Lưu hành bài hát cấm, bị phạt 20 triệu đồng: Chưa có danh sách cấm, làm sao thực thi?

Từ 5.5, Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo sẽ chính thức có hiệu lực. Đây được coi là “cây gậy thép”, giúp nhà quản lý chấn chỉnh, đưa hoạt động văn hóa, nghệ thuật đi vào nền nếp.

Nhưng thực tế lùm xùm liên quan đến việc cấp phép ca khúc thời gian qua cho thấy, vẫn chưa đủ cơ sở để thực thi quy định xử phạt, do còn bất cập từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Ca khúc “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được rất nhiều nghệ sĩ biểu diễn, nhưng mới chỉ được Cục NTBD cấp phép. Ảnh: BTC
Ca khúc “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được rất nhiều nghệ sĩ biểu diễn, nhưng mới chỉ được Cục NTBD cấp phép. Ảnh: BTC

Tăng nặng mức phạt để răn đe

Nghị định số 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo sẽ có hiệu lực thi hành từ 5.5. Nghị định có rất nhiều điểm mới, điều chỉnh để phù hợp với thực tế, quy định rõ về thẩm quyền xử phạt, trong đó có việc tăng nặng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm.

Đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, theo Nghị định mới, sẽ phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi bán, cho thuê hoặc lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được phép phổ biến hoặc chưa dán nhãn kiểm soát.

Hành vi bán, cho thuê hoặc lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung bị cấm lưu hành hoặc đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy sẽ bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng. Buộc tiêu hủy và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được. Quy định cũ chỉ xử phạt từ 2 triệu và tùy theo số lượng bản vi phạm.

“Trước đây chúng ta xử lý theo số lượng. Phát hiện đĩa phim, đĩa ca nhạc vi phạm càng nhiều, thì càng phạt nặng. Nhưng trong quá trình đi vào thực tiễn cuộc sống đã phát sinh những bất cập. Nếu đã là tác phẩm đồi trụy, bị cấm lưu hành, thì 1 đĩa hay nghìn đĩa cũng đều là vi phạm. Chính vì thế nghị định mới sẽ xử phạt theo hành vi vi phạm chứ không theo số lượng vi phạm như trước” - ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VHTTDL chia sẻ về một trong những điểm mới trong Nghị định số 28/2017/NĐ-CP.

Ông Thái cũng giải thích thêm rằng: “Chỉ phạt hành vi in đĩa không có phép và hành vi phổ biến những ca khúc có nội dung đồi trụy, khiêu dâm, chống lại nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc…”.

Bất cập chưa sửa, thực thi lúng túng

Xử phạt hành chính là thể hiện chế tài của một văn bản nào đó đã quy định về nội dung. Với Nghị định số 28/2017/NĐ-CP, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) cho biết Nghị định ra đời trên cơ sở bám vào Nghi định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

Nhưng thời gian qua, câu chuyện liên quan đến việc tạm dừng lưu hành và cấp phép phổ biến ca khúc của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã gây bức xúc trong dư luận. Rất nhiều ca khúc được hàng triệu người hát bao năm nay, như “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn, "Lên đàng" (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước), "Tự nguyện" (nhạc Trương Quốc Khánh - ý thơ Tố Hữu)… nhưng đều không có trong danh mục đã được cấp phép phổ biến trên trang web của Cục NTBD.

Chia sẻ với Lao Động, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên thừa nhận, các quy định về việc cấp phép ca khúc trong Điều 29 Nghi định số 79/2012/NĐ-CP còn bất cập, chưa theo kịp được cuộc sống, cần phải chỉnh sửa. Ông nhấn mạnh người quản lý thấy bất cập thì phải kiến nghị chỉnh sửa ngay, chứ không thể cứ áp dụng quy định một cách máy móc, cứng nhắc.

Tính đến nay đã gần 20 ngày kể từ khi Cục NTBD nhận sai và nói sẽ gấp rút sửa chữa, nhưng khi vào Danh mục các bài hát trước năm 1975 được phép phổ biến trên website của Cục, vẫn chỉ có hơn 2.600 ca khúc được cấp phép. Một số đơn vị tổ chức sản xuất biểu diễn, băng đĩa nhạc cho hay danh mục các ca khúc được cấp phép thực tế phải nhiều hơn số đó, bởi có nhiều ca khúc họ đã có giấy phép trong tay nhưng vẫn không được cập nhật trên mạng. Ngay danh sách bài hát của Cục NTBD và của Bộ VHTTLD còn “vênh nhau”, mà theo lời giải thích của đại diện Cục NTBD là vì dung lượng web của Cục nhỏ hơn, nên chưa cập nhật đủ.

Trong khi Nghị định quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đã có hiệu lực thi hành, thì đến nay những ca khúc nào chưa được cấp phép lưu hành, ca khúc nào bị cấm… vẫn chưa có một danh sách cụ thể, để người dân, nghệ sĩ, nhà sản xuất biết mà tránh bị xử phạt.

Trước những băn khoăn này, cũng như trả lời câu hỏi liệu Nghị định số 28/2017/NĐ-CP có đủ cơ sở thể thực thi và đi ngay vào thực tiễn, để xử phạt trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VHTTDL - chia sẻ: “Ở đây cũng nảy cái khó. Có những quy định trong Nghị định số 79/2012/NĐ-CP chưa chuẩn, còn bất cập, thì cũng có nghĩa là Thanh tra Văn hóa chưa thể xử phạt theo Nghị định số 28/2017/NĐ-CP được.

Theo đúng quy định của pháp luật thì công dân được phép làm những gì mà pháp luật không cấm, được phép hát bất cứ ca khúc nào không bị cấm. Nhưng cũng rất khó để lập ra danh sách này. Vì đất nước chúng ta có đặc thù, có lịch sử với nhiều cuộc chiến tranh trong nhiều thập kỷ”.

Rõ ràng đây là lỗ hổng trong hành lang pháp lý, khi đưa ra quy định, nhưng chưa thể đi vào thực tế vì chưa có đủ cơ sở để thực thi. Ông Thái đưa ra giải pháp: “Để Nghị định số 28/2017/NĐ-CP đi vào thực tế, thì những quy định quy phạm pháp luật về nội dung, cụ thể là Điều 29 của Nghi định số 79/2012/NĐ-CP về việc cấp phép ca khúc phải điều chỉnh lại theo hướng, những bài hát đã được sáng tác trước 1975 đã được phổ biến rộng rãi, không có vấn đề gì sai phạm về nội dung thì khi xin phép cần đơn giản hơn về thủ tục, hồ sơ, thậm chí có thể đưa vào danh mục được phép phổ biến. Việc điều chỉnh cụ thể cái gì, bao giờ điều chỉnh thì phải có lộ trình, Bộ VHTTDL sẽ phải gấp rút đề xuất với Chính phủ, để văn bản quy định về nội dung theo kịp văn bản quy định về xử phạt hành chính”.

Theo Đặng Chung - Mai Châu
Lao Động