Lương Nguyệt Anh gây bất ngờ khi hát văn
(Dân trí) - Ca sĩ Lương Nguyệt Anh gây bất ngờ khi tưng bừng hóa thân thành "Cô Sáu Sơn Trang" và da diết với "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa".
Sau 10 ngày luyện tập miệt mài, chương trình Tập huấn hát dân ca và ứng dụng vào thực hành biểu diễn cho đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp của trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã chính thức bế mạc vào ngày 28/4. Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo các giảng viên, học viên và những người yêu nghệ thuật truyền thống.
Tại chương trình, các giảng viên lớp tập huấn đã biểu diễn các làn điệu Chèo cổ Đào Liễu, hát xẩm chênh bong, hát văn và ứng dụng nghệ thuật truyền thống vào các ca khúc dân ca, âm hưởng dân ca ngày nay.
Ca sĩ Lương Nguyệt Anh với vai trò là giảng viên thanh nhạc của trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã thể hiện hai bài hát văn Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa (Thơ: Nguyễn Duy) và Cô Sáu Sơn Trang.
Phần biểu diễn của Lương Nguyệt Anh đã gây bất ngờ cho khán giả không chỉ bởi tài năng hát dân ca rất "mùi" của cô mà còn bởi sự biến hóa đa dạng cảm xúc của cô.
Với bài hát văn Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Lương Nguyệt Anh đã đưa khán trở về những cảm xúc ngọt ngào thấm đẫm tình yêu quê hương, tình mẹ. Giọng hát da diết, đầy nỗi niềm, vừa tình cảm lại vừa đầy nhớ thương đã giúp khán giả "ngấm" nỗi nhớ khôn nguôi của người con đối với người mẹ, nhớ ơn tình mẫu tử thiêng liêng mà mẹ dành cho mình, dù vất vả đến đâu vẫn luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái.
Vốn dĩ sở hữu giọng hát dân gian tình cảm, dẫu biết Lương Nguyệt Anh không khó để chinh phục bài văn chan chứa cảm xúc như vậy, nhưng khán giả vẫn rất bất ngờ, dành cho cô những lời ngợi khen đã đem đến một bản hát bài văn nổi tiếng này vừa truyền thống lại vừa mới mẻ, tươi sáng, rất quyến rũ.
Sau khi khiến khán giả chìm đắm bởi cảm xúc của Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, ở phần biểu diễn bài hát văn Cô Sáu Sơn Trang, Lương Nguyệt Anh lại tiếp tục gây phấn khích với khán giả khi hóa thân vào Cô sáu Sơn Trang với khăn áo rực rỡ.
Ở phần trình diễn này, Lương Nguyệt Anh thực sự thăng hoa như "lên đồng", tạo nên không khí cực kỳ vui tươi, rộn ràng. Giọng hát bay bổng, réo rắt như tiếng suối của núi của rừng kết hợp với cách trình diễn uyển chuyển, vui tươi của Lương Nguyệt Anh lôi cuốn khán giả. Làn điệu hát văn và ngôn từ vốn đã tinh tế, kết hợp với giọng hát trời phú của Lương Nguyệt Anh khiến phần biểu diễn mới mẻ, sang trọng và ấn tượng.
Khán giả dành cho nữ ca sĩ những tràng pháo tay kéo dài không ngớt. Được biết, bài hát văn này đã từng giúp nữ ca sĩ dành điểm 10 tuyệt đối tại phần thi cao học thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đặc biệt, với phiên bản trình diễn lần này, Lương Nguyệt Anh đã làm mới, nhiều sáng tạo hơn so với trước đó.
Đối với hát dân ca, trong mắt khán giả, đây là hình ảnh mới của Lương Nguyệt Anh. Bởi trước đó, cô ít hát trên sân khấu. Tuy nhiên, sự thực đối với Lương Nguyệt Anh, dân ca chính là gốc rễ trong âm nhạc của cô, là cái "nôi" cho giọng hát dân gian của cô trưởng thành như hôm nay.
