"Mai" tiến gần mốc 500 tỷ đồng: Vì sao thương hiệu Trấn Thành "hốt bạc"?

Bích Phương

(Dân trí) - Giới chuyên gia phân tích nhiều lý do xoay quanh sự bùng nổ doanh thu phòng vé của "Mai" - tác phẩm do Trấn Thành đầu tư và đạo diễn.

Mai - tác phẩm của đạo diễn Trấn Thành - đang gây "sốt" thị trường phim Tết năm nay. Theo số liệu của Box Office Việt Nam - đơn vị thống kê độc lập, phim chạm mốc doanh thu 300 tỷ đồng chỉ sau 8 ngày ra rạp (vượt kỷ lục đạt 300 tỷ đồng trong 11 ngày của Nhà bà Nữ).

Đến hết ngày 18/2, phim có doanh thu 335 tỷ đồng. Mai được dự báo sẽ tiếp tục xác lập kỷ lục mới, thậm chí nhiều khả năng xô đổ kỷ lục doanh thu cao nhất lịch sử phim Việt của Nhà bà Nữ (475 tỷ đồng).

Theo giới chuyên gia, chiến thắng của Mai đến từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Mai tiến gần mốc 500 tỷ đồng: Vì sao thương hiệu Trấn Thành hốt bạc? - 1

Mai - bộ phim "cháy vé" mùa Tết Nguyên đán năm nay (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Trấn Thành - thương hiệu "bảo chứng phòng vé"

Từ "dân tay ngang", sau 4 năm lấn sân làm phim, Trấn Thành dần được công nhận là một trong những đạo diễn "bảo chứng phòng vé" của thị trường phim nội địa.

Khán giả và giới chuyên gia cho rằng lý do đầu tiên giúp Mai chiến thắng thị trường phim Tết vì đó là "phim của Trấn Thành". 

Ở nhiều phim điện ảnh, diễn viên là "bảo chứng" cho sự thành công của phim đó, là gương mặt kéo khán giả ra rạp. Tuy nhiên với Mai, không phải Phương Anh Đào hay Tuấn Trần là ngôi sao, mà chính Trấn Thành mới là cái tên có sức nặng nhất với khán giả.

Một bộ phận khán giả cho biết, họ có thể chưa rõ nội dung của Mai ra sao, nhưng chỉ cần là phim do Trấn Thành đạo diễn, thì người xem sẵn sàng bỏ tiền mua vé để thỏa mãn sự yêu thích và đôi khi là... trí tò mò.

Mai tiến gần mốc 500 tỷ đồng: Vì sao thương hiệu Trấn Thành hốt bạc? - 2

Sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng của Trấn Thành giúp phim kéo khán giả ra rạp (Ảnh: Facebook nhân vật).

Chuyên gia Nguyễn Phong Việt chia sẻ với phóng viên Dân trí: "Qua quá trình xây dựng thương hiệu, Trấn Thành khiến những khán giả từng xem Bố già hay Nhà bà Nữ đến mùa phim Tết năm nay tiếp tục chọn Mai, mà không phải phim khác.

Bỏ qua câu chuyện yêu ghét cá nhân, rõ ràng nhìn tổng thể thị trường, số đông khán giả tin tưởng phim của Trấn Thành".

Theo chuyên gia, chưa cần nói đến câu chuyện thắng bại doanh thu, chỉ cần nhìn vào mức độ đầu tư cho từng tác phẩm thì Trấn Thành đang chứng tỏ anh là đạo diễn chỉn chu khi làm nghề.

Ông Nguyễn Phong Việt dẫn chứng việc Trấn Thành "mạnh tay" đầu tư 50 tỷ đồng để sản xuất một bộ phim tình cảm. "Mức độ đầu tư về tâm sức cộng với tài năng của Trấn Thành giúp các bộ phim của Thành tạo nên một tiêu chuẩn cao hơn phần còn lại của thị trường.

Thông thường, phim tâm lý tình cảm tương tự Mai chỉ cần khoảng 25 tỷ đồng sản xuất, nhưng Trấn Thành bỏ ra con số gấp đôi để đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh, góc quay. Tôi nghĩ Thành biết rằng để niềm tin của khán giả tiếp tục được nuôi dưỡng thì cậu ấy cần phải làm sao cho sản phẩm tốt nhất có thể", ông Việt cho hay.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Nhiều ý kiến cho rằng việc Trấn Thành đầu tư làm phim Tết là lựa chọn khôn ngoan bởi khán giả Việt nhìn chung vẫn ủng hộ phim Việt, sẵn sàng ra rạp để thưởng thức phim dịp Tết.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc nội dung CGV Việt Nam - nhận định Tết là thời điểm quan trọng, là miếng bánh "béo bở" với thị trường phim.

