Mẫu thay thế linh vật ngoại lai phải đáp ứng thị hiếu thị trường

(Dân trí) - “Sản phẩm làng nghề làm ra phải có người mua thì làng nghề mới sống được. . Định hướng chuyển đổi mẫu sản phẩm thay thế linh vật ngoại lai thế nào, là năng lực của từng cơ sở sản xuất, và quan trọng là thị hiếu của thị trường”.

Ông Huỳnh Chín - Trưởng Ban Quản lý Làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng) chia sẻ với PV báo Dân trí trước thực trạng các sản phẩm linh vật ngoại lai ế ẩm sau khuyến cáo không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch.

Trở lại làng đá mỹ nghệ Non Nước (Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) những ngày này, đâu cũng nghe than khó bởi mặt hàng lân, sư tử đang bán chạy trở nên ế ẩm. Ông Phan Hiệp, chủ một cơ sở khá lớn ở làng nghề, có hơn 20 năm theo nghề của làng cho biết: “Văn hóa tứ linh (long - lân - quy - phụng) vốn có từ lâu đời. Trước đây, thường trưng bày tứ linh ở các đình, chùa, miếu mạo. Theo trào lưu phong thủy, nay nhiều nhà hàng, khách sạn… cũng thường mua trưng bày ở trước cửa.

Linh vật ngoại lai được sản xuất hàng loạt ở làng đá Non Nước đang ế ẩm
Linh vật ngoại lai được sản xuất hàng loạt ở làng đá Non Nước đang ế ẩm

Con sư tử đá ngoại lai có hình mẫu giống con lân kiểu mới mà mấy năm gần đây bán rất chạy. Trước đây, cũng có mẫu lân kiểu cũ. Nhưng rồi khách người ta đem mẫu mới tới đặt hàng. Thấy mặt hàng bán chạy, các cơ sở mới bắt đầu làm hàng sẵn để khách đến chọn mua. Giờ đã có khuyến cáo của Bộ thì tất nhiên những mẫu linh vật ngoại lai không bán ra được nữa. Sản phẩm làm ra rồi bị ế, chắc chắn là mình gặp khó khăn rồi. Tìm mẫu sản phẩm nào để thay thế, chúng tôi vẫn đang tính ”.


Clip:Linh vật ngoại lai sản xuất sẵn hàng loạt ở Non Nước ế ẩm sau khuyến cáo không sử dụng biểu tượng, sản phẩm,linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam 

Theo thống kê của Ban Quản lý làng đá mỹ nghệ Non Nước, ở làng nghề hiện nay có khoảng 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ với hơn 3.000 lao động. Trong khoảng hơn 3.000 lao động thì có đến 60-70% là thợ chuyên làm nghề tạc tượng lân, sư. Mỗi năm sản phẩm làng đá bán ra được hơn 130 tỷ đồng, thì cũng hết 70% trong đó là doanh thu từ mặt hàng lân, sư. Mặt hàng trở nên ế ẩm, làng nghề chắc chắn gặp khó khăn.

Sau khuyến cáo không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại các di tích, công sở…, chính quyền địa phương cũng đã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con làng nghề chuyển đổi sản xuất mặt hàng thay thế linh vật ngoại lai. Song phải nói, chuyển đổi sản xuất mặt hàng nào, và thoát khỏi thực trạng khó khăn của làng nghề hiện nay không phải chuyện một sớm một chiều.

Ông Huỳnh Chín - Trưởng Ban Quản lý Làng đá mỹ nghệ Non Nước nói: “Chủ trương không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam là đúng. Và cho dù bây giờ không cấm sản xuất thì người thợ làng nghề cũng phải nghỉ tay. Vì sản phẩm làm ra không ai mua thì sản xuất để làm gì. Có khoảng 70% trong khoảng 3000 thợ làng nghề chuyên làm mặt hàng lân, sư sẽ gặp khó khăn. Vì thợ chuyên làm lân, sư muôn chuyển qua chế tác các sản phẩm khác của làng nghề như tượng Phật, Bồ Tát… cũng phải mất vài ba năm để thạo tay nghề chế tác sản phẩm.

Về định hướng mẫu sản phẩm thay thế thì rất khó. Sản phẩm làng nghề làm ra phải có người mua thì làng nghề mới sống được. Hiện những mẫu linh vật ngoại lai đã rơi vào tình trạng ế ẩm. Định hướng chuyển đổi mẫu sản phẩm thế nào, là năng lực của từng cơ sở sản xuất, và quan trọng là thị hiếu của thị trường. Quan trọng là vừa đảm bảo phù hợp thuần phong mỹ tục, vừa đáp ứng được thị hiếu của thị trường. Chứ làm ra mà không ai mua là thua”.

Khánh Hiền