Mặc bikini tiếp thị bị phạt nặng, còn cởi trần bán hàng thì sao?

(Dân trí) - Vụ mặc bikini nhảy múa phản cảm ở công viên Đầm Sen bị phạt mức cao nhất 45 triệu đồng. Trước đó, một số nhà hàng, siêu thị tại Hà Nội cũng từng bị phạt 40 triệu đồng vì để nhân viên mặc bikini bưng đồ ăn, tiếp thị sản phẩm….

Chiều 12/6, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã đưa ra mức phạt cao nhất đối với Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen là 45 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong một tháng vì để xảy ra màn biểu diễn nhảy múa khêu gợi trước trẻ con gây bức xúc trong dư luận. Không chỉ để nghệ sĩ mặc bikini nhảy múa phản cảm, mà chương trình biểu diễn này còn chưa được cấp phép.

Một nhà hàng ở Hà Nôi bị phạt 40 triệu đồng vì để nhân viên mặc bikii bê đồ ăn phục vụ khách hàng.
Một nhà hàng ở Hà Nôi bị phạt 40 triệu đồng vì để nhân viên mặc bikii bê đồ ăn phục vụ khách hàng.

Đây không phải lần đầu tiên, việc mặc bikini biểu diễn, quảng cáo phản cảm bị xử phạt gây ồn ào dư luận. Trước đó, ngày 28/4/2016, một siêu thị điện máy trên đường Phạm Hùng, Hà Nội cũng sử dụng người mẫu mặc bikini “mát mẻ” tiếp thị sản phẩm. Hành vi quảng cáo phản cảm này đã bị Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội xử phạt 40 triệu đồng.

Ngày 12/5/2016, Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội cũng ra quyết định xử phạt một nhà hàng khu vực Cầu Giấy, Hà Nội mức phạt 40 triệu đồng vì để nhân viên mặc bikini rót bia, bưng đồ ăn cho khách.

Và ngày 13/8/2016, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội vừa ra quyết định xử phạt hành chính 6 triệu đồng đối với một công ty điện thoại di động vì để người mẫu ăn mặc hở hang vào lồng kính diễu phố nhằm quảng cáo điện thoại.

Từ những màn phạt “mặc bikini”, lại nghĩ tới trào lưu thuê “trai đẹp” cởi trần bán hàng, phục vụ đồ ăn mới xuất hiện tại Hà Nội. Việc các đơn vị kinh doanh sử dụng các cô gái mặc bikini bán hàng bưng bê đồ ăn, nhảy múa phản cảm đều bị phạt năng, vậy cởi trần bán hàng sẽ bị xử phạt như thế nào?

Việc thuê trai đẹp cởi trần bán hàng bị xử lý thế nào?
Việc thuê "trai đẹp" cởi trần bán hàng bị xử lý thế nào?

Theo nhà văn Trần Thị Trường việc thuê đàn ông cởi trần bán hàng “giống hệt” việc các cô gái mặc bikini bán hàng, bưng bê đồ ăn gây xôn xao dư luận trước đây. “Về mặt bản chất, hai việc đó giống nhau. Lấy sự hấp dẫn của cơ thể người để gây chú ý cho cộng đồng với mục tiêu thu hút khách hàng để kinh doanh được dễ dàng, hoặc hiệu quả hơn. Việc này vi phạm vào đạo đức kinh doanh”, nhà văn Trần Thị Trường nói.

Luật sư Trần Đình Triển, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân thì khẳng định: “Để chấm dứt việc kinh doanh bằng cách thuê người ăn mặc nhố nhăng, phản cảm như trên để thu hút khách hàng thì cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý có thẩm quyền. Với hình thức quảng cáo trái pháp luật như trên, cơ quan có thẩm quyền cần kiểm tra, lập biên bản và có thể xử phạt hành chính”.

Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng ngày 13/6, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch cho biết hiện thanh tra Sở đã vào cuộc và đang đợi giải trình từ phía các nhà hàng, salon tóc để diễn ra việc nhân viên cởi trần bán hàng, gội đầu, sấy tóc… cho khách hàng.

“Hiện thanh tra Sở đang làm việc, yêu cầu phía các đơn vị kinh doanh giải trình về vụ việc. Kết quả về quá trình kiểm tra, xử lý sẽ được báo cáo lại”, ông Tô Văn Động cho biết.

Tuy nhiên từ quan điểm cá nhân, ông Tô Văn Động chia sẻ sự việc “trai đẹp cởi trần” này không giống những vụ việc mặc bikini bán hàng, quảng cáo khác. Nhưng, việc sai phạm đến đâu sẽ có hình thức xử lý và mức độ cụ thể.

Nguyễn Hằng