Thanh Hóa:
Mái vòm cổng phía nam Thành nhà Hồ bị hư hỏng đã được tu sửa
(Dân trí) - Sau 8 tháng thực hiện tu sửa mái vòm phía nam Thành nhà Hồ, viên đá vỡ, tụt xuống vòm cổng thành được cố định về vị trí cũ, gia cố vững chắc. Toàn bộ cổng nam được làm sạch, loại bỏ các tác nhân gây hại như rêu, tảo, địa y, muối.
Ngày 16/8, Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả thực hiện dự án tu sửa cấp thiết mái vòm và bảo tồn cổng thành phía nam Di sản Thành nhà Hồ.
Thành nhà Hồ là kiệt tác thiên tài sáng tạo, đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, trong đó cổng thành phía nam nổi bật về giá trị nguyên gốc, độc đáo, tiêu biểu của tòa thành đá. Với kỹ thuật xây khô đá khối, ghép đá theo hình múi bưởi tạo vòm cuốn, cổng phía nam Thành nhà Hồ trường tồn cùng di sản.
Trải qua 622 năm, bề mặt đá cổng phía nam bị rêu, tảo, địa y tiết a-xít ăn mòn. Viên đá vỡ có trọng lượng khoảng 270 kg tụt xuống phía dưới vòm cuốn cổng thành khoảng 7 cm, tạo nguy hiểm cho khách tham quan. Được Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ tài chính, tư vấn, hướng dẫn của các chuyên gia trong nước và quốc tế, dự án tu sửa cấp thiết mái vòm và bảo tồn cổng phía nam Thành nhà Hồ được thực hiện cuối năm 2018 đến giữa năm 2019.
Sau 8 tháng tiến hành tu sửa, bằng biện pháp nghiệp vụ, các chuyên gia khảo cổ học, chuyên gia tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan trong và ngoài nước đã hoàn thành việc tu sửa. Kết quả viên đá vỡ, tụt xuống vòm cổng thành được cố định về vị trí cũ, gia cố vững chắc. Toàn bộ cổng nam được làm sạch, loại bỏ các tác nhân gây hại như rêu, tảo, địa y, muối.
Viên đá xếp theo hình múi bưởi bị vỡ, dần tụt khỏi vòm cuốn cổng Thành nhà Hồ.
Sau khi việc tu bổ hoàn thành cổng Nam được hoàn trả lại giá trị cổ kính với màu sắc, vân đá phong phú. Quá trình tu sửa các chuyên gia đã phát hiện ra các vết đục, khắc trên đá và lộ rõ được kỹ thuật vá đá tinh xảo thời Hồ, đá xếp vòm cuốn được chế tác hình múi bưởi nhằm chèn chặt, chống sụt cho vòm thành, đặc biệt đã áp dụng phương pháp xây khô. Qua đó thấy được giá trị độc đáo và nổi trội của Thành Nhà Hồ mà ít nơi nào có được.
Các chuyên gia cho rằng, với kết quả, kinh nghiệm tu sửa cổng nam Thành nhà Hồ cần được áp dụng cho việc trùng tu, bảo tồn các cổng phía bắc, phía đông, phía tây Di sản Thành nhà Hồ. Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục tạo nguồn kinh phí thực hiện bảo tồn các cổng thành còn lại; làm mái che-vọng lâu, trám, vá các mạch hở nhằm chống thấm triệt để từ trên mái cổng nam Thành nhà Hồ.
Được biết, Cổng phía nam Thành nhà Hồ có chiều dài 34,85 m, sâu 15 m và cao 10m, được xây dựng kiểu cuốn vòm với các phiến đá lớn hình chữ nhật bằng phẳng tạo thân cổng, các khối đá có mặt cắt hình thang cân (dân gian gọi là hình múi bưởi) tạo vòm cửa. Để thực hiện dự án bảo tồn, tu sửa khẩn cấp mái vòm cổng phía nam di sản Thành nhà Hồ, Quỹ bảo tồn văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ đã tài trợ 92.500 USD.
Bình Minh