Lý do tranh vẽ hai chiếc ghế "cô đơn" của Van Gogh không bao giờ "sóng đôi"
(Dân trí) - Đây là hai bức tranh ghi lại một tình bạn đặc biệt trong lĩnh vực hội họa, có thể xem là hai bức tranh đôi rất phù hợp để trưng bày cạnh nhau, nhưng chúng chưa bao giờ xuất hiện cạnh nhau, vì sao?
Năm 1888, khi đang sống tại thành phố Arles (Pháp), Vincent van Gogh tự cắt tai trái của mình rồi rơi vào một đợt suy sụp tinh thần nghiêm trọng. Nguyên nhân là bởi Van Gogh đã có những xung đột nghiêm trọng với người bạn thân - họa sĩ người Pháp Paul Gauguin.
Trước khi xảy ra sự việc này, Van Gogh đã thực hiện hai bức tranh ấn tượng. Một bức là "Chiếc ghế của Gauguin" khắc họa hai cuốn sách và một ngọn nến đang cháy đặt trên một chiếc ghế tựa được thực hiện khá "điệu đà". Một bức khác có tên "Chiếc ghế của Van Gogh" khắc họa một chiếc tẩu thuốc và một chiếc túi nhỏ đặt trên một chiếc ghế gỗ giản dị.
Đây là hai bức tranh ghi lại một tình bạn đặc biệt trong lĩnh vực hội họa, có thể xem là hai bức tranh đôi rất phù hợp để trưng bày cạnh nhau, nhưng trong lịch sử chưa từng có lần nào hai bức tranh này được đặt cạnh nhau trong một cuộc triển lãm nào. Tại sao lại như vậy, lý do vừa được hé lộ.
Mọi sự có lẽ nằm ở quyết định của bà Johanna Bonger, người thừa kế tất cả các bức tranh mà chồng bà - ông Theo van Gogh sở hữu. Theo van Gogh là em trai của Vincent van Gogh.
Bà Bonger không muốn hai bức tranh này được triển lãm cạnh nhau, có lẽ bởi bà luôn có mối "ác cảm" đối với họa sĩ Paul Gauguin sau những tác động tiêu cực mà anh chồng của bà - danh họa Vincent Van Gogh đã gặp phải sau sự sụp đổ tình bạn với Gauguin.
Bà Bonger sẵn sàng cho các triển lãm mượn trưng bày bức "Chiếc ghế của Van Gogh", nhưng bà nhất quyết giữ bức "Chiếc ghế của Gauguin" lại trong bộ sưu tập của gia đình, và không cho các triển lãm mượn trưng bày khi bà còn tại thế.
Chỉ tới năm 1928, ở thời điểm 3 năm sau khi bà Bonger qua đời, bức tranh khắc họa "Chiếc ghế của Gauguin" mới được đem ra trưng bày triển lãm lần đầu tiên. Lúc này, bức "Chiếc ghế của Van Gogh" đã rất nổi tiếng và đã được bán cho hệ thống triển lãm nghệ thuật Tate (Anh).
Ông Louis van Tilborgh, chuyên gia nghiên cứu tại Bảo tàng Van Gogh, kiêm giáo sư lịch sử nghệ thuật ở Đại học Amsterdam (Hà Lan) vừa cho hay: "Bà Johanna Bonger không bao giờ cho trưng bày bức "Chiếc ghế của Gauguin" lúc bà còn sống, trong khi bức "Chiếc ghế của Van Gogh" đã xuất hiện tại những bảo tàng, triển lãm danh tiếng và trở thành một tác phẩm nghệ thuật được biết đến".
Nhà nghiên cứu Louis van Tilborgh cho rằng lý do chính nằm ở phía bà Bonger, rằng có lẽ bà Bonger đã "không ưa" danh họa Gauguin, sau khi vị danh họa này công khai mối bất hòa với Van Gogh và có những lời lẽ không hay về người họa sĩ từng là bạn của mình.
Nhà nghiên cứu Tilborgh cho hay: "Gauguin ngay từ đầu đã hay nói với mọi người rằng Van Gogh không chỉ điên rồ mà còn kém cỏi, rằng Gauguin đã phải dạy Van Gogh cách vẽ.