Ở góc độ nhà phát hành, các cụm rạp luôn lựa chọn kỹ lưỡng các sản phẩm phim chiếu Tết để phục vụ khán giả. Với các nhà làm phim, họ cũng có nhiều tính toán để khởi chiếu thuận lợi vào mùa Tết Nguyên đán.

"Dịp Tết, khán giả Việt Nam ra rạp nhiều hơn các thời điểm khác trong năm. Mọi người có thói quen dẫn gia đình, người thân, bạn bè ra rạp để trò chuyện, giải trí", ông Hải cho hay.

Mai tiến gần mốc 500 tỷ đồng: Vì sao thương hiệu Trấn Thành hốt bạc? - 3

Trấn Thành giao lưu với khán giả tại buổi chiếu "Mai" ở Hà Nội (Ảnh: Facebook nhân vật).

Bên cạnh việc lựa chọn thời điểm ra rạp cho Mai, giới chuyên môn cũng đánh giá thành công của bộ phim đến từ việc chất lượng bộ phim hơn hẳn phần còn lại của đường đua Tết.

Chuyên gia Nguyễn Phong Việt đưa ra quan điểm: "Chất lượng thị trường phim Tết năm nay khá tệ. Từ Gặp lại chị bầu cho đến các phim ngoại, không có đối thủ nào mạnh đủ để cản đường phim của Trấn Thành. Đến nay, khoảng 80% doanh thu phim Tết năm do Mai nắm giữ, 20% thuộc về các phim còn lại".

Ông Việt cho biết thông thường các bộ phim điện ảnh sau 1 tuần ra rạp sẽ giảm suất chiếu, nhưng Mai ngược lại. Ban đầu, phim có khoảng gần 4.000 suất chiếu mỗi ngày, song nay lại tăng lên hơn 5.000 suất chiếu/ngày. Đồng thời, các phim khác cũng bị thu hẹp số lượng suất chiếu.

Việc tăng giảm suất chiếu mỗi ngày do các nhà rạp điều chỉnh, dựa vào nhu cầu thực tế của khán giả. Theo đó, số suất chiếu của Mai sẽ còn có khả năng tăng nếu tỷ lệ lấp đầy tốt, lượng vé đặt trước cao.

"Với tốc độ doanh thu hiện tại, cột mốc kỷ lục 500 tỷ đồng là điều có thể đạt được sớm", ông Nguyễn Phong Việt dự đoán.

"Hốt bạc" nhờ nắm bắt trúng tâm lý khán giả 

Với truyền thông và mạng xã hội, các phim có Trấn Thành tham gia (dù là vai trò diễn viên hay đạo diễn) luôn là chủ đề được bàn tán. Ở Mai, câu chuyện phim "hay hay dở", "đáng tiền hay không đáng tiền" vẫn tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi.

Nhiều người nhận định Trấn Thành thắng lớn nhờ biết cách chọn đề tài làm phim, chọn cách kể chuyện trúng tâm lý, thị hiếu số đông khán giả.

"Phim là tác phẩm nghệ thuật, hay hay dở là tùy vào các đối tượng khán giả khác nhau. Mỗi nhà sản xuất phim đều có những nghiên cứu đánh giá về tiềm năng khán giả để sản xuất nên bộ phim phù hợp với nhóm khán giả đó.

Truyền thông thành công là cú huých để phim tăng vọt doanh thu, nhưng nội dung phim vẫn là quan trọng nhất", ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc nội dung CGV Việt Nam - đưa ra nhận định.

Mai tiến gần mốc 500 tỷ đồng: Vì sao thương hiệu Trấn Thành hốt bạc? - 4

Nội dung phim dễ tiếp cận, phù hợp số đông khán giả Việt (Ảnh: Chụp màn hình).

Mai khai thác chủ đề tình yêu "chị em" lệch tuổi, khoảng cách giàu - nghèo, nam nữ chính đối mặt nhiều thử thách, kèm nhiều câu thoại triết lý về tình yêu, cuộc sống. Đề tài này đã có rất nhiều trên màn ảnh Việt Nam, Hàn Quốc, nhưng vì sao vẫn hút khách?

