Mạc Ngôn “hút hồn” báo giới Stockholm vì sự hài hước
(Dân trí)– Tới thủ đô Stockholm của Thụy Điển để chuẩn bị nhận giải Nobel, Mạc Ngôn vẫn giữ phong cách giản dị, kiệm lời nhưng rất sâu sắc. Trước mỗi câu hỏi dù là đơn giản nhất của cánh phóng viên, ông đều có câu trả lời thú vị, có khi khiến người nghe bật cười.
Mạc Ngôn tại Stockholm, Thụy Điển
Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn hiện đã có mặt ở thành phố Stockholm, Thụy Điển để chuẩn bị dự lễ trao giải Nobel 2012 diễn ra vào ngày 10/12 tới. Khi tới Thụy Điển, ông đã bị lực lượng an ninh ở sân bay yêu cầu bỏ thắt lưng và giày ra để họ kiểm tra. Khi được hỏi ông có cảm giác thế nào về chuyện này, Mạc Ngôn nói rằng đây là việc cần thiết và nên làm.
Mạc Ngôn trong cuộc phỏng vấn trước giới báo chí các nước đã tỏ ra vô cùng hài hước với tất cả các câu hỏi được đưa ra. Khi trả lời về ý nghĩa giải Nobel đối với ông, Mạc Ngôn cho rằng “giải thưởng này mang ý nghĩa cá nhân nhiều hơn” nhưng nhờ nó mà ông được giới trẻ quan tâm. Khi ông đạp xe trên phố, có những cô gái trẻ nhận ra, chạy theo và muốn ông dừng lại để chụp hình lưu niệm với họ.
Cuộc sống của ông đã thay đổi nhiều kể từ sau khi giành giải. “Trước đây, chẳng ai biết tôi là ai, hàng ngày tôi vẫn đạp xe thong dong trên đường phố Bắc Kinh, chẳng ai ngoái nhìn lại bao giờ, nhưng giờ thì khác, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi.”
Khi nhìn thấy những cô gái trẻ vất vả chạy theo phía sau chỉ để xin chụp ảnh cùng, Mạc Ngôn lúc đó mới nhận ra “Tôi đã là người nổi tiếng”. “Giải thưởng này theo tôi mang ý nghĩa cá nhân nhiều hơn, nhưng tôi tin nó sẽ giúp gia tăng mức độ quan tâm của người dân Trung Quốc đối với nền văn học nước nhà. Về phía truyền thông, sự chú ý của họ có thể sẽ là một sự hạn chế lớn đối với tôi”.
Cánh phóng viên thường “trường kỳ đóng quân” trước nhà ông, đến nỗi vợ ông phải ra mời họ vào dùng bữa. “Bố tôi luôn nhắc nhở rằng ‘Mạc Ngôn, con là con trai của một người nông dân’. Điều này không bao giờ thay đổi dù tôi có giành được giải Nobel. Tôi thấy kỳ lạ lắm khi người ta chạy theo xin chữ ký. Tôi vốn là một người giản dị thôi mà.”
Năm nay, ông cũng lọt vào danh sách những nhà văn giàu nhất Trung Quốc với số tiền tác quyền thu về gần 21,5 triệu tệ (tương 72 tỉ VND). Khi được hỏi cảm giác của ông thế nào, Mạc Ngôn nói: “Người ta bảo thu nhập năm qua của tôi là 21,5 triệu tệ, tôi liền đến ngân hàng kiểm tra thì thấy đâu có nhiều thế. Chẳng hiểu tiền đã được gửi đi đâu”.
Mạc Ngôn cho biết những tác phẩm của ông không chỉ xoay quanh một đề tài duy nhất, nó cũng thay đổi theo những khía cạnh khác nhau. Ông đánh giá rất cao điều này: “Tìm kiếm sự thay đổi là mục tiêu của những người sáng tạo nghệ thuật và đó cũng là điều hiển nhiên vì cách tư duy của chúng ta sẽ tự khắc thay đổi theo thế giới không ngừng biến động. Chẳng có nhà văn nào là không thay đổi trong suốt quá trình cầm bút”.
