Lương Đình Dũng: “Việt Nam không bao giờ đủ sức làm phim theo kiểu của Hollywood”
(Dân trí) - Đạo diễn “Cha cõng con” phóng khoáng chia sẻ câu chuyện hậu trường về việc kêu gọi đầu tư cũng như cách để điện ảnh Việt Nam bước ra thế giới.
Gần đây, anh gây bất ngờ khi công khai kêu gọi khoản đầu tư lớn cho dự án “578”. Có thể nói đây là việc chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Vì sao anh có ý tưởng táo bạo này?
Thực tế các nhà đầu tư, họ là người kinh doanh rất nhạy cảm, tinh tế và cảm nhận được ngay sự hợp lý của dự án và khả năng đột phá của đạo diễn. Mình kêu gọi không có lý do hoặc thiếu sức thuyết phục thì rất khó khăn. Dự án phim 578 là một dự án mà ai cũng thấy được nhiều thứ khi đầu tư hay tham gia vào. Điều đó có thể sẽ thuận lợi hơn cho tôi.
Nhiều đạo diễn đặc biệt là đạo diễn trẻ thường than thở có kịch bản hay, có ý tưởng mới… nhưng không tìm được nhà đầu tư. Là người bươn chải nhiều năm trong nghề, anh chia sẻ gì về những câu chuyện mình từng chứng kiến?
Mình phải đặt cương vị của mình vào họ để hiểu suy nghĩ và cái nhìn thực tế của họ vào dự án của mình. Như vậy sẽ dễ dàng thuyết phục hơn. Ví dụ như phim “Thành phố ngủ gật”, có nhà đầu tư đề nghị tài trợ lớn gấp nhiều lần mức đề xuất của tôi.
Tuy nhiên, tôi chỉ xin rất ít kinh phí vì lý do, thứ nhất bộ phim đó kinh phí sản xuất ít; thứ hai ở mức đầu tư như vậy việc có lãi sẽ dễ dàng nên không cần đổ tiền nhiều. Còn “578” là phim lớn, cần nhiều nhà đầu tư, như vậy sẽ mạnh hơn để đảm bảo thành công là chắc chắn.
Theo anh vì sao các nhà đầu tư còn ngần ngại đầu tư cho phim hay ngành nghệ thuật, có phải họ chưa nhìn ra lợi nhuận, đặc biệt là trong lĩnh vực điện ảnh?
Đầu tư cho nghệ thuật, tôi nghĩ là lĩnh vực hay vừa có uy danh vừa có lợi nhuận tốt, nên trên thế giới nhiều ông lớn đã làm, còn ở Việt Nam thì các nhà đầu tư lớn chưa chú ý hoặc đang mải mê chưa biết tới một cách cụ thể hơn khi tham gia kinh doanh lĩnh vực này. Đôi khi, thành công doanh thu của một bộ phim cao hơn doanh thu hàng chục năm của một doanh nghiệp lớn.
Có khi nào các nhà đầu tư băn khoăn về ê-kíp hoặc chất lượng phim ở thị trường Việt Nam?
Thế giới phẳng rồi nên bạn không nhất thiết phải chờ đợi để đào tạo rồi mình hãy làm. Như vậy thì mình luôn đi sau thôi. Đi tắt và tận hưởng các ê-kíp giỏi từ khắp nơi trên thế giới, điều này các nhà làm phim chuyên nghiệp nước ngoài đã làm.
Chẳng hạn, phim hành động “578” tôi mời ê-kíp từ Mỹ, Hàn Quốc và Tây Ban Nha; phim kinh dị “Ma đói, mật mã 45” chúng tôi mời ê-kíp từ Mỹ, Ý, Ba Lan… Như vậy chúng ta nhanh chóng vượt được vài chục năm mà có cơ hội làm việc với những người giỏi nhất.
Phim của đạo diễn Lương Đình Dũng đoạt nhiều giải cao trong các LHP quốc tế.
Anh có ví dụ nào cụ thể hơn về việc thành công khi đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh?
Tôi nghiên cứu cách đi bài bản từ nhiều nhà sản xuất đã thành công để tìm ra cách tiếp cận thị trường điện ảnh quốc tế. Nếu ở Việt Nam chúng ta làm phim đầu tư lớn, theo kiểu đề tài và cách làm phim Hollywood thì sẽ không bao giờ đủ sức đâu.