Qua quá trình nghiên cứu của mình, tôi cho rằng bà Bonger biết những thông tin này và kết luận của tôi đối với hành động cất kỹ bức "Chiếc ghế của Gauguin" lúc bà còn sống, chủ yếu là bởi bà không muốn để hai bức tranh có thể xuất hiện cạnh nhau, để người ta lại nói nhiều về tình bạn từng có giữa Van Gogh và Gauguin".
Một tình bạn, hai bức tranh, hai chiếc ghế...
Van Gogh đã thực hiện hai bức tranh khắc họa hai chiếc ghế sau khi mời danh họa Gauguin tới sống cùng mình ở thành phố Arles (Pháp). Gauguin là người mà Van Gogh vốn rất ngưỡng mộ, nhưng trước đó, hai người chưa quen biết sâu và chưa hiểu nhiều về nhau.
Khi hai người sống cạnh nhau ở Arles, họ đã cùng sáng tạo nên những tác phẩm mỹ thuật ấn tượng trong sự nghiệp. Lúc này, Van Gogh đặt mua 12 chiếc ghế gỗ giản dị và một chiếc ghế gỗ có thiết kế "điệu đà" ấn tượng. Chiếc ghế "điệu đà" duy nhất ấy được đặt trong phòng của Gauguin.
"Trong lịch sử mỹ thuật, người ta luôn gọi hai chiếc ghế mà Van Gogh khắc họa trong hai bức tranh là hai chiếc ghế "trống không", hay hai chiếc ghế "cô đơn". Sự trống vắng của hai chiếc ghế khi không có người ngồi trên đó khiến các chuyên gia nghiên cứu tin rằng Van Gogh đã dự đoán được trước rằng tình bạn giữa ông và Gauguin sẽ không bền", nhà nghiên cứu Tillborgh nhận xét.
Hai bức tranh này được Van Gogh thực hiện trước khi xảy ra những xung đột nghiêm trọng với họa sĩ Gauguin. Hai chiếc ghế dù không có người ngồi nhưng có những món đồ vật thuộc về chủ nhân của chiếc ghế được đặt trên ghế, qua đó, phản ánh thói quen giải trí của Van Gogh và Gauguin.
Hai bức tranh này khắc họa một tình bạn khá nổi tiếng trong hội họa. Sau này, khi tình bạn giữa Van Gogh và Gauguin sụp đổ vì những khác biệt không thể khỏa lấp, khiến Gauguin chuyển ra khỏi ngôi nhà của Van Gogh, sự việc đã khiến Van Gogh rất khủng hoảng.
Vốn dĩ Van Gogh đã có những vấn đề tâm lý nặng nề, sự sụp đổ tình bạn này càng kích động những nỗi hoảng sợ trong ông, khiến ông có cảm giác mình bị bỏ rơi, rằng sự song hành trong sáng tạo nghệ thuật của họ đã đến lúc chấm dứt.
Sau khi Gauguin rời đi và Van Gogh trải qua một đợt điều trị trong bệnh viện tâm thần, khi trở về ngôi nhà chỉ còn lại một mình, Van Gogh đã vẽ thêm chiếc tẩu thuốc và chiếc túi nhỏ lên bức tranh khắc họa chiếc ghế của mình.
Trước đó, chiếc ghế này vốn thực sự trống không, đó là một sự khẳng định của Van Gogh về sự tồn tại rõ ràng của mình trong tác phẩm, một sự tồn tại "ngang bằng" với sự tồn tại của Gauguin trong bức tranh "Chiếc ghế của Gauguin".
"Có thể Van Gogh đã trở về căn nhà sau đợt điều trị tâm lý và thấy rằng bức tranh khắc họa chiếc ghế của mình đang quá trống vắng, trong khi mình mới là người duy nhất còn ở lại căn nhà này, nên ông ấy đã thêm một số đồ vật vào trong tranh để khẳng định về sự hiện diện rõ ràng của mình", nhà nghiên cứu Tilborgh chia sẻ.