Lý giải sự biến mất bí ẩn của "chàng khờ" Tạ Ngọc Bảo trong Thương nhớ đồng quê

Thành công liên tục với những vai ấn tượng, Tạ Ngọc Bảo như ngôi sao vụt sáng rồi "biến mất" trên bầu trời điện ảnh suốt nhiều năm.

Nhắc đến những vai diễn đảm nhận, hầu như diễn viên nào cũng mơ ước được thử sức: Nhâm trong Thương nhớ đồng quê, Dũng trong Chiếc chìa khóa vàng, Mạnh trong Vũ khúc con cò, Đạt trong Vào Đời...

Chàng sinh viên quê vụt sáng với vai diễn đầu tay

Những diễn viên kỳ lạ của màn ảnh Việt - 7

Tạ Ngọc Bảo với vai Nhâm trong Thương nhớ đồng quê

Bảo nhận vai diễn đầu tiên khi mới học năm thứ nhất trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Lúc bấy giờ, phó đạo diễn Nhuệ Giang đến trường tuyển diễn viên cho phim Thương nhớ đồng quê. Bà chọn Bảo dù biết anh học không giỏi.

Nhắc đến việc Tạ Ngọc Bảo được chọn vào vai diễn này cũng là một sự lạ kỳ.

Nhâm - chàng thanh niên nông thôn 17 tuổi có tâm hồn trong trẻo, thích làm thơ chính là linh hồn, là người kể câu chuyện của Thương nhớ đồng quê... Tìm được một diễn viên phù hợp, thể hiện chân thực và truyền cảm vai diễn này đến người xem thực sự không phải là một việc dễ dàng...

Trong quãng thời gian chuẩn bị bấm máy Thương nhớ đồng quê, sau một hành trình dài qua nhiều trường nghệ thuật mà không tìm được gương mặt nào phù hợp, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã quyết định dừng lại ở Tạ Ngọc Bảo - một thanh niên quê Thường Tín, khi ấy chưa từng đóng phim...

Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhớ lại "Đi tìm Tạ Ngọc Bảo rất khó. Nữ đạo diễn Nhuệ Giang phát hiện đã phát hiện ra Bảo ở một lớp học của đoàn chèo Hà Nội. Cô giáo của Bảo nói với chúng tôi là cô cảm thấy lo bởi “nói thực với anh là Bảo học kém nhất lớp”. Chúng tôi bảo biết đâu kém về chèo nhưng Bảo lại giỏi về điện ảnh nên cô cứ cho tôi thử và như các bạn biết là Bảo thử thành công. Khi chiếu phim, tôi mời cô giáo đi xem. Cô giáo bảo ừ lạ thật, bây giờ cứ có cháu nào kém về chèo thì em sẽ giới thiệu sang...",

Không được đào tạo chuyên về diễn xuất nhưng Tạ Ngọc Bảo bằng bản năng, bằng những cảm nhận, trải nghiệm riêng có và sự chịu khó học hỏi dưới hướng dẫn của êkip đã chứng minh niềm tin của đạo diễn được đặt đúng chỗ. Nhâm qua diễn xuất của Tạ Ngọc Bảo đã chạm được vào trái tim người xem bằng câu chuyện, ánh mắt và cả sự nhạy cảm, đậm chất làng quê của mình.

Và Bảo đã vụt sáng với vai anh nông dân Nhâm khờ khạo khi bước vào tuổi 17. Bộ phim đã đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước khiến tên tuổi Bảo nổi như cồn. Anh được mời sang Ấn Độ tham dự liên hoan phim và nhận được khá nhiều lời mời đóng phim trong Nam, ngoài Bắc của các đạo diễn tên tuổi.

Và nỗi niềm người nổi tiếng

 

 

Chiếc Chìa Khóa Vàng Ảnh số - 1

 

Tạ Ngọc Bảo cùng đoàn làm phim Chiếc chìa khóa vàng

 

 

Thế nhưng mấy ai biết cuộc sống của người nổi tiếng như thế nào. Phía sau ánh hào quang màn bạc là nhiều điều cay đắng không lường trước được. Người nổi tiếng ấy thường đi xem phim "miễn phí" ở Hội Điện ảnh, đọc sách báo do bạn bè tặng, khi phim phát sóng, anh đã tiêu hết cát-sê từ lâu.