Nhiều khán giả đánh giá việc Trấn Thành chọn nhân vật nữ chính là người yếu thế, khát khao có được tình yêu ở độ tuổi gần 40, cho thấy sự thông minh của nam nghệ sĩ. Ở góc độ tâm lý đám đông, khán giả sẽ có cảm xúc mạnh, dễ khóc, dễ cười, dễ cổ vũ, đồng cảm và bênh vực nhân vật.

Mai tiến gần mốc 500 tỷ đồng: Vì sao thương hiệu Trấn Thành hốt bạc? - 5

Phương Anh Đào trong vai "Mai" - nữ chính của phim (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Chuyên gia Nguyễn Phong Việt cho biết, nội dung của Mai không mới mẻ, thậm chí dễ đoán. Tuy nhiên, đề tài phim về tình yêu có biên độ rất rộng. Dù điện ảnh đã khai thác nhiều, nhưng nó vẫn là chủ đề thú vị nếu đạo diễn biết kể một câu chuyện hay.

"Theo tôi, Trấn Thành biết cách làm khán giả khóc cười với số phận nhân vật. Ở đây, khóc, cười đều tự nhiên chứ không phải khiên cưỡng, gượng ép. Ví dụ, phần kết của Mai khi nhân vật nữ chính khóc tức tưởi, ở góc độ chuyên môn, theo tôi đó là cảm xúc không phù hợp với đường dây mà phim đã xây dựng cho nhân vật, cảnh kết của phim không "đã".

Nhưng nhiều người thích cảnh đó, cảm thấy "vỡ òa" vì đồng cảm với nhân vật, cho thấy Trấn Thành làm tốt việc nhìn vào cảm xúc của số đông khán giả", ông Việt nói thêm.

Ông Việt cho rằng vẫn có những lỗi logic trong kịch bản, cách khai thác nhân vật trong phim... Song, phần lớn người xem đều không thấy tiếc tiền, phí thời gian hay cho rằng mình bị đạo diễn "lừa" bởi tác phẩm vừa vặn với gu thưởng thức số đông. 

Mai tiến gần mốc 500 tỷ đồng: Vì sao thương hiệu Trấn Thành hốt bạc? - 6

Trấn Thành, Phương Anh Đào và Tuấn Trần trong hậu trường ghi hình "Mai" (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có ý kiến cho rằng việc Mai thắng lớn doanh thu là nhờ "một mình một ngựa" trên đường đua dịp Tết. Khán giả không có lựa chọn nào khác để xem vì Trấn Thành gần như "độc chiếm" phòng vé. 

Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân nhận xét về bộ phim trên trang cá nhân: "Về nghệ thuật, phim khá hơn những phim trước đây của Trấn Thành, là một bước tiến mới của anh, thỏa mãn công chúng bình dân. Nhưng nội dung phim bình thường, lấy ý tưởng từ nhiều phim khác, thành lẩu thập cẩm.

Vấn đề quan trọng nhất: Phim Việt giải trí chiếu Tết như Mai thì điện ảnh Việt Nam sẽ đi về đâu, nhất là khi TPHCM đang muốn trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh?".

Một số ý kiến nhận định Trấn Thành và ê-kíp khôn ngoan khi chọn một cái kết gây tranh cãi, giúp bộ phim được thảo luận nhiều hơn, từ đó lan tỏa sức mạnh của "tiếp thị truyền miệng".

Về vấn đề này, biên kịch Nguyễn Thanh Bình - người chấp bút kịch bản Mai - trao đổi với phóng viên Dân trí: "Khi chọn cái kết bi (kết thúc buồn - PV), khác với kiểu kết hạnh phúc quen thuộc, đội ngũ sáng tạo đã tranh luận rất nghiêm túc và lâu dài.

Nhưng Trấn Thành đã chọn cái kết mà ê-kíp tin là tốt nhất cho tác phẩm này. Sự hợp lý sẽ phù thuộc vào điểm nhìn của mọi người. Nó hợp lý với người này nhưng bất hợp lý với người khác. Và chính điều đó tạo ra tranh luận thú vị". 

Trước ý kiến cho rằng Trấn Thành thắng doanh thu không phải vì kịch bản hay mà nhờ kế hoạch truyền thông, Nguyễn Thanh Bình nói: "Tôi tin khán giả hiện nay là những người tiêu dùng thông minh. Họ thừa biết cách chọn một bộ phim tốt để ủng hộ và rủ rê mọi người xem cùng. Và tôi tin một chiến dịch truyền thông sẽ không thể cứu nổi một phim dở".