. Từ khi cháu bắt đầu tiếp xúc với chữ, bản thân tôi chưa bao giờ rạch ròi truyện chữ và truyện tranh. Với tôi, tương lai của những đứa trẻ không bao giờ phụ thuộc vào điều này.
Các con đi học ở trường đã áp lực rồi, nên ở nhà con nghe nhạc hay đọc truyện gì, tôi nghĩ rằng không nên kiểm soát. Tôi muốn con có nhiều niềm vui hơn cả".
Cùng với Doraemon, Thám tử lừng danh Conan, Nhóc Maruko được xem là một trong những biểu tượng văn hóa của Nhật Bản. Bộ truyện tranh nổi tiếng này là sáng tác của cố họa sĩ Momoko Sakura, từng gắn với ký ức tuổi thơ của độc giả Việt Nam cách đây 3 thập kỷ.
Bộ truyện tranh xoay quanh cuộc sống của cô nhóc dễ thương Maruko với vô vàn khoảnh khắc hài hước nhưng không kém phần xúc động về tình cảm gia đình, bè bạn.
Nhà xuất bản Kim Đồng vừa thông báo, sau quá trình dài thương thảo bản quyền và chuẩn bị tới 10 năm, bộ truyện tranh kinh điển Nhóc Maruko sẽ chính thức ra mắt tại Việt Nam trong tháng 9 này, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023).
Khác với bản gốc ra mắt tại Nhật năm 1987, bản dịch tiếng Việt được khoác một "tấm áo mới" dành riêng cho độc giả Việt Nam với phong cách đậm màu hoài cổ nhưng vẫn giữ trọn những nét vẽ vui tươi, dễ thương từ minh họa gốc của tác giả.
Dịch giả Hương Giang - người dành rất nhiều tâm huyết cho bộ sách - chia sẻ: "Đồng hành với cô bé Maruko hài hước, lém lỉnh, tôi không những có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về văn hóa và đời sống Nhật Bản thập niên 1970 mà còn tìm được niềm vui, cũng như động lực để trở lại với công việc.
Thực sự dịch Nhóc Maruko với tôi không chỉ là công việc mà là hành trình phục hồi và khám phá bản thân".