"Thời gian đóng phim vui nhưng ngắn ngủi, còn lại là chuỗi ngày bếp bênh", Bảo thổ lộ. Thế nên sau khi tốt nghiệp, anh làm quen với công việc thư ký trường quay. Cẩn thận và chịu khó nên chỉ sau vài phim, anh đã thành thạo. Mỗi năm anh làm 4-5 phim, kể cả công việc thư ký trường quay nhưng thù lao không đủ trang trải cuộc sống.

Tạ Ngọc Bảo cho hay, mỗi lần đi đóng phim, sáng sớm anh phải đạp xe đến hãng chờ ô tô đón, tối về anh lại lọc cọc đạp xe về khu trọ ẩm thấp ở Thanh Xuân Nam. Có hôm, một hai giờ sáng Bảo mới về đến nhà, mưa ngập, người ướt sũng, bụng đói meo. Những lúc ấy, Bảo thấm thía nỗi khổ cực và sự mặc cảm của người nổi tiếng nhưng thường xuyên "viêm màng túi".

Tạ Ngọc Bảo còn kể lại kỷ niệm, do không có địa chỉ nhà, điện thoại nên rất khó liên lạc với anh. Một lần, đoàn làm phim Vũ khúc con cò muốn quay lại một cảnh nhưng không làm cách nào báo cho anh được. Sau khi nghe người bạn nhắn lại, anh đến hãng phim, thấy bản thông báo tìm diễn viên Tạ Ngọc Bảo chuẩn bị gửi đài truyền hình. Đến bây giờ, Tạ Ngọc Bảo đã giữ mảnh giấy ấy làm kỷ niệm.

Tạ Ngọc Bảo nhớ lại quãng thời gian đóng phim trong nam. “Hồi vào Sài Gòn, tôi thấy diễn viên cao tuổi mới khổ, còn diễn viên nữ trẻ đẹp có thể có cả xe hơi. Đa số diễn viên thành danh đều chịu nhiều áp lực từ sự nổi tiếng. Một nam diễn viên được người hâm mộ yêu mến, nhưng khi đáp lại tình yêu đó thì có thể làm cho cô gái... vỡ mộng. Cô gái khó có thể hình dung một “sao nam” lại không thể đáp ứng được những yêu cầu vật chất tối thiểu. Vì có ai biết cuộc sống riêng của người nổi tiếng. Ai biết mình sống trong môi trường như thế, sinh hoạt như thế… Nếu chả may yêu phải con gái nhà giàu thì với tôi, mua món quà tinh tươm vào “ngày ấy” cũng không thể… Kiểu nổi tiếng mà không có tiền thì khổ lắm. Vì thế giao tiếp càng thu hẹp lại, cơ hội bỏ đi nhiều… Lúc đi làm phim mới là sống, là vui vẻ, nhưng đời sống ấy ngắn ngủi. Nhiều thì kéo dài được một vài tháng, rồi lại trở lại chuỗi ngày bấp bênh”, Bảo tâm sự.

Những diễn viên kỳ lạ của màn ảnh Việt - 8

Tạ Ngọc Bảo trong phim Chiếc chìa khóa vàng của đạo diễn Lê Hoàng

Khi không đóng phim và không làm thư ký trường quay, Bảo về chùa như ở ẩn. Hàng tháng trời không có việc, thi thoảng đến hãng phim xem có thông tin gì… Từ lúc đó, tôi đã nghĩ phải tìm công việc khác để làm. Không phải không làm nghề nữa thì phụ nghề mà với mật độ làm phim như ngày ấy và với khả năng không thể hóa thân thành nhiều dạng vai và cái mặt tôi không làm cho các đạo diễn tin tưởng để giao những vai khác. Mà nếu cứ đóng nhiều vai giống nhau sẽ chán. Có phim còn chấp nhận được. Nhưng có phim mình còn chán mình. Mà hồi đó cứ được mời là nhận chứ không từ chối, không mặc cả cát sê vì người ta không mời mình sẽ mời người khác. Mà người khác thì nhiều. Tôi cần có việc để làm nên không có sự lựa chọn hay thoả hiệp nào khác. Có lúc nhận thù lao thấp quá, cũng hỏi, sao cát sê của em chỉ thế này thôi ạ. Có người bảo chỉ thế thôi. Có người tử tế hơn thì nói kinh phí thấp, em thông cảm.