Mạc Ngôn trong buổi họp báo với trang phục được thiết kế riêng cho chuyến đi tới Thụy Điển
Theo ông, chìa khóa để viết nên một tác phẩm lớn nằm ở chỗ liệu người cầm bút có vượt lên được những định kiến giai cấp và chính trị của bản thân không. “Phải biết thương xót con người, thương cả những người mà sau lưng ta, họ có thể sẽ phê phán, chỉ trích dữ dội.”
Đứng trước những lời chỉ trích của nữ nhà văn người Đức gốc Romania từng nhận giải Nobel Văn học 2009 – bà Hertha Muller, Mạc Ngôn tỏ ra rất bình thản. Bà Muller từng gọi Mạc Ngôn là “kẻ tán dương văn học kiểm duyệt”. Các tác phẩm của bà thường vấp phải sự kiểm duyệt gắt gao của Romania và năm 1987, bà đã bỏ quê hương để tới sống lưu vong ở Đức.
“Sẽ là nói dối nếu một nhà văn bảo anh ta sẽ viết được những tác phẩm vĩ đại nếu hoàn toàn được tự do viết lách. Và cũng là dối trá nếu anh ta nói có thể viết nên những tác phẩm vĩ đại nếu phải chịu sức ép từ một nền văn học bị kiểm duyệt gắt gao. Vấn đề không nằm ở tự do hay không mà ở chiều sâu suy nghĩ của nhà văn cũng như tình cảm trong trái tim anh ta.”
Sau đó, ông cũng giải thích câu chuyện đằng sau bút danh "Mạc Ngôn". Theo đó, tên thật của ông là Quản Mô Nghiệp. Chữ “Mô” trong tiếng Hán gồm bộ Ngôn và chữ Mạc, ông ghép lại thành Mạc Ngôn với ý nghĩa kiệm lời. Được biết khi còn bé, nhà văn thường khiến cha mẹ phiền lòng vì hay nói năng bừa bãi, họ khuyên ông nói ít hơn. Sau này lớn lên, ông lấy “kiệm lời” làm phương châm sống. “Làm một nhà văn, nếu nói nhiều sẽ khó lòng sáng tác hay. Những lời cần nói nên được đặt trong trang viết”.
Khi được hỏi ông muốn giới thiệu cuốn sách nào nhất tới các độc giả phương Tây, Mạc Ngôn đã chọn cuốn “Sống đọa thác đày” từng được ông viết năm 2006 trong đó khái quát cuộc sống của người nông dân Trung Quốc suốt nửa sau của thế kỷ 20. “Nó phản ánh sự thay đổi trong lịch sử đương đại Trung Quốc”.
Về vấn đề kiểm duyệt tác phẩm, một vấn đề luôn nóng hổi và gây tranh cãi trong giới văn chương, Mạc Ngôn cho biết ông không thích sự kiểm duyệt chút nào nhưng nó là điều cần thiết tương tự như sự kiểm duyệt an ninh ở sân bay vậy, và điều đó tồn tại ở tất cả các quốc gia.
“Tôi thấy kinh sợ tất cả những thể loại kiểm duyệt, tương tự như việc tôi không thích phải bước qua khu kiểm tra an ninh mỗi khi vào đại sứ quán hay chuẩn bị lên máy bay. Người ta yêu cầu bạn phải bỏ thứ này thứ kia ra để kiểm tra. Nhưng kiểm duyệt cũng là để duy trì sự an toàn và vì thế nó rất cần thiết. Những hình thức kiểm duyệt theo tôi, tồn tại ở mọi quốc gia, chỉ là bằng cách nào thôi, đương nhiên chuẩn mực và tiêu chí giữa các nước sẽ khác nhau.”
Trước khi Mạc Ngôn tới Stockholm, ông đã tỏ ý muốn mặc tuxedo trong buổi lễ trao giải nhưng mọi người đều muốn ông mặc trang phục truyền thống, trong những ngày này ông thường xuất hiện trong bộ vest đen và áo sơ mi mang hơi hướng truyền thống với những hình chữ triện in tên ông. Những đồ ông mặc được biết do một nhà thiết kế thời trang hàng đầu Trung Quốc làm riêng dành tặng ông cùng vợ và con gái để sử dụng trong chuyến đi đặc biệt này.
Mạc Ngôn đã có vài ngày ở Stockholm trước khi ông chính thức nhận giải thưởng Nobel Văn học vào thứ hai tới. Ông sẽ nhận giải cùng với những nhà khoa học được vinh danh trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, kinh tế, y học…