"Mạch nguồn Ví, Giặm" - chương trình tôn vinh 5 nhạc sĩ tài hoa xứ Nghệ

Hương Hồ

(Dân trí) - "Mạch nguồn Ví, Giặm" do Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra vào tối 14/5, là chương trình phi lợi nhuận. Nhằm tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh các nhạc sĩ tài hoa của quê hương Nghệ An.

Chương trình mong muốn khắc họa chân dung nghệ thuật của 5 nhạc sĩ: Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn Trọng Tạo và An Thuyên. Đây là các nhạc sĩ đã có nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng và đóng góp rất lớn cho nền âm nhạc Việt Nam.

Mạch nguồn Ví, Giặm do NSND Nguyễn Tiến Thọ tổng đạo diễn, nhạc sĩ An Hiếu - con trai cố nhạc sĩ An Thuyên làm cố vấn nghệ thuật, Đài TH Nghệ An chịu trách nhiệm sản xuất, với sự góp mặt của các ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi: Thanh Lam, Phạm Phương Thảo, Tiến Lâm, Đức Long, Anh Thơ, Bùi Lê Mận, Huyền Trang…

Mạch nguồn Ví, Giặm - chương trình tôn vinh 5 nhạc sĩ tài hoa xứ Nghệ - 1
Chương trình nghệ thuật "Mạch nguồn Ví, Giặm" tôn vinh 5 nhạc sĩ tài hoa của quê hương xứ Nghệ: Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn Trọng Tạo và An Thuyên (Ảnh: Ban Tổ chức).

Chương trình nghệ thuật do nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội đã đầu tư nhiều thời gian, công sức và nung nấu suốt 2 năm qua. Ý tưởng này đã được Ban Thường vụ Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội, các đồng chí nguyên lãnh đạo Hội, các doanh nhân xứ Nghệ, tất cả đều đánh giá đây là sự kiện nên làm, cần làm và nhiệt tình ủng hộ.

Thông tin tới báo chí trong buổi gặp gỡ chiều 9/4, ông Lê Doãn Hợp chia sẻ, trong những lần đi viếng các nhạc sĩ tài ba của xứ Nghệ trên cương vị Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội, ông đã được nghe những giai điệu bất hủ của những người vừa nằm xuống. Là người nhiều năm hoạt động văn hóa, trong ông đã lóe lên một ý tưởng… từ trái tim mình, ông lắng nghe những giai điệu da diết.

Từng làm Bộ trưởng Bộ TT&TT nên hơn ai hết ông Lê Doãn Hợp hiểu rằng, nhắc đến văn hóa xứ Nghệ không thể không nhắc đến dân ca và ngược lại, khi nói đến dân ca xứ Nghệ là đang nói đến một biểu hiện đặc trưng của văn hóa truyền thống nơi đây. Những nhạc sĩ kể trên trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật đã đóng góp không nhỏ cho nền âm nhạc nước nhà, có nhiều tác phẩm hay về quê hương.

Với ông, cả 5 nhạc sĩ đều tài hoa ngang nhau, ông đã có khoảng thời gian cùng sinh hoạt với họ và càng đi cùng họ, ông càng cảm thấy quý mến và trân trọng.

Ông Lê Doãn Hợp chia sẻ thêm, đêm nhạc tôn vinh 5 nhạc sĩ cũng là tôn vinh dân ca Ví, Giặm và tôn vinh mảnh đất xứ Nghệ đã sản sinh ra những người nhạc sĩ tài hoa ấy. Đồng thời, khuyến khích, động viên các nhạc sĩ trẻ vươn lên để xứng danh với các thế hệ cha ông mình.

Mạch nguồn Ví, Giặm - chương trình tôn vinh 5 nhạc sĩ tài hoa xứ Nghệ - 2
Ban Tổ chức thông tin về chương trình tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 9/4 (Ảnh: H.S).