Cuộc chia tay không hẹn ngày trở lại

Không chỉ đóng phim, trong 10 năm theo nghề, Bảo đã làm quen với công việc của nhân viên thư ký trường quay. Anh cũng từng đầu quân cho một đoàn kịch ở Hà Nội suốt 6 tháng, nhưng rồi trưởng đoàn bảo: “Cháu không hợp với kịch ở đây”. Anh trở về làm phim. Chuyến đi Tây Nguyên theo đoàn phim Đất lành (5 tập) làm thư ký trường quay và đóng một vai nhỏ, là bộ phim cuối cùng chấm dứt sự nghiệp điện ảnh sau gần 10 năm.

Bảo chia sẻ anh cũng từng có cơ hội gắn bó lâu dài với nghề. Khi đóng phim Vào đời, Bảo được ngỏ lời về làm ở Ban thư lý TFS. Anh cũng chuẩn bị mọi thứ để nhận chân thư ký cho bộ phim dài tập Dưới cờ đại nghĩa. Thế nhưng, những ràng buộc ở quê nhà: bố mẹ già không ai chăm sóc, người yêu mỏi mắt ngóng trông... khiến anh bỏ tất cả, quày quả trở lại Hà Nội.

Khi đang đóng phim Vũ khúc con cò (2002), có người khuyên anh nên học lái xe. Lấy được bằng lái cũng là lúc anh vừa cưới vợ. Một người quen, công tác trong ngành điện, ngỏ ý giúp anh tìm việc làm ổn định. Đúng lúc ấy, chi nhánh điện lực một quận nội thành ở Hà Nội cần người lái xe chuyên dụng, Bảo lẳng lặng làm hồ sơ. Khi chính thức đi làm, anh mới báo cho vợ biết.

Một năm sau, anh được nhận vào biên chế. Công việc ổn định, hai cậu con trai kháu khỉnh lần lượt ra đời. Do không có điện thoại di động suốt thời gian dài nên khi chuyển sang ngành điện, Bảo hầu như cắt đứt liên lạc với giới làm phim. Vài năm đầu đi làm, thi thoảng cũng có người tìm anh, chuyển lời mời đóng phim của các đạo diễn. Bảo nói, anh không còn thiết tha nữa. Công việc của nhân viên điện lực cuốn anh đi mỗi ngày. Đóng một tập phim cũng sẽ làm đảo lộn nhịp sống bình yên ấy. Anh không muốn có sự thay đổi nào nữa. Hay đúng hơn, ước mơ giản dị có cuộc sống bình yên, thanh thản bao năm ấp ủ giờ đã trong tay nên Bảo bằng lòng với hiện tại.

Tạ Ngọc Bảo giờ là nhân viên văn phòng điều độ thuộc một chi nhánh điện lực ở Hà Nội. Anh không còn vẻ gầy gò, khắc khổ và quê mùa nữa. Thay vào đó là một Tạ Ngọc Bảo tóc húi cua, phát tướng, áo thun, quần ka-ki trắng. Anh chia sẻ: "Dù xuất hiện trong khá nhiều phim nhưng bây giờ, khách hàng hầu như không nhận ra mình từng làm diễn viên".

Bảo không còn đóng phim đã hơn 10 năm. Anh cũng không thiết tha trở lại phim trường, nhưng điện ảnh chưa bao giờ thôi hiện diện trong cuộc sống của anh. Anh vẫn dõi theo những hoạt động trong nghề và tình hình điện ảnh trong nước. Thời gian giải trí, anh dành cho việc xem phim. Có lẽ để cân bằng với những vai hiền lành và cuộc sống đều đặn của nhân viên ngành điện, anh chỉ thích xem phim hàng động Mỹ. Bảo đã khác nhiều, nhưng tôi nhận ra cách nói chuyện thủ thỉ vẫn như xưa với ánh mắt hiền từ. Anh vẫn giữ được cái "chất" của một diễn viên điện ảnh ngày nào.

Theo K.N

Báo Gia đình&Xã hội