Nhưng lựa chọn kiểu làm phim kinh phí nhỏ, đề tài lạ, sức sáng tạo mạnh, cơ hội sẽ rất cao để thành công ở nước ngoài, như đạo diễn James Wan (Malaysia) sản xuất phim kinh dị “SAW” kinh phí sản xuất 1,2 triệu USD thu về 103 triệu và serie này đã đưa anh ấy vào Hollywood. Phim “Truy tìm phù thuỷ Blair” kinh phí sản xuất 1,1 triệu USD thu về 248,6 triệu USD. Trung Quốc có phim “Dying to Survive” đầu tư 70 triệu nhân dân tệ thu về 3,1 tỷ nhân dân tệ.
Phim kinh dị “Ma đói, mật mã 45” và một dự án bí mật khác sẽ dẫn đường cho chúng tôi ra quốc tế. Tôi tin ở sự đặc biệt này sẽ phá vỡ những gì cứng nhắc trong suy nghĩ của một số người về phim Việt Nam.
Từ kinh nghiệm của mình, anh thấy làm thế nào để gây được chú ý với các nhà đầu tư?
Như tôi đã nói, lĩnh vực điện ảnh là một lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận và đầu tư không kém các lĩnh vực khác. Nếu làm tốt luôn luôn có cơ hội lãi gấp 3 lần. Nhanh thu hồi, hơn nữa tính quảng bá thương hiệu của nhà đầu tư cũng theo đó vô cùng thuận lợi. Nếu bạn có một dự án tốt cùng một khả năng thuyết phục, bạn sẽ có cơ hội của mình.
Nhưng người ta thường nói, đầu tư cho điện ảnh có thể nói là đầu tư mạo hiểm. Rất nhiều bộ phim ra rạp doanh thu chỉ bằng một phần nhỏ kinh phí bỏ ra, rất ít phim tuyên bố thắng lớn. Đó phải chăng là điều khiến các nhà đầu tư ngần ngại?
Tôi thì không tin như vậy. Đầu tư một phim ở thị trường Việt Nam nếu anh bỏ ra trên dưới 30 tỷ đồng, anh đã có thể có một bộ phim lớn với nhiều sự đảm bảo thành công từ ê-kíp đến truyền thông rồi. Nếu có thì do nhà đầu tư chưa chọn đúng nơi đúng chỗ để đầu tư hoặc đầu tư theo kiểu nhỏ giọt đợi ăn may.
Theo anh cơ hội cho các nhà đầu tư hiện nay được đánh giá như thế nào?
Thứ nhất hiện nhiều nhà đầu tư lớn chưa hiểu thị trường và không chú ý đến thị trường nên cơ hội còn tốt cho các nhà đầu tư. Thị trường phim dễ thành công và mức đầu tư cho một phim không quá lớn. Nếu thực sự đầu tư nghiêm túc cho một dự án và lựa chọn được một ê-kíp tốt thì thành công về doanh thu vô cùng quan trọng
Ngoài ra, nếu đầu tư cho điện ảnh hay nghệ thuật, cái giá trị mang lại ngoài doanh thu chính là mang đến cho nhà đầu tư một hình ảnh đẹp, sang trọng, có thể nói đôi khi chỗ đứng của họ người nhiều tiền cũng phải kính nể.
Có những nhà đầu tư vì không am hiểu nghệ thuật thường đưa ra những điều khoản tiền nong quá khắc nghiệt hoặc những yêu cầu oái oăm, can thiệp vào bộ phim làm phim có những cảnh quảng cáo lộ liễu, thô thiển. Anh gặp những trường hợp đó chưa và anh ứng xử ra sao?
Tôi thì chưa gặp, quan điểm của tôi là “Phim cần có yếu tố nghệ thuật nhưng cũng phải thành công khi ra rạp”. Vậy đầu tư vào phim của tôi bạn đều được hai thứ đó. Nếu tôi có gặp thì cũng sòng phẳng thôi. Và tôi sẽ nói rằng “Chúng ta làm một bộ phim ra rạp hay một bộ phim quảng cáo”. Nếu là một nhà đầu tư am hiểu, họ sẽ cho tôi làm đúng sở trường của mình. Cá nhân tôi nếu để tôi tự chịu trách nhiệm thì danh dự của tôi sẽ tự giám sát bộ phim hoàn hảo nhất.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long
Ảnh: Ngọc Sơn