Ly cung nhà Hồ... kêu cứu!

(Dân trí) - Nằm trong quần thể Di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ, nhiều hạng mục của khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Ly cung nhà Hồ hiện đã biến mất. Khu di tích này đang có nguy cơ trở thành một phế tích nếu không được bảo vệ, tôn tạo kịp thời.

Dấu tích xưa

Ly cung nhà Hồ, nằm ở Làng Kim Phát, xã Hà Đông, huyện Hà Trung (Thanh Hóa). Nơi đây từng gắn với tên tuổi của Hồ Quý Ly - một nhân vật lịch sử nối tiếng dưới triều đại nhà Hồ ở nước ta thế kỷ 14. Hồ Quý Ly chính là người đã có công lớn trong việc xây dựng thành nhà Hồ nổi tiếng và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2011.


Theo sử cũ ghi lại, vào những năm 1396 – 1398 nước ta đứng trước nguy cơ bị giặc ngoại xâm lược từ hai đầu đất nước. Phía Bắc thì giặc Minh cho quân đánh chiếm xâm lược bờ cõi. Phía Nam, quân Chiêm Thành cũng có âm mưu thôn tính nước ta.

Lúc này, Hồ Quý Ly đang là một tướng sĩ dưới triều nhà Trần, ông đã đứng ra dùng sách lược mềm mỏng ngoại giao để hoãn binh quân giặc từ hai phía. Trong nước, ông đứng lên dẹp loạn những cuộc nổi dậy của các loạn thần, ông cũng đã tham mưu cho vua tôi nhà Trần rời đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa để đảm bảo an toàn lâu dài.

Tấm bia là giá trị duy nhất còn sót lại ở di tích Ly cung nhà Hồ
Tấm bia là giá trị duy nhất còn sót lại ở di tích Ly cung nhà Hồ

Khi vào Thanh Hóa, Hồ Quý Ly đã cho xây dựng cung Bảo Thanh (tức Ly cung nhà Hồ) trên một diện tích lớn. Phía trước là khoảng không gian bao la có sự che chắn của các dãy núi nằm bên sông Lèn (nhánh của sông Mã), phía sau dựa mình vào núi cao. Công trình được đầu tư xây dựng công phu giống như một thành Thăng Long thu nhỏ để đón vua Trần vào Thanh Hóa, chuẩn bị cho việc xây dựng kinh đô mới là thành Tây Đô (thành nhà Hồ ngày nay). Những năm tháng này, cung Bảo Thanh trở thành hành dinh chống giặc và nơi đàm luận việc quân cơ của Vua tôi nhà Trần.

Những giá trị lịch sử văn hóa được ghi khắc lại trong tấm bia này
Những giá trị lịch sử văn hóa được ghi khắc lại trong tấm bia này

Đánh giá được những giá trị to lớn và tầm quan trọng của khu di tích này, Viện khảo cổ học Việt Nam đã nhiều lần vào đây khai quật và tìm thấy nhiều hiện vật có giá trị. Đây là những minh chứng rõ nét về dấu ấn của một cung điện triều đại xưa. Dù di tích không còn nguyên vẹn nhưng vẫn mang ý nghĩa lịch sử to lớn, có giá trị nghệ thuật cao và là tuyệt tác của nền văn hóa Trần - Hồ.Chính vì thế năm 1997, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) đã cấp công nhận Ly cung nhà Hồ là khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Phế tích nay

Cho đến ngày nay, di tích lịch sử - văn hóa Ly cung nhà Hồ đã trải qua hơn 600 năm với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử. Do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, cùng với sự tàn phá của con người nên công trình kiến trúc độc đáo này đang dần trở thành một phế tích.

Miếu thờ được dựng sơ sài nằm giữa khu di tích
Miếu thờ được dựng sơ sài nằm giữa khu di tích

Có mặt tại đây, chúng tôi không khỏi xót xa cho một di tích mang tầm cỡ cấp quốc gia này. Toàn bộ khu di tích Ly cung nhà Hồ nay chỉ còn lại là một khu đất trống, cây cỏ dại mọc um tùm. Bao nhiêu công trình kiến trúc mang giá trị nghệ thuật cao nơi đây nay chỉ còn lại một miếu thờ được dựng lên sơ sài nằm giữa khu đất trống. Một ngôi nhà thờ được nhân dân trong vùng đóng góp xây dựng cũng chưa được làm hoàn chỉnh.

Quý giá nhất tại khu di tích này có lẽ là tấm bia đá lớn còn sót lại. Gặp chúng tôi, một cụ cao niên sống gần đây cho biết, tấm bia này may mắn được giữ lại kịp chứ không người dân cũng đã định đập vỡ ra lấy đá đốt thành vôi từ lâu.

Cổng vào được che chắn sơ sài để ngăn trâu bò, súc vật
Cổng vào được che chắn sơ sài để ngăn trâu bò, súc vật

Được biết, tấm bia lớn này được một văn sĩ đời sau khi đi qua khu di tích này, thấy phong cảnh hữu tình cũng như những giá trị lớn đã cho khắc bia. Tấm bia là bằng chứng, chứng minh những giá trị với nhiều chứng tích lịch sử đã có ở tại đây. Thấy tấm bia bị bỏ mưa nắng xuống cấp, mới đây chính quyền địa phương đã xây một nhà bia che lại.

Quan sát kĩ tại di tích này, ở khu vực trung tâm vẫn còn lại dấu vết của những nền móng cung điện xưa. Dưới nền nhà còn nhiều các loại gạch, ngói bị vỡ nằm vung vãi. Các chân cột bằng đá lớn với nhiều hình thù khác nhau nằm chỏng chơ nhiều nơi trong khu di tích. Bao quanh khu di tích này có một bức tường rào xây lên đơn giản, ngăn không cho trâu bò, súc vật vào bên trong…

Những chân cột đá vương vãi khắp khu di tích nhưng không được quy hoạch gọn gàng
Những chân cột đá vương vãi khắp khu di tích nhưng không được quy hoạch gọn gàng

Là một di tích lịch sử cấp quốc gia lại nằm trong quần thể Di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ nhưng di tích Ly cung nhà Hồ lại đang dần bị mai một. Nếu không được quan tâm đúng mức sẽ chẳng bao lâu nữa, nơi đây sẽ trở thành một phế tích với nhiều giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, kiến trúc bị chôn vùi dưới lòng đất và bị lãng quên.

Thái Bá

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm