Quảng Trị:

Lưu giữ hai sắc phong cổ thời Tây Sơn

(Dân trí) - Xuất phát từ lòng kính trọng, ngưỡng mộ tài đức của bậc tiền nhân và để lưu giữ cho thế hệ sau, con cháu dòng họ Mai, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, vẫn giữ gìn sắc phong của một vị vua thời Tây Sơn cho danh tướng trong họ để giáo dục con cháu.

Hai sắc phong này được giới chuyên môn đánh giá có niên đại lâu nhất hiện còn được lưu lại. Bởi, các sắc phong được gìn giữ hiện nay chủ yếu có từ thời các triều vua nhà Nguyễn.

“Báu vật” tồn tại hơn 2 thế kỷ

Sau một hồi trò chuyện, Trưởng họ Mai là ông Mai Văn Hân cho chúng tôi xem tận mắt 2 sắc phong của vua Quang Toản thời Tây Sơn ban cho một vị tướng trong dòng họ của ông. Trải qua hơn 2 thế kỷ nhưng các thế hệ con cháu trong dòng họ Mai vẫn lưu giữ cẩn thận và xem đó như là “báu vật”.

Ông Mai Văn Hân cho biết: Hai sắc phong này không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa mà còn là tài sản của tổ tiên để lại cho các thế hệ con cháu. Hai bản sắc phong mang ý nghĩa giáo dục cao, là cơ sở để răn dạy cháu con noi gương các thế hệ đi trước mà tích cực tu dưỡng, rèn luyện, chuyên tâm học tập để có thể đỗ đạt thành tài.

 

Lưu giữ hai sắc phong cổ thời Tây Sơn - 1

Hai sắc phong của vị danh tướng trong dòng họ được các thế hệ con cháu họ Mai giữ gìn cẩn thận

Ông Hân nói rằng, ông được nghe các cụ cao niên trong dòng họ kể lại là hai sắc phong này có từ thời vua Quang Toản (con trai của vua Quang Trung) phong cho vị tướng trong dòng họ là cụ Mai Trọng Thông. Sau khi lên ngôi năm 1793, vua Quang Toản lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. Để ghi nhận công lao của các danh tướng dưới quyền, vua đã phong chức cho những người có nhiều đóng góp cho triều đình.

Năm 1802, triều Tây Sơn bị nhà Nguyễn lật đổ. Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu Gia Long, ban hành sắc lệnh thu hồi, phá hủy, tiêu hủy toàn bộ di vật liên quan đến triều Tây Sơn. Những ai phạm phải điều cấm đều bị xử chém, thậm chí bị “tru di cửu tộc”.

Trong tình cảnh ấy, cụ Mai Văn Ồ đã cất giữ hai sắc phong nói trên trong một cái hũ sành rồi chôn dưới nền nhà. Đến thời Pháp xâm lược, ông đào lên và bảo quản ở nhà thờ họ Mai.

Đến thời chống Mỹ, 2 sắc phong này được con cháu họ Mai tại Gio Mỹ mang theo, gìn giữ cẩn thận. Khi con cháu trong họ ly tán vào phía Nam vẫn bảo quản sắc phong của vua ban cho bậc tiền nhân. Sau khi đất nước giải phóng, con cháu trong họ lại mang về quê và bảo quản cho đến ngày nay.

 

Lưu giữ hai sắc phong cổ thời Tây Sơn - 2

Bản sao các sắc phong được treo ngay tại nhà thờ họ Mai

Dù trải qua chừng ấy thời gian với biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, 2 sắc phong vẫn được bảo quản hết sức cẩn thận nên vẫn còn khá nguyên vẹn. Theo ông Hân, hàng năm cứ đến ngày giỗ tổ họ Mai (27/7, Âm lịch), tất cả con cháu đều tề tựu tại nhà thờ họ để dâng hương lên các vị tiên tổ. Cũng nhân dịp này, 2 sắc phong được các cụ cao niên mang ra để răn dạy con cháu về truyền thống của cha ông và khuyên mọi người phấn đấu, rèn luyện trong học tập và trong công việc.

 

Lưu giữ hai sắc phong cổ thời Tây Sơn - 3

Qua nhiều đời trưởng họ, ông Ba, ông Hân luôn xem đó là yếu tố gìn giữ gia phong và giáo dục con cháu

Ông Mai Văn Ba (75 tuổi, trưởng họ Mai) nói: Qua 17 thế hệ nối tiếp nhau nhưng 2 sắc phong trên vẫn được bảo quản cẩn thận, chu đáo và được con cháu trong dòng họ rất mực trân trọng. Chúng tôi luôn cảm thấy tự hào vì trong dòng họ có vị danh tướng được triều đình trọng dụng. Thế hệ con cháu sau này nguyện sẽ nêu gương các cụ đi trước để sống có đức, học tập và công tác thật tốt, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, tổ chức phân công.

Và, để động viên con cháu, dòng họ đã lập nên Qũy khuyến học để khuyến khích các thế hệ con cháu có thành tích học tập khá, giỏi,…và luôn phát huy, xây dựng Qũy khuyến tài của dòng họ ngày càng có ý nghĩa thiết thực.

“Mục sở thị” sắc phong cổ

Sắc phong thứ nhất do vua Quang Toản phong cho ông Mai Trọng Thông được làm bằng giấy dó mịn, nền màu vàng đất; mặt trước đóng dấu triện màu đỏ, trang trí hoa văn Long ẩn, vân màu chàm, đường diềm chữ vạn, bốn góc có bốn vòng khoanh hình bầu dục, mặt sau trang trí hoa văn tứ linh Long - Ly - Quy - Phụng, bốn góc và chính giữa là hồi văn chữ Thọ.

 

Lưu giữ hai sắc phong cổ thời Tây Sơn - 4

Các sắc phong vẫn còn khá nguyên vẹn

Nội dung sắc phong có nội dung: “Tướng quân Mai Trọng Thông, người làng An Mỹ, huyện Minh Linh, phủ Quảng Thuận, trung thành với triều đình, chỉ huy quân đội, coi trọng nghĩa lớn, rất có công lao, nay thăng chức Anh liệt tướng quân, chỉ huy quân với chức vụ Phó sứ, tước lược Tài bá...” Sắc phong ngày 19 tháng Hai năm Cảnh Thịnh thứ nhất 1793.

Sắc phong thứ hai, cũng do vua Quang Toản ban ngày 16 tháng Mười năm Cảnh Thịnh thứ ba 1795. Nội dung sắc phong: Chỉ huy trưởng Mai Trọng Thông thuộc Vệ Trung Nghĩa của đạo Trung quân, người xã An Mỹ, huyện Vĩnh Linh, hùng khí lẫm liệt, hành động như vũ bão, theo vua đi đánh giặc trước sau nhiều năm, lập được nhiều công lớn. Nay được phong Hùng liệt tướng quân, Hộ quân trưởng, tước Lược Tài Hầu, quản chặt đơn vị thuộc quyền, thực hiện được ý định, dũng mãnh ra công đánh giặc, trí lực sâu xa, ra sức tỏ lòng trung thành, báo đáp Thánh thượng.

 

Lưu giữ hai sắc phong cổ thời Tây Sơn - 5

 

Lưu giữ hai sắc phong cổ thời Tây Sơn - 6

Hơn 2 thế kỷ trôi qua, các thế hệ con cháu họ Mai luôn trân trọng và xem đó như là "báu vật" của các bậc tiền nhân để lại

Sắc phong này được làm bằng giấy dó mịn, nền màu vàng cháy; mặt trước đóng dấu triện màu đỏ, có ghi 4 chữ Sắc - Mệnh - Chi - Bảo, trang trí hoa văn Long ẩn vân màu chàm, đường diềm hồi văn hoa thị và hình lục giác, bốn góc hồi văn chữ Vạn; mặt sau trang trí hoa văn Long - Phụng ẩn vân, chính giữa là hai hồi văn chữ Thọ liền kề, bốn góc hồi văn chữ Thọ.

Theo một cán bộ ngành Văn hóa, qua thực tế nghiên cứu, thì đến nay các tài liệu văn bản cổ kể cả sắc phong ở vùng đất Quảng Trị còn lại không nhiều. Ngoài việc phát hiện hai sắc phong thời Tây Sơn tại làng An Mỹ , Gio Linh, vẫn chưa tìm thấy một sắc phong nào vào các triều đại trước. Có thể nói sắc phong cho các vị thần ở vùng đất Quảng Trị hiện còn chỉ có vào thời các vua Nguyễn, thuộc thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX; nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào đầu đời vua Minh Mạng (1820) đến cuối đời vua Khải Định (1924).

Đây là hai đạo sắc thời Tây Sơn còn lại duy nhất ở Quảng Trị, xứng đáng được đưa vào danh mục cổ vật quý hiếm.

Đăng Đức