Sinh ra ở vùng quan họ, bố mẹ đều là nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống, nên từ nhỏ Lương Nguyệt Anh đã sống trong dân ca, say mê hình ảnh liền anh, liền chị. Nữ ca sĩ hát những bài dân ca từ năm lên 4 tuổi.
Không chỉ hát quan họ, Lương Nguyệt Anh còn chinh phục hát văn, xẩm hay chèo cũng rất nhẹ nhàng. Cô cho biết, trong tương lai không xa, cô sẽ cho khán giả thấy nhiều hơn hình ảnh của mình với nghệ thuật truyền thống. Trong vai trò giảng viên thanh nhạc của trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Lương Nguyệt Anh luôn tâm niệm hướng học sinh của mình yêu nghệ thuật gốc rễ của dân tộc là những bài dân ca.
"Nghệ thuật truyền thống của cha ông ta như Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa hay Cô Sáu Sơn Trang với những lời hát sâu sắc, hay, trữ tình. Chỉ cần ngấm được lời đã bồi dưỡng dồi dào cảm xúc, tình cảm cho người nghệ sĩ biểu diễn nói riêng và mỗi người chúng ta nói chung rồi, vì vậy tôi thường khuyến khích sinh viên của mình tìm hiểu dân ca", Lương Nguyệt Anh chia sẻ.
10 ngày tập huấn hát dân ca theo chủ trương của trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Lương Nguyệt Anh như cá gặp nước, đã thể hiện được hình ảnh của một Lương Nguyệt Anh quyến rũ trong nghệ thuật truyền thống. Cô cũng cho biết, sau đây sẽ tích cực hơn trong việc định hướng sinh viên tìm hiểu dân ca trong học tập, cùng học trò gìn giữ vẻ đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam.
Theo TS. NSND Thanh Ngoan - người hướng dẫn trực tiếp các giảng viên trong đợt tập huấn cho biết: "Tập huấn hát dân ca và ứng dụng vào thực hành biểu diễn giúp các giảng viên có thêm những kiến thức mới, có kỹ năng biểu diễn âm nhạc dân gian Việt Nam để hoàn thiện hơn trong trình diễn các tác phẩm nghệ thuật. Đồng thời, các nghệ sĩ, giảng viên sẽ nhân rộng vốn kiến thức tới đối tượng học viên nhà trường trong quá trình giảng dạy. Trong vai trò ca sĩ, Lương Nguyệt Anh tiết lộ, tới đây cô sẽ thực hiện nhiều hơn việc biểu diễn cũng như các sản phẩm nghệ thuật truyền thống.
Qua chương trình tập huấn, các giảng viên đã học được cách trình diễn các bài hát dân ca chuyên nghiệp và truyền cảm, đồng thời cũng nắm được những kỹ thuật âm nhạc cần thiết để tạo ra những tác phẩm âm nhạc dân tộc độc đáo. Từ đó, các giảng viên sẽ hoàn thiện hơn trong nghiên cứu, ứng dụng âm nhạc dân gian, kết hợp sáng tạo giữa hát dân ca và các dòng nhạc mới, tạo nên một sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại song vẫn giữ được nét đặc trưng vốn có, giúp cho nghệ thuật Việt Nam ngày càng được phát triển và đa dạng hơn. Điều này cũng góp phần giúp cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam".
Đại tá Vũ Hồ Tùng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội bày tỏ: "Thật tuyệt vời khi hôm nay chúng ta được nghe những bài hát, những làn điệu mang âm hưởng dân ca sâu đậm, gắn bó với chúng ta suốt tuổi thơ. Chúng ta đang được thưởng thức loại hình nghệ thuật ngọt ngào, sang trọng, bác học kinh điển của Việt Nam.
Những phần biểu diễn hôm nay thể hiện một phần kết quả của cô và trò trong 10 ngày lao động nghệ thuật, gợi nhắc một không gian đầy ắp văn hóa dân gian. Cùng với đó, đợt tập huấn còn có ý nghĩa thực hiện trách nhiệm và có kết quả ban đầu về việc bảo tồn văn hóa dân gian và nghệ thuật truyền thống".