Ban đầu, chương trình dự định được đặt tên là Đồng vọng Sông Lam nhưng bàn đi, tính lại thấy cần phải có tên chương trình dân dã, gần gũi nên đã đổi thành Mạch nguồn Ví, Giặm. Mọi khâu tổ chức đều phải quy mô, chuyên nghiệp, chú trọng đến chất lượng chuyên môn. Nhà tổ chức sự kiện cùng đại diện 5 gia đình nhạc sĩ tuyển chọn nhạc phẩm, ca sĩ thể hiện.

Đặc biệt Mạch nguồn Ví, Giặm là một chương trình nghệ thuật của các tên tuổi lớn từ nhạc sĩ, ca sĩ, đạo diễn, cố vấn nghệ thuật, được tổ chức tại một địa điểm sang trọng Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô nhưng Ban Tổ chức chương trình quyết định không bán vé.

Công tác vận động tài trợ được Ban Tổ chức huy động ráo riết từ rất nhiều nguồn khác nhau. Từ những bạn sinh viên góp 200 nghìn tiền ăn sáng đến lão tướng Nguyễn Quốc Thước 98 tuổi (5 triệu đồng) ngày nào cũng điện hỏi thăm, lo lắng kinh phí tổ chức thiếu. Các doanh nhân xứ Nghệ tại Hà Nội và trong cả nước đã và đang chung tay cho sự kiện âm nhạc lớn và đầy ý nghĩa.

Theo ông Lê Doãn Hợp, 1.100 giấy mời sẽ được chuyển đi. "Tôi và Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội mong muốn mọi người, nhất là thế hệ trẻ, sinh viên nghèo đều có cơ hội được tham gia vào một chương trình nghệ thuật đặc sắc diễn ra vào đúng thời điểm kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5.

Đến nay, mọi công tác gần như hoàn tất. Khó khăn không chỉ về mặt kinh phí khi hiện tại vẫn còn thiếu 250 triệu nữa, và rất nhiều khó khăn khác, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm và chịu trách nhiệm.

Chỉ mong sao người chê trách ít hơn, người cảm thông nhiều hơn và người yêu thương đông hơn, còn một chương trình thỏa mãn được tất cả thì rất khó", ông Lê Doãn Hợp bày tỏ.

Mạch nguồn Ví, Giặm - chương trình tôn vinh 5 nhạc sĩ tài hoa xứ Nghệ - 3
PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương chia sẻ tại buổi gặp gỡ (Ảnh: H.S).

Đại diện gia đình nhạc sĩ An Thuyên, bà Huyền Lâm chia sẻ, đây là hạnh phúc của gia đình, cũng là niềm mong mỏi của người dân xứ Nghệ. "Tôi luôn tự hào về điều này và biết ơn tình cảm của Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội, cảm ơn khán giả yêu nhạc cả nước. Các tác phẩm trong chương trình nói riêng và các bài hát viết bởi các nhạc sĩ xứ Nghệ nói chung đều xuất phát từ tình yêu, mạch nguồn âm nhạc chảy mãi. Mặc dù viết từ Nghệ An, nhưng các tác phẩm như viết cho thiên nhiên, con người ở mọi vùng miền đất nước. Hy vọng âm nhạc của các nhạc sĩ sẽ đáp ứng tình cảm của nhiều khán giả hôm nay".

Còn với nhạc sĩ Thụy Kha, ông cho rằng những con người được tôn vinh trong chương trình chính là "ngũ hành vàng của xứ Nghệ", tri ân họ không gì đẹp hơn và ý nghĩa hơn là bằng âm nhạc.  

Theo PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, chương trình chỉ là một phần nhỏ trong gia tài âm nhạc đồ sộ mà 5 nhạc sĩ để lại nhưng là tình cảm trân trọng, phản ánh được bản sắc, truyền thống của người Nghệ, văn hóa Nghệ trong cộng đồng dân tộc…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm