Mãn nhãn với những cánh đồng na mênh mông ở Lục Nam-Bắc Giang

Ngọc Linh

(Dân trí) - Nếu có dịp về huyện Lục Nam- Bắc Giang chắc chắn bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng bạt ngàn trồng na dai. Nhiều năm nay cây na đã đem đến cho vùng đất này sự "thay da đổi thịt" đáng kể.

PV Dân Trí đã có dịp được trò chuyện với anh Nguyễn Thành Ngọc (Sinh năm 1991) là một người trẻ kế thừa kỹ thuật chăm sóc cây na nhiều năm nay từ gia đình. 

Mãn nhãn với những cánh đồng na mênh mông ở Lục Nam-Bắc Giang - 1

Cánh đồng na rộng lớn dưới chân núi Gốm, Bắc Giang (Ảnh: NVCC). 

Được biết anh Thành Ngọc đang chuẩn bị hoàn thành chương trình đào tạo Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Lào (Đại học Quốc gia Lào). Anh đã có 8 năm gắn bó với đất nước Lào. Tháng 3 vừa rồi anh Ngọc có dịp trở về Việt Nam. Do tình hình dịch Covid-19 phức tạp anh Ngọc không thể tiếp tục trở lại để học tập tại Lào nên đã dành thời gian ở nhà phụ giúp gia đình chăm sóc vườn na. 

Mãn nhãn với những cánh đồng na mênh mông ở Lục Nam-Bắc Giang - 2

Vườn na xanh tốt của gia đình anh Ngọc (Ảnh: NVCC).

Dù đã xa nhà lâu năm nhưng mọi kỹ thuật trồng và chăm sóc na anh Ngọc đều nắm rõ. Anh kể: "Mình về Việt Nam thì cũng là lúc na bắt đầu ra hoa, đến nay đã 4 tháng rồi, mình cũng phụ bố mẹ thụ phấn na, cắt tỉa, chăm bón, đến giờ thì na sắp được thu hoạch". 

Anh Ngọc cho biết, na là một giống cây không khó chăm sóc tuy nhiên phải nắm được đặc tính và các kỹ thuật cơ bản. Na là giống cây dễ bị úng nước, đặc biệt vào mùa mưa nếu như không chăm sóc cẩn thận và chăm sóc đúng kỹ thuật cây na sẽ bị úng rễ và chết. 

Mãn nhãn với những cánh đồng na mênh mông ở Lục Nam-Bắc Giang - 3

Cây na rất dễ úng nước nên cần có kỹ thuật chăm sóc đặc biệt (Ảnh: NVCC).

Theo anh Ngọc giai đoạn khi na thụ phấn và ra quả đạt kích thước bằng một quả trứng gà là lúc quả na hay bị muội và các loài rệp trắng phá hại nên trị rất khó, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng quả.

Chia sẻ về kỹ thuật khó nhất để na cho trái to, chất lượng và đạt năng suất anh Ngọc nói: "Thụ phấn cho na là công đoạn khó khăn, nhưng đó là vì nhiều người chưa biết cách làm thôi. Tiện đây mình cũng xin tiết lộ một kỹ thuật thụ phấn cho na đã được những người nông dân cùng trồng na trong vùng truyền tay nhau và gia đình mình cũng đang áp dụng. Kỹ thuật này không có nhà khoa học nào phát minh ra mà trong quá trình trồng và chăm sóc người nông dân tự chế tạo".

Mãn nhãn với những cánh đồng na mênh mông ở Lục Nam-Bắc Giang - 4

Quả na được đậu ở thân cây và các cành lớn mới đạt chất lượng tốt nhất (Ảnh: NVCC). 

Anh Ngọc làm một dụng cụ thụ phấn cho na bằng que tre và ống hút sữa. Vót que tre sao cho vừa ống hút sữa để tạo thành một ống xi lanh. Sau đó chọn những bông hoa mọc ở ngọn hoặc ở những cành không muốn lấy quả (đây là vị trí không thuận lợi để đậu quả và nuôi quả) nhẹ nhàng gỡ cách hoa ra và dùng xi lanh tách lấy bao phấn tròn từ những bông hoa này và đi thụ phấn cho những bông hoa ở thân cây, cành lớn để có thể nuôi quả na đạt chất lượng tốt nhất. 

Thời điểm thụ phấn hoa na dễ thành công nhất là vào buổi sáng sớm từ 8-9 giờ hoặc buổi chiều 16-17 giờ khi trời đã dịu mát. Có những hôm để thụ phấn cho hoa na anh Ngọc và gia đình phải ở vườn na đến tối muộn. 

Mãn nhãn với những cánh đồng na mênh mông ở Lục Nam-Bắc Giang - 5

Anh Ngọc phụ giúp gia đình chăm sóc vườn na trong thời gian chờ đợi được quay trở lại Lào học tập (Ảnh: NVCC).

"Nếu trồng na tự nhiên mà không tỉa, không chăm bón thì cây na sẽ mọc rất cao, khó thu hoạch, quả na để phát triển tự nhiên cũng sẽ nhỏ méo, ít thịt và không đạt năng suất. Làm theo phương pháp này hoa na đậu quả đạt được 70-80%", anh Ngọc tiết lộ. 

Trước đây ở làng Tó (xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) nơi anh Ngọc sinh sống, kinh tế người dân gần như phụ thuộc hoàn toàn vào việc trồng lúa, hoa màu. Tuy nhiên những loại cây trồng này lại không đem lại hiệu quả kinh tế cao nên bắt đầu từ khoảng những năm 2009-2010 người dân đã xin chuyển đổi mục đích cây trồng trên đất nông nghiệp bắt đầu với cây na.

Mãn nhãn với những cánh đồng na mênh mông ở Lục Nam-Bắc Giang - 6

Những quả na to, tròn trên cành sắp đến vụ thu hoạch (Ảnh: NVCC).

Từ một vùng đất quê với nhiều khó khăn về kinh tế, cây na đã đem lại cho gia đình anh Ngọc và nhiều bà con khác trong vùng một cuộc sống ổn định hơn. 

Với kỹ thuật chăm sóc, bón phân, thụ phấn như hiện nay những trái na đến kỳ thu hoạch đều có vẻ ngoài tròn, to, đạt chất lượng trung bình 3 quả/1kg. Có những quả na đạt đến chất lượng từ 500-700 gr, thậm chí có quả đạt gần 1kg. 

Mãn nhãn với những cánh đồng na mênh mông ở Lục Nam-Bắc Giang - 7

Con đường giữa bạt ngàn cánh đồng trồng na nơi anh Ngọc sinh ra và lớn lên (Ảnh: NVCC).

Ở nơi gia đình anh Ngọc sinh sống có ngọn núi Gốm, anh Ngọc tự hào nói: "Nhà mình và cả mấy làng khác đều trồng na quanh chân núi Gốm. Cây na đã giúp quê hương mình thay da đổi thịt từng ngày. Giờ mỗi lần về quê được đi giữa con đường xung quanh bạt ngàn những cánh đồng na trải dài tít tắp mình càng tự hào về quê hương. Không nơi đâu yên bình hơn là